Theo số liệu báo cáo của 48 tỉnh, thành phố cho thấy có 3.088 dự án công trình chậm triển khai thực hiện với tổng diện tích 80.453,2ha; trong đó có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích là 60.332,1ha.

Hơn 3.000 dự án chậm triển khai, 309 dự án bị thu hồi

28/05/2019, 14:41

Theo số liệu báo cáo của 48 tỉnh, thành phố cho thấy có 3.088 dự án công trình chậm triển khai thực hiện với tổng diện tích 80.453,2ha; trong đó có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích là 60.332,1ha.

Hàng loạt dự án chậm triển khai chưa được xử lý - Ảnh CafeF

Hơn 3.000 dự án chậm triển khai

Theo báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, trong giai đoạn từ năm 2015-2018, toàn ngành tài nguyên và môi trường đã tiến hành hơn 2.300 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó đã phát hiện kiến nghị xử lý thu hồi diện tích 22.362 ha đất.

Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện thanh tra trách nhiệm trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả thanh tra cho thấy, cơ bản các nội dung quản lý nhà nước về đất đai được thực hiện đúng theo quy định.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phát hiện những tồn tại, hạn chế như việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở một số địa phương chưa được coi trọng; kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân.

Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai ở các địa phương còn chậm, nhiều trường hợp thực hiện thu hồi đất chưa đúng quy định dẫn đến khiếu kiện kéo dài; có 17,8% số tỉnh, thành phố được thanh tra giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Việc xác định giá đất cụ thể ở một số địa phương chưa phù hợp với giá thị trường nên việc bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư hay bị khiếu kiện, chậm so với tiến độ đề ra.

Theo số liệu báo cáo của 48 tỉnh, thành phố cho thấy có 3.088 dự án công trình chậm triển khai thực hiện với tổng diện tích 80.453,2ha; trong đó có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích là 60.332,1ha.

Ngoài ra còn có 732 dự án với diện tích là 7.488 ha đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư nhưng chậm làm thủ tục giao đất, thuê đất để triển khai thực hiện dự án và 289 dự án với diện tích 12.632,9ha đã có quyết định, thông báo thu hồi đất để giao đất đã lâu nhưng không thực hiện.

Kết quả xử lý vi phạm tại 38 tỉnh trong số 48 tỉnh có báo cáo, cho thấy đã thực hiện xử lý 1.336 dự án chậm triển khai với tổng diện tích 22.707,9ha; trong đó, thu hồi đất của 309 dự án với diện tích 9.033,5ha, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư do chậm làm thủ tục giao đất 732 dự án với diện tích 7.488ha…

Xử lý hàng vạn cá nhân sai phạm đất đai

Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiến hành 93 đoàn thanh tra; kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền là 944,4 tỉ đồng. Thanh tra các Sở Xây dựng trên cả nước đã tiến hành triển khai 1.200 đoàn thanh tra và kiểm tra; kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 1.600 tỉ đồng.

Ngành thanh tra cũng đã tiến hành 4.289 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, qua thanh tra đã phát hiện sai phạm về đất đai hơn 1.373 tỉ đồng, 40.185ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 368 tỉ đồng, 9.022ha đất và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 1.004 tỉ đồng, 31.163ha đất.

Cùng với đó là kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm, xử lý hành chính 2.931 tổ chức, 14.120 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 71 vụ, 91 đối tượng.

Qua công tác thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã xác định được một số tồn tại, hạn chế như chất lượng quy hoạch còn thấp, tính dự báo chưa cao, nhiều chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt và thực tế thực hiện có sự khác biệt lớn. Còn bị động trong việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất.

Ủy ban nhân dân tỉnh chưa sâu sát, còn bị động, thiếu nhất quán trong chỉ đạo điều hành; còn tình trạng không khách quan, không chính xác trong việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất của một số doanh nghiệp được giao đất ở không thông qua đấu giá đất; xác định giá thu tiền sử dụng đất khi chuyển đổi quỹ đất công, các cơ sở nhà đất sang mục đích khác chưa phù hợp thị trường.

Có nơi có tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và các cơ sở nhà đất nhưng chưa phù hợp các quy định của Luật đất đai và Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31.8.2005 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế đấu giá quyền sử dụng đất 20 làm thất thu ngân sách nhà nước.

Việc bàn giao đất trên thực địa cho chủ đầu tư thực hiện dự án tại một số địa phương khi chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; bàn giao đất trước khi tính, thu nghĩa vụ tài chính, ký hợp đồng thuê đất; không có biên bản bàn giao đất ngoài thực địa thuộc trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp.

Một số địa phương điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng nhiều lần nhưng việc lấy ý kiến còn hạn chế và không có báo cáo đầy đủ. Nhà đầu tư tự ý sử dụng đất đối với các khu đất đã thực hiện xong việc nhận chuyển nhượng, bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; nhiều dự án thực hiện huy động vốn từ người dân khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật…

70% đơn khiếu nại liên quan đến đất đai

Về công tác giải quyết khiếu nại, từ năm 2014 đến 2018, cả nước phát sinh trong 342.710 đơn khiếu nại với 156.071 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước (khiếu nại về đất đai chiếm trên 60% số này). Trong đó đã giải quyết 128.646 vụ việc (đạt 82,43%).

Qua giải quyết khiếu nại, các cơ quan hành chính nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước, trả lại cho tập thể, công dân 1.398 tỉ đồng, 772 ha đất; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 1.538 người (đã xử lý 1.180 người), chuyển cơ quan điều tra 40 vụ, 36 đối tượng

Số đơn khiếu nại có nội dung chủ yếu khiếu nại về giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; khiếu nại đòi lại đất cũ đã qua các thời kỳ thực hiện chính sách cải tạo nông nghiệp, cho thuê, cho mượn… Gần đây phát sinh một số khiếu nại liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi tài sản công, cải tạo chung cư cũ, quy hoạch đất ở nhưng không thành đơn vị ở.

Lam Thanh

Bài liên quan
Khởi tố, bắt tạm giam Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà
Thông tin trên được Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, sáng 22.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 3.000 dự án chậm triển khai, 309 dự án bị thu hồi