Tính đến hết năm 2015, có tất cả 652 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với tổng tài sản đạt trên 3 triệu tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đạt trên 1,3 triệu tỉ đồng, doanh thu 1,5 triệu tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 161.431 tỉ đồng.

Hơn 650 doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ 3 triệu tỉ đồng

Duyên Duyên | 24/10/2016, 13:30

Tính đến hết năm 2015, có tất cả 652 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với tổng tài sản đạt trên 3 triệu tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đạt trên 1,3 triệu tỉ đồng, doanh thu 1,5 triệu tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 161.431 tỉ đồng.

Đây là những số liệu nằm trong báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2015 của Chính phủ gửi đến Quốc hội.

Trên 3 triệu tỉ đồng nằm ở các doanh nghiệp nhà nước

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Chính phủ cho biết,kết thúc năm tài chính 2015, có 652 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Trong đó có 7 tập đoàn kinh tế, 76 tổng công ty nhà nước, 20 Công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con, 212 Công ty TNHH MTV độc lập hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích và 337 Công ty TNHH MTV độc lập hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại.

Tổng tài sản của 652 doanh nghiệp là trên 3 triệu tỉ đồng, tăng 1% so với năm 2014. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 35% tổng tài sản.

Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp là 1,376 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2014. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 1,2 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2014, chiếm 91% tổng vốn chủ sở hữu.

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt 1,588 triệu tỉ đồng, tương đương năm 2014. Trong đó, doanh thu của 7 tập đoàn giảm 3%; 76 tổng công ty tăng 6%; 20 công ty mẹ - con đạt tăng 13% và các doanh nghiệp độc lập tăng 1% so với năm 2014.

Mặc dù vốn chủ sở hữu tăng, tổng doanh thu tương đương năm trước đó, nhưng lợi nhuận trước thuế của 652 doanh nghiệp lại giảm 11% so với năm 2014, chỉ đạt 161.431 tỉ đồng.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của 7 tập đoàn giảm 20%, chiếm 63% tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp toàn quốc.

Lợi nhuận trước thuế của 20 công ty mẹ - con cũng giảm 17%, đạt 3.560 tỉ đồng. Chỉ có lợi nhuận trước thuế của 76 tổng công ty và các doanh nghiệp độc lập là tăng tương ứng 14% và 2% so với năm 2014.

Báo cáo cũng cho thấy, chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu, tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản phản ánh khả năng sinh lời của doanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 của khối tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 12% (năm 2014 là 15%).

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản bình quân năm 2015 của khối tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 5,3% (năm 2014 là 6,3%).

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 của khối doanh nghiệp độc lập thuộc Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là 9% (năm 2014 là 10%).

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản bình quân năm 2015 của doanh nghiệp độc lập thuộc Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là 5% (năm 2014 là 5,4%).

7 tập đoàn lớn nộp ngân sách phát sinh giảm 12%

Mặt khác, báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) của 652 doanh nghiệp là 246.038 tỉ đồng, giảm 5% so với năm 2014.

Trong đó, 7 tập đoàn có tổng số phát sinh phải nộp NSNN đạt 160.401 tỉ đồng, giảm 12% so với năm 2014, chiếm 65% tổng số phát sinh phải nộp NSNN của các doanh nghiệp toàn quốc.

Còn khối các tổng công ty, công ty mẹ - con và khối các doanh nghiệp độc lập đều có tổng số phát sinh phải nộp NSNN tăng tương ứng 17%, 24% và 6%.

Dựa trên kết quả tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015 của các doanh nghiệp nhà nước, báo cáo của Chính phủ nhận định, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vẫn tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô thông qua hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và công tác chi nhằm thực hiện các chính sách an sinh xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước cũng đóng góp nguồn thu cho NSNN mặc dù chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và tổng các khoản phát sinh phải nộp NSNN có sự sụt giảm nhẹ so với năm 2014.

Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 650 doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ 3 triệu tỉ đồng