Lượng tro, xỉ, phát sinh từ các Nhà máy nhiệt điện than vào khoảng 12,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trong năm 2017, lượng tro, xỉ tiêu thụ chỉ đạt gần 4 triệu tấn, chiếm khoảng 30% lượng phát sinh.

Hơn 8 triệu tấn chất thải từ nhiệt điện than không có nơi tiêu thụ

tuyetnhung | 22/04/2018, 16:17

Lượng tro, xỉ, phát sinh từ các Nhà máy nhiệt điện than vào khoảng 12,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trong năm 2017, lượng tro, xỉ tiêu thụ chỉ đạt gần 4 triệu tấn, chiếm khoảng 30% lượng phát sinh.

Thông tin trên được Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội thảo "Quản lý, vận chuyển, xử lý, tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện một cách bền vững và thân thiện với môi trường" diễn ra mới đây.

Đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, lượng tro, xỉ, phát sinh từ các Nhà máy nhiệt điện than rơi vào khoảng 12,2 triệu tấn/năm, trong đó lượng phát thải tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc (chiếm 60% tổng lượng thải), miền Trung chiếm 21% và miền Nam chiếm 19% tổng lượng thải. Trong năm 2017, lượng tro, xỉ tiêu thụ đạt gần 4 triệu tấn, chiếm khoảng 30% lượng phát sinh, trong đó miền Bắc tiêu thụ khoảng 3,25 triệu tấn.

Hiện nay, tình hình tiêu thụ tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện đang được vận hành theo cơ chế thị trường, sản lượng tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc nhu cầu của thị trường, theo đó việc tiêu thụ vẫn còn rất khó khăn. Nguyên nhân là do thị trường vẫn quen sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống, đặc biệt đối với khu vực miền Trung, miền Nam. Đây là nguyên nhân dẫn tới việc tiêu thụ tro, xỉ tại khu vực này gặp nhiều khó khăn, trong khi khu vực phía Bắc việc tiêu thụ tro, xỉ thuận lợi hơn.

Giá thành gạch không nung cao, đặc biệt do chi phí vận chuyển nguyên liệu, vận chuyển sản phẩm tới nơi tiêu thụ lớn, đây là khó khăn lớn trong việc tiêu thụ tro, xỉ của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải; Thiếu các chính sách về thuế (thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung, thuế tài nguyên và môi trường đối với các sản phẩm gạch nung truyền thống) nhằm tạo chênh lệch giá giữa sản phẩm gạch nung với gạch không nung.

Theo Cục Kỹ thuật an toàn - Môi trường công nghiệp, việc phát triển nhiệt điện than luôn kèm với những thách thức về bảo vệ môi trường mà chủ yếu do khí thải và tro, xỉ. Với 21 nhà máy đang vận hành hiện nay, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, thải ra hằng năm hơn 16 triệu tấn tro xỉ, thạch cao và tổng diện tích các bãi thải xỉ khoảng hơn 700 ha. Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 nhà máy đi vào hoạt động, tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than thì tổng lượng tro bay, xỉ đáy lò phát sinh ước khoảng 22,6 triệu tấn/năm.

Trong số 21 nhà máy trên, có 7 nhà máy dùng công nghệ đốt lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB), công nghệ này dùng đá vôi đốt kèm than khiến tro, xỉ lẫn vôi nên việc tái sử dụng còn gặp khó khăn. Một số nhà máy lại sử dụng phương pháp vận chuyển tro xỉ từ lò đốt ra bãi thải bằng nước biển nên tro bị nhiễm mặn, cũng khó dùng làm vật liệu xây dựng. Tất cả tro, xỉ của 21 nhà máy đang vận hành đều được phân tích và xác định là chất thải rắn thông thường. Tuy nhiên, theo QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại thì tro bay của các nhà máy nhiệt điện than thuộc đối tượng "có khả năng" là chất thải nguy hại.

Đại diện Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho biết, với nhà máy, hiện nay, các hộ lớn tiêu thụ tro xỉ tập trung ở khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận, việc vận chuyển tro xỉ khối lượng lớn bằng xe đi xa làm tăng chi phí sản xuất nên không khả thi. Ngoài ra, phương án vận chuyển tối ưu hiện nay là bằng đường biển, tuy nhiên đòi hỏi phải có tàu phù hợp để vận chuyển tro bay và phải trung chuyển bằng xe bồn từ nhà máy VT2 sang cảng tổng hợp Vĩnh Tân.

Theo đó, đơn vị này kiến nghị cần sớm có chính sách hỗ trợ ưu tiên sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng làm từ tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện; Phổ biến các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm xây dựng, san lắp mặt bằng có sử dụng tro xỉ làm nguyên liệu; Cơ quan chức năng sớm ban hành tiêu chuẩn tro xỉ làm vật liệu san lắp...

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Doanh nghiệp bán dẫn chần chừ đầu tư vào Việt Nam vì lo ngại thiếu điện
Các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn cho rằng hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ đưa ra quyết định đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 8 triệu tấn chất thải từ nhiệt điện than không có nơi tiêu thụ