Theo ông Trịnh Anh Đức, đầu tư cho những startup luôn là cuộc chơi mạo hiểm bởi vốn dĩ đây là ngành đầu tư mạo hiểm. Từ nhà đầu tư Thiên thần, các vườn ươm “rót vốn” ở giai đoạn đầu cho tới các Quỹ đầu tư mạo hiểm lớn vào cuộc ở những giai đoạn sau đều rất mạo hiểm.
Dưới góc nhìn của các nhà đầu tư Thiên thần, giai đoạn đầuchính là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình phát triển của startup và đa phần 90% số startup đều thất bại ở giai đoạn này. Bởi vậy, những nhà đầu tư Thiên thần đóng vai trò khá quan trọng trong giai đoạn này khihọ chính là những người cố vấn giúp startuptìm ra những khách hàng đầu tiên của mình.
Bên lề Vòng 2 cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai 2018 do CLB Nhà Doanh nghiệp Tương lai (Trường đại học Ngoại Thương Hà Nội) tổ chức, PV Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trò chuyện cùng ông Trịnh Anh Đức – GĐ điều hành CLB Nhà đầu tư Thiên thần Việt Nam VIC Partners (thành viên Ban giám khảo cuộc thi).
Hướng tới cách thức tiếp cận thị trường
- Là một nhà đầu tư và cũng từng dẫn dắt nhiều đội thi trong các cuộc thi khởi nghiệp, theo ông, khó khăn lớn nhất của các bạn sinh viên khi khởi nghiệp là gì?
- Ông Trịnh Anh Đức: Hầu hết các bạn sinh viên khi khởi nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn nhất về kinh nghiệm khi bản thân các bạn chưa đủ vốn sống, kỹ năng sống… để đối phó với các tình huống cũng như chưa có cách nhìn nhận vấn đề một cách tròn trịa. Vì vậy, những góc nhìn của các bạn sinh viên thường khá trực tiếp và có phần hơi bề mặt, chưa đủ độ sâu.
Tuy nhiên, đối với các sản phẩm của Kawai năm nay đã có những đội tiếp cận thị trường, tự lăn lộn, tự trải nghiệm để đạt được mục tiêu của startup. Và để trau dồi kinh nghiệm thực tế, các startup nên đi ra ngoài nhiều hơn, nghiên cứu sâu hơn, tìm những cố vấn thực tế trong ý tưởng, ngành nghề mà mình đang khởi nghiệp.
Dự án FinBox mang tới Khởi nghiệp cùng Kawai 2018phần mềm đầu tư chứng khoán - Ảnh: BTC
- Các startup trong giai đoạn đầu thường khá loay hoay đi tìm những vấn đề mình còn thiếu, đặc biệt là nguồn tài chính, ông nghĩ sao về điều này?
- Vốn và tài chính chưa phải là vấn đề khó khăn nhất đối với các starup, đặc biệt là các startup sinh viên. Bởi với một ý tưởng hay và một đội ngũ nhân sự giỏi, bao giờ cũng tìm được những nhà đầu tư Thiên thần có thể “rót vốn” cho các bạn trong giai đoạn đầu tiên.
Ngoài ra, để có thêm các khoản kinh phí khởi nghiệp, các startup cũng có thể tham gia vào các vườn ươm hoặc các cuộc thi về khởi nghiệp. Từ những cuộc thi và vườn ươm đó cũng giúp các bạn có được một khoản tài chính nho nhỏ, đủ để các startup tiếp tục khởi nghiệp. Ngoài ra, các startup nên tìm kiếm vốn tri thức nhiều hơn vốn tài chính ở các nhà đầu tư Thiên thần, bởi lẽ nhà đầu tư Thiên thần thường đầu tư vào ngành mà họ hiểu rõ.
Tuy nhiên, khi các startup đã có cho mình mô hình kinh doanh cụ thể, kỹ càng, đội ngũ nhân sự đủ mạnh… thì lúc đó, tài chính mới là vấn đề quan trọng. Khi mới khởi nghiệp, vấn đề mà các startup cần hướng tới là cách thức tiếp cận thị trường.
Con người, sản phẩm, thị trường
- Là một nhà đầu tư Thiên thần, ông sẽ nhìn vào vấn đề gì để “rót vốn” cho các startup?
- Mỗi nhà đầu tư sẽ có một cách nhìn nhận khác nhau. Ở mức độ cao nhất, các nhà đầu tư Thiên thần sẽ nhìn vào 3 yếu tố. Thứ nhất, đó là yếu tố con người (đội ngũ nhân sự, người sáng lập) phải thể hiện được các tố chất: từ giải quyết vấn đề, tận dụng nguồn lực xung quanh cho tới yếu tố thông minh trong từng người.
Thứ hai, các nhà đầu tư còn chú trọng vào sản phẩm mà các startup đưa ra. Thông thường, nhà đầu tư sẽ khai thác, phân tích sản phẩm trên các tiêu chí: giải quyết đúng các vấn đề, đủ tính sáng tạo, mô hình kinh doanh sản phẩm hợp lý, khả năng kiếm tiền từ sản phẩm, lợi thế cạnh tranh trên thị trường…
Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất mà các nhà đầu tư quyết định chi tiền chính là yếu tố thị trường, kích thước của thị trường có đủ rộng, cấu trúc thị trường đã đến giai đoạn để các startup đem sự sáng tạo của mình vào hay chưa… Khi thị trường đang có quá nhiều đối thủ cạnh tranh, thị trường đang quá lớn khiến các startup chưa đủ lợi thế nhảy vào cạnh tranh… cũng là những vấn đề khiến các nhà đầu tư phân tích kỹ lưỡng khi đầu tư.
Một dự án giáo dục góp mặt trong Top 10 Kawai 2018 - Ảnh: BTC
- Khi đầu tư cho những startup mới, đó có phải là cuộc chơi mạo hiểm không, thưa ông?
- Nó luôn luôn là cuộc chơi mạo hiểm bởi đây vốn dĩ là ngành đầu tư mạo hiểm. Từ nhà đầu tư Thiên thần, các vườn ươm “rót vốn” ở giai đoạn đầu cho tới các Quỹ đầu tư mạo hiểm lớn vào cuộc ở những giai đoạn sau đều rất mạo hiểm.
Tuy nhiên, khi một nhà đầu tư đã đảm bảo được các tiêu chí của riêng mình thì sẽ giảm thiểu được những rủi ro không đáng có. Ở mức độ cao nhất, các nhà đầu tư có 3 tiêu chí để đánh giá một startup, bao gồm: con người, sản phẩm và thị trường. Nhưng ở dưới những đầu mục này, các nhà đầu tư cũng có hàng chục hay hàng trăm những tiêu chí khác, tuy nhỏ nhưng rất chi tiết.
Để các nhà đầu tư nhìn nhận, đánh giá hay quyết định chi tiền cho startup thì mỗi nhà đầu tư cũng phải rà soát tất cả các tiêu chí của mình đối với từng sản phẩm, từng đội ngũ khởi nghiệp.
- Xin cảm ơn ông.
Thu Anh (thực hiện)