Trong bối cảnh lo ngại về khả năng bảo vệ của vắc xin COVID-19 suy yếu dần, nhiều quốc gia đang mở rộng các chương trình tiêm mũi vắc xin thứ 4 nhằm nỗ lực chống lại biến thể Omicron.

Những điều cần biết về mũi vắc xin thứ 4 phòng COVID-19

Đan Thuỳ | 16/05/2022, 12:01

Trong bối cảnh lo ngại về khả năng bảo vệ của vắc xin COVID-19 suy yếu dần, nhiều quốc gia đang mở rộng các chương trình tiêm mũi vắc xin thứ 4 nhằm nỗ lực chống lại biến thể Omicron.

Với số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh trở lại, nhiều quốc gia đã triển khai tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường lần hai (mũi vắc xin thứ 4)

Nhưng hầu hết mũi vắc xin thứ 4 chỉ giành cho các nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi và người bị suy giảm miễn dịch vì vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra về khả năng miễn dịch kéo dài như thế nào, và liệu mũi tiêm này có mang lại lợi ích lớn cho toàn bộ dân số hay không.

Đã có một số nghiên cứu được thực hiện về hiệu quả của mũi vắc xin thứ 4 nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm. Đây là những dữ liệu được biết cho đến nay.

Mũi vắc xin thứ 4 có hiệu quả như thế nào ở người cao tuổi?

Hầu hết dữ liệu cho đến nay đến từ Israel - quốc gia đầu tiên bắt đầu tiêm mũi vắc xin thứ 4 cho những người từ 60 tuổi trở lên, cũng như các nhóm nguy cơ cao như người bị suy giảm miễn dịch và nhân viên y tế. 

Một nghiên cứu đã so sánh hiệu quả giữa mũi vắc xin thứ 3 và thứ 4 của vắc xin Pfizer khi xem xét hồ sơ sức khỏe của hơn 182.000 người từ 60 tuổi trở lên từ ngày 3.1 đến ngày 18.2, khoảng thời gian khi biến thể Omicron đang chiếm ưu thế.

61295151_101.jpeg
Mũi vắc xin thứ 4 được cho là cần thiết ở nhóm người dễ bị tổn thương - Ảnh: Internet

Trong những phát hiện được công bố vào tháng trước trên Tạp chí Y học New England, mũi vắc xin thứ 4 được phát hiện là đã cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn đáng kể chống lại các ca bệnh nặng, nhập viện và tử vong trong ít nhất một tháng.

7 đến 30 ngày sau khi tiêm mũi vắc xin thứ 4, hiệu quả là 45% ngăn nhiễm bệnh, 55% ngăn bệnh có triệu chứng, 68% ngăn nhập viện, 62% ngăn bệnh nặng và 74% ngăn tử vong so với mũi vắc xin thứ 3. 

Một nghiên cứu trước đó đã xem xét tỷ lệ nhiễm COVID-19 đột phá và bệnh nặng ở những người từ 60 tuổi trở lên. Nghiên cứu liên quan đến hơn 1,2 triệu người ở Israel và cho thấy những người được tiêm 3 mũi vắc xin có nguy cơ bị bệnh nặng gấp 3,5 lần so với những người được tiêm 4 mũi. 

Nghiên cứu cũng cho thấy có 177 ca nhiễm COVID-19 trên 100.000 người đã tiêm 4 mũi vắc xin. Con số này ở người tiêm 3 mũi vắc xin là 361 trên 100.000 người.

Trong khi đó, một thử nghiệm nhỏ trên 166 người ở Anh đã phát hiện ra rằng một mũi vắc xin thứ 4 Pfizer đầy đủ hoặc một nửa mũi vắc xin Moderna được tiêm 7 tháng sau mũi vắc xin thứ 3 giúp tăng cường miễn dịch cho người cao tuổi.

Theo phát hiện được công bố trên tạp chí The Lancet tuần trước , lượng kháng thể đã tăng lên 1,6 lần ở những người được tiêm mũi vắc xin thứ 4 Pfizer và tăng hơn hai lần đối với những người được tiêm vắc xin Moderna so với mức đỉnh của kháng thể. Mức độ tế bào T cũng tăng lên sau mũi vắc xin thứ 4 của cả hai loại vắc xin, cho thấy khả năng miễn dịch lâu dài hơn. Anh bắt đầu triển khai mũi vắc xin thứ 4 cho những người trên 75 tuổi vào tháng 4. 

Liệu tiêm mũi vắc xin thứ 4 có an toàn?

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo trong thử nghiệm ở Anh nhưng được coi là không liên quan đến vắc xin. Tác dụng phụ được báo cáo nhiều nhất là đau tại chỗ tiêm, chủ yếu là ở mức nhẹ hoặc trung bình. Mệt mỏi, nhức đầu, khó chịu và đau cơ cũng thường được báo cáo.

Các nhà nghiên cứu viết: "Những dữ liệu này cho thấy mũi vắc xin  thứ 4 của vắc xin công nghệ mRNA được dung nạp tốt".

Hiệu quả kéo dài bao lâu?

Nghiên cứu ở Israel với hơn 1,2 triệu người cho thấy khả năng bảo vệ của mũi vắc xin thứ 4 chống lại bệnh nặng không suy giảm trong 6 tuần sau khi tiêm. Bên cạnh đó, nghiên cứu cho biết khả năng bảo vệ chống lại việc nhiễm bệnh suy yếu sau 4 tuần và kết luận rằng cần phải có thêm nhiều nghiên cứu tiếp theo. 

Liệu mũi vắc xin thứ tư có mang lại lợi ích cho tất cả mọi người không?

Mặc dù mũi vắc xin thứ 4 được coi là cần thiết đối với các nhóm người có nguy cơ, nhưng lợi ích của nó đối với toàn bộ cộng đồng ít có ý nghĩa hơn, theo dữ liệu có sẵn hạn chế.

Trong một nghiên cứu lâm sàng ở Israel, 272 nhân viên y tế đã được tiêm mũi vắc xin thứ 4 Pfizer hoặc Moderna. 

Nghiên cứu đã phát hiện ra một kháng thể tăng cường thứ hai tạo ra kháng thể vô hiệu hóa biến thể Omicron và các biến thể khác và sự khác biệt giữa hai loại vắc xin là không đáng kể. Nhưng không có sự khác biệt đáng kể ở mũi vắc xin thứ 4 về đáp ứng miễn dịch hoặc mức độ kháng thể trung hòa chống lại biến thể Omicron so với mũi vắc xin thứ 3. Điều đó cho thấy khả năng tối đa để kích hoạt đáp ứng miễn dịch đạt được sau 3 mũi vắc xin, theo các nhà nghiên cứu.

"Việc tiêm mũi vắc xin thứ 4 cho những nhân viên y tế trẻ khỏe mạnh có thể không mang lại nhiều lợi ích", các nhà nghiên cứu cho biết.

Hiệu quả của các loại vắc xin khác?

Hầu hết các nghiên cứu về mũi vắc thứ 4 đã được xem xét trên vắc xin mRNA. Nhưng ở Trung Quốc, nơi vắc xin bất hoạt hầu hết được sử dụng vẫn chưa phê duyệt mũi vắc xin thứ 4.

Một nghiên cứu không được bình duyệt của Đại học Sun Yat-sen ở Quảng Châu (Trung Quốc), được công bố vào tháng 2, cho thấy mức độ kháng thể trung hòa không tăng khi tiêm mũi vắc xin thứ 4 mà thậm chí còn giảm xuống. Nghiên cứu cho rằng đáp ứng miễn dịch không thể được tăng cường liên tục. 

anh-chup-man-hinh-2022-05-16-luc-11.39.22.png
Trung Quốc chủ yếu sử dụng vắc xin bất hoạt và mũi vắc xin thứ 4 vẫn chưa được phê duyệt - Ảnh: Xinhua

WHO nói gì?

Tuần trước, Soumya Swaminathan, nhà khoa học thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết quan điểm của WHO là các quốc gia có thể quyết định tiêm mũi vắc xin thứ 4 cho một số nhóm người nhưng không phải cho toàn bộ dân số. 

Swaminathan nói: “Vấn đề đặt ra là cần ưu tiên bao phủ vắc xin cho toàn bộ dân số thế giới sau đó cung cấp thêm mũi vắc xin tăng cường cho người cần bổ sung". 

Bà cho biết chỉ có khoảng 7 nghiên cứu về mũi vắc xin thứ 4 cho đến nay, và các dữ liệu cho thấy chúng có tác dụng tăng cường kháng thể nhưng không kéo dài.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những điều cần biết về mũi vắc xin thứ 4 phòng COVID-19