Kỳ đài Huế được thắp sáng mỹ thuật tạo thêm điểm nhấn cho du lịch Huế, cùng với việc mở cửa không gian trưng bày giới thiệu về thân thế và sự nghiệp Minh Mạng hoàng đế ở Hiếu lăng góp phần làm đa dạng các hoạt động vui xuân, đón tết cổ truyền ở Huế.

Huế: Thắp sáng Kỳ đài, mở cửa Hiếu lăng

Nhật Lam | 13/02/2018, 11:01

Kỳ đài Huế được thắp sáng mỹ thuật tạo thêm điểm nhấn cho du lịch Huế, cùng với việc mở cửa không gian trưng bày giới thiệu về thân thế và sự nghiệp Minh Mạng hoàng đế ở Hiếu lăng góp phần làm đa dạng các hoạt động vui xuân, đón tết cổ truyền ở Huế.

Tối 13.2, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Công ty du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải (Vietravel) tổ chức lễ khánh thành công trình chiếu sáng mỹ thuật Kỳ Đài Huế. Cùng với đó, 4 khẩu súng thần công được bố trí trên Kỳ đài cũng được khai hỏa tượng trưng (phun lửa bằng dầu diesel và phát âm thanh tựa tiếng súng) để đón tết cổ truyền.

Đại diện Vietravel cho hay dự án thắp sáng Kỳ đài Huế (được thi công bởi Công ty Philips) là sự kiện quan trọng thuộc chuỗi dự án “Huế - Sáng và Sống” do công ty này đầu tư và phối hợp thực hiện cùng UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế, vốn đã khởi động từ tháng 9.2017.

Khai hỏa súng thần công cổ bằng dầu diesel trên Kỳ đài Huế

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh, sự kiện “Thắp sáng Kỳ đài” không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa thắp sáng một địa danh du lịch, mà chính là tôn vinh giá trị văn hóa ngàn đời trên đất cố đô. 1.000 chiếc đèn led bố trí bao bọc xung quanh và xuyên suốt Kỳ đài Huế theo công nghệ hiện đại để thắp sáng và tạo điểm nhấn độc đáo cho Huế về đêm. Sự kiện này cũng tạo nên một quảng trường văn hóa mỗi đêm theo trục Kỳ đài - quảng trường Ngọ Môn phục vụ du khách tham quan, ngắm cảnh.

Người dân Huế háo hức đến ngắm Kỳ dài trong diện mạo mới về đêm

Kỳ đài Huế còn gọi là cột cờ, di tích kiến trúc có từ thời nhà Nguyễn (năm 1807), Kỳ đài nằm ở giữa mặt Nam của Kinh thành, bao gồm hai phần là đài cờ ba tầng cao khoảng 17,5 m và cột cờ cao 37 m. Cùng với những bước thăng trầm của Huế, Kỳ đài còn là một biểu tượng của cố đô, nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.

Thời Nguyễn, trong tất cả các dịp lễ tiết, chầu mừng, tuần du hay cấp báo, Kỳ đài đều có hiệu cờ thông báo. Ngày nay, bên cạnh Ngọ Môn - Lầu Ngũ Phụng và các công trình tiêu biểu khác, Kỳ đài đã trở thành biểu tượng tiêu biểu của di sản Huế gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng với Kinh thành, đây chính là di tích thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan.

Cùng với dự án thắp sáng Kỳ đài đưa vào phục vụ du khách và người dân xứ Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cũng đã khai mạc không gian trưng bày giới thiệu về hoàng đế Minh Mạng tại Hiếu Lăng (lăng vua Minh Mạng ở xã Hương Thọ, TX.Hương Trà). Việc khai mở không gian trưng bày này cũng là để tưởng nhớ, tôn vinh và khẳng định những đóng góp to lớn của vị vua anh minh đối với lịch sử dân tộc nhân kỷ niệm 177 năm ngày mất của Hoàng đế Minh Mạng (ngày 27 tháng chạp năm Đinh Dậu).

Ấn tín thời vua Minh Mạng trưng bày tại Hiếu lăng

Ống Bút và nghiên mực của vua Minh Mạng trong không gian trưng bày nhân dịp Tết Mậu Tuất ở Hiếu lăng

Mộc bản triều vua Minh Mạng

Hoàng đế Minh Mạng (1791 - 1841) húy Nguyễn Phúc Đảm, là con thứ 4 của Thế Tổ Cao Hoàng đế Gia Long và Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang. Là người thông minh, quyết đoán, tinh thông Nho học, hoàng đế Minh Mạng đã đưa nước ta trở thành một quốc gia hùng mạnh với lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử dân tộc.

Trong 20 năm tại vị, hoàng đế Minh Mạng đã thực thi nhiều chính sách quan trọng trên nhiều lĩnh vực: cải cách hành chính từ trung ương đến địa phương, tổ chức lại quân đội, thống nhất đơn vị đo lường và y phục; đồng thời chú trọng việc khai hoang, lập ấp, thủy lợi nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp; duy trì và phát triển nền giáo dục khoa cử kết hợp với huấn luyện võ nghệ để tuyển chọn nhân tài, giữ vững chủ quyền đất nước ở đất liền và trên biển đảo. Hoàng đế Minh Mạng đã để lại một di sản vật chất và tinh thần to lớn mà nhiều bộ phận trong đó đã trở thành di sản của dân tộc và của nhân loại như: các công trình kiến trúc, âm nhạc cung đình, các loại tài liệu mộc bản, châu bản, thơ văn chạm khắc trên kiến trúc cung đình Huế...

Du khách tham quan lăng vua Minh Mạng trong những ngày cận Tết Mậu Tuất

Không gian trưng bày tại Hiếu Lăng sẽ giới thiệu sa bàn tổng thể khu vực lăng của hoàng đế Minh Mạng tại nhà Tả Tùng Tự cùng nhiều ảnh tư liệu quý hiếm. Bên cạnh đó, trọng tâm của nội dung trưng bày tại điện Sùng Ân được thể hiện qua các vật dụng một thời gắn bó với hoàng đế Minh Mạng, các đồ dùng, dụng cụ minh họa cho những chính sách được ban hành và thực thi thời kỳ này.

Clipkhai hỏa thần công cổ và chiếu sáng mỹ thuật Kỳ đài Huế:

Nhật Lam thực hiện
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huế: Thắp sáng Kỳ đài, mở cửa Hiếu lăng