Ngày 25.4, tại Trường đại học Nam Cần Thơ (DNC) diễn ra Hội thảo khoa học hợp tác đào tạo và nghiên cứu về công nghệ bán dẫn điện - điện tử".
TS Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng DNC cho biết hội thảo khoa học “Hợp tác đào tạo & nghiên cứu về công nghệ bán dẫn, điện-điện tử trong kỷ nguyên thông minh” được tổ chức nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực về đào tạo, về cơ sở vật chất, thực hành liên kết, hợp tác đào tạo và nghiên cứu giữa các trường đại học và các doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và điện - điện tử của đất nước”.
Thời gian qua, DNC đã thành lập Khoa Công nghệ thông tin, Trung tâm phát triển và ứng dụng phần mềm để thực hiện nhiệm vụ đào tạo các chuyên ngành. Theo kế hoạch, năm 2024-2025, trường tiến hành xây dựng chương trình và hợp tác với các đối tác để đến năm 2025 sẽ chính thức mở ngành đào tạo công nghệ bán dẫn điện - điện tử.
Tham gia hội thảo có 8 báo cáo viên là những nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu thuộc các viện, trường đại học; các cơ sở giáo dục, công ty, doanh nghiệp về lĩnh vực công nghệ hiện đại. Các báo cáo tham luận tập trung vào những vấn đề như: Hợp tác trong nhóm ngành đào tạo công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và bán dẫn; xây dựng các phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo kỹ sư điện - điện tử và công nghệ kỹ thuật bán dẫn; hợp tác giữa Synopsys và DNC trong đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn; hệ thống phòng thí nghiệm từ xa phục vụ đào tạo kỹ thuật thiết kế vi mạch...
Tiến sĩ, giảng viên cao cấp Lương Vinh Quốc Doanh, Trưởng khoa Điện tử viễn thông (Trường đại học Bách khoa, Đại học Cần Thơ) cho rằng: "Hiện nay ngành công nghệ bán dẫn đang có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng có rất nhiều thách thức. Nhu cầu từ nay đến năm 2030 cần khoảng 30.000 - 50.000 kỹ sư và những người tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ bán dẫn điện, điện tử là một thách thức lớn. Nhân lực đầu ngành để đào tạo, nhân lực sinh viên đầu vào, tài chính phục vụ đào tạo, thiết bị phục vụ đào tạo… là những vấn đề lớn phải giải quyết".
TS Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Công ty Marvell Việt Nam cho rằng hiện nay "Việt Nam có cơ hội ngàn năm có một" về ngành công nghệ bán dẫn. Làm sao nắm bắt, vận dụng và phát huy những lợi thế có được đó là điều quan trọng. Marvell Việt Nam có khoảng 300 kỹ sư làm việc tại Việt Nam, đang có nhiều cố gắng hợp tác với các viện trường trong nước để đào tạo, phát triển nhân lực ngành bán dẫn.
Làm sao để thu hút các em sinh viên trong đào tạo? Làm sao để phát huy khả năng sáng tạo, cơ hội làm việc tốt nhất đối với những người sau đào tạo ngành bán dẫn, điện, điện tử? Học bổng cho sinh viên nữ, đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ để thu hút nữ tham gia học ngành này. Cần có những chính sách đồng bộ để khuyến khích việc đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn điện, điện tử... là những đề nghị thiết thực.