Khi được đưa đến bệnh viện, bé trai trong tình trạng nguy kịch, có thể tử vong. Các bác sĩ đã nhanh chóng lọc máu liên tục để cứu sống bệnh nhi.
Sáng nay 10.9, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết sức khỏe bé V.H.H (5 tuổi, người Pako, trú ở xã Hồng Bắc, H.A lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã ổn định và bé được xuất viện.
Theo hồ sơ, ngày 10.8 cháu H. cùng hai cháu khác trèo cây nhãn để hái quả, phát hiện tổ ong 3 cháu đã chọc phá và bị ong đốt. Ngay sau đó 3 cháu được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện A Lưới và chuyển tới Bệnh viện Đại học Y dược Huế do rối loạn chức năng đông máu và suy thận. Trước tình thế nguy cấp, các bác sĩ bệnh viện này đã chuyển ngay 3 cháu sang Khoa Hồi sức tích cực và cấp cứu nhi, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế.
Ngày 11.8, sau khi kiểm tra, các bác sĩ kết luận tình trạng bệnh nhân H. có hơn 50 vết ong đốt, nhiễm khuẩn huyết, ong đốt biến chứng tổn thương đa cơ quan (gan, thận, tan máu, tiêu cơ vân, tiểu myoglobin), rối loạn chức năng đông máu, suy thận cấp, đã được sử dụng kháng sinh, kháng viêm, chống dị ứng và đặc biệt lập tức được tiến hành lọc máu liên tục.
Ngày 13.8, cháu H. đang thở oxy xuất hiện biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển đe dọa nguy kịch tính mạng, phải hồi sức tích cực, thở máy, tiếp tục lọc máu. Ngày 18.8, sau 6 ngày thở máy, cháu được cai thở máy. Ngày 20.8, sau 10 ngày lọc máu và sử dụng hết 5 quả lọc, bênh nhi được ngưng lọc máu liên tục.
Sau tròn 1 tháng điều trị, chăm sóc tích cực, sức khỏe cháu dần ổn định, cháu linh hoạt, ăn uống tốt và được ra viện.
Theo bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, đây là trường hợp bệnh nặng và khó, đe dọa tử vong cao. Với sự quyết tâm và nỗ lực cao nhất, các bác sĩ của Trung tâm Nhi đã nhanh chóng quyết định thực hiện các kỹ thuật hiện đại trong hồi sức, đặc biệt là lọc máu liên tục, để cứu sống bệnh nhi.
Trước đó, một cháu bé có vết thương nhẹ hơn nên tình trạng sức khỏe ổn định đã được xuất viện sớm. Không được may mắn như 2 cháu bé nói trên, có một cháu trong nhóm 3 cháu bị ong đốt đã ngừng tuần hoàn hô hấp lúc vào viện, mặc dù được các bác sĩ hồi sức nỗ lực cứu chữa nhưng do bị quá nặng nên không qua khỏi.
Khi bị ong (đặc biệt ong vò vẽ) đốt, người nhà nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu ban đầu, đánh giá nguy cơ sốc phản vệ để cấp cứu kịp thời. Trường hợp không có sốc phản vệ, vết đốt ít, sau khi được sơ cứu, có thể được theo dõi tiếp tại nhà. Khi có trên 10 vết đốt, trẻ phải được theo dõi sát tại cơ sở y tế có đủ phương tiện và nhân lực cấp cứu hồi sức chống độc. Trẻ cần được nhanh chóng chuyển tuyến trên ngay khi có một trong những triệu chứng tiểu ít, tiểu đỏ hoặc đen, sau khi sốc phản vệ đã được cấp cứu để được tiếp tục theo dõi và điều trị các biến chứng nặng như suy thận, suy hô hấp, suy gan, rối loạn đông máu… và được can thiệp ngay bằng các kỹ thuật cao như lọc máu liên tục nhằm nâng cao khả năng cứu sống bệnh nhân.