Từ 15.000 - 20.000 đồng/kg nay chỉ còn 2.500 - 3.500 đồng một ký cam sành, nhiều nông dân và người đầu tư trồng cam sành đang lỗ nặng. Đâu là hướng đi cho cây cam sành Vĩnh Long trong tương lai?
Thị trường và chính sách

Hướng đi cho cam sành Vĩnh Long

Văn Kim Khanh 11/06/2024 09:55

Từ 15.000 - 20.000 đồng/kg nay chỉ còn 2.500 - 3.500 đồng một ký cam sành, nhiều nông dân và người đầu tư trồng cam sành đang lỗ nặng. Đâu là hướng đi cho cây cam sành Vĩnh Long trong tương lai?

Người trồng cam chết đứng

cam-sanh-2.jpg
Cam sành Vĩnh Long - Ảnh: Internet

Anh Trương Hoàng Vinh có thời làm giàu nhờ trồng cam sành thành công ở xã Tường Lộc (H.Tam Bình). Cách nay 5 năm, anh làm ăn lên như diều gặp gió vì có 20 công (1 công bằng 1.000m2) cam sành cho trái. Giá cam sành lúc đó trung bình 15.000 đồng/kg. Ngoài chuyện trúng liên tiếp mấy mùa cam, anh Vinh còn làm cây giống cam sành bán cho thị trường.

Từ thành công đó, cách nay 4 năm anh sang xã Loan Mỹ (H.Tam Bình) thuê 30 công đất ruộng lên liếp trồng cam sành. Hiện nay cam đang cho trái sum suê nhưng ruột anh rối như tơ vò, vì phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công... thứ gì cũng đắt nhưng giá cam sành lại rẻ, chỉ còn 2.500 - 3.500 đồng/kg. “Mỗi lần hái 5 - 10 tấn cam, trước đây bán 1 tấn được từ 13 - 15 triệu đồng, giờ bán 1 tấn cam chỉ được 2,5 - 3,5 triệu đồng. Vậy mới đau”, anh Vinh than thở.

cam-sanh-vl-2-bld.jpg
Cam sành Tam Bình - Ảnh: BLĐ

Cũng theo anh Vinh, chỉ tính riêng 30 công cam đầu tư, từ lên liếp, xuống giống, trả tiền nhân công chăm sóc, phân bón, thuốc trừ sâu và tiền thuê đất 1.000m2 giá 8 triệu đồng/năm, sơ tính với 30 công cam đầu tư trong 4 năm nay, anh bị lỗ lớn gần 3 tỉ đồng.

Cũng theo anh Vinh: “Sắp tới, khi tới ngày đóng tiền thuê đất, nếu quá khó khăn tôi có thể giao vườn cam cho chủ đất luôn chứ càng thuê càng khổ, càng lỗ, chịu không nổi”.

cam-sanh-1.jpg
Nhiều vườn cam sành giống hiện nay "dẹp tiệm" do không ai mua trồng - Ảnh: B.C

Tại Trà Ôn, tình hình cũng bi đát đối với người trồng cam. Anh Nguyễn Văn Tính ở xã Trà Côn (H.Trà Ôn) trồng 6 công cam sành đã quá lứa thu hoạch nhưng vẫn chưa bán được dù đã liên hệ với thương lái nhiều lần. Anh Tính cho biết: “Thương lái kỳ kèo, cam đẹp thì mua giá 3.000 đồng/kg, nhưng cam của tôi không đẹp nên họ chỉ trả 2.500 đồng/kg”.

Tại Trà Ôn vào tháng 6 này, nhiều vườn cam tới lứa thu hoạch đều khó bán do thương lái không “ăn hàng”. Nhiều nơi ở Tam Bình, Trà Ôn, thương lái không còn mua cam theo ký mà mua mão theo vườn với giá rất rẻ.

Tại H.Vũng Liêm, tình hình thu mua cam sành cũng không có gì phấn khởi. Anh Phan Chí Thành ở xã Hiếu Nghĩa cho biết: “Tôi có 10 công cam sành cho trái. Đợt này vườn cam sành của tôi ước thu hoạch chừng 40 tấn. Mới đây, thương lái vào tận vườn thu mua với giá chỉ được 3.000 đồng/kg. Với giá này thì cầm chắc lỗ từ 30 - 40 triệu đồng/công. Nhưng cây đã đến thời gian thu hoạch nên buộc phải bán vì nếu không bán, neo trái chờ giữ giá thì cũng chỉ được thêm ít ngày, có khi neo lâu quá cây sẽ bị còi cọc, giảm sản lượng cho vụ tiếp theo, thậm chí dẫn đến chết cây”.

cam-sanh-vl-5-tq.jpg
Giá cam sành hiện nay vẫn ở mức thấp, người trồng lỗ nặng - Ảnh: T.Q

Hướng đi cho cam sành Vĩnh Long

Theo Sở NN - PTNT Vĩnh Long, diện tích trồng cam sành đã liên tục tăng theo tốc độ rất nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây, đến nay đã tăng gấp đôi so với quy hoạch đến năm 2020. Toàn tỉnh hiện có 18.000ha cam sành, trong đó hơn 14.700ha cam sành đang cho trái.

Nguyên nhân diện tích canh sành Vĩnh Long tăng nhanh chóng mặt trong thời gian qua vì có thời gian dài cam sành đứng giá cao từ 13.000 - 18.000 đồng/kg. Lợi nhuận mang lại từ cây trồng này quá hấp dẫn vào thời điểm đó. Đặc biệt trong mùa nghịch, giá cam sành loại 1 có thể đạt mức 18.000 - 25.000 đồng/kg. Trong khi đó, nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật canh tác nên năng suất cam sành không ngừng cải thiện, tăng từ 36,6 tấn/ha (năm 2019) lên 44,1 tấn/ha (2023), cá biệt có nhiều vườn cho năng suất gần 100 tấn/ha.

cam-sanh-4.jpg
Hạn chế trồng mới cam sành để chuyển sang trồng những loại cây trái khác - Ảnh: B.C

Ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN - PTNT Vĩnh Long cho biết: “Sau thời gian tăng diện tích nhanh chóng, cam sành hiện nay giảm giá mạnh làm cho tốc độ trồng cam sành cũng vụt tắt. Dự báo do cam rớt giá, sắp tới diện tích đất trồng cam sành của tỉnh sẽ giảm mạnh. Nông dân có thể phá bỏ cây cam già, cam không hiệu quả để chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn.

Người trồng cam sành lỗ vốn nặng hiện nay có mấy nguyên nhân: Giá cam sành giảm quá mạnh trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các vật liệu dùng để bơm tát, công lao động, giống, cùng với cây để chống đỡ khi cây cam mang trái tăng lên. Bình quân giá thành sản xuất gần 8.000 đồng/kg, quy ra giá trị đầu tư trên 350 triệu đồng/ha. Một số nông dân thuê đất trồng cam với chi phí từ 60 - 80 triệu đồng/ha/năm. Tất cả làm cho nông dân thiệt hại nặng khi đầu tư trồng cam sành.

Một mối nguy của người trồng cam sành là sản phẩm này cho đến giờ chỉ tiêu thụ nội địa, chưa xuất khẩu đi đâu được. Vì vậy, khi cung quá cầu trong nội địa thì sẽ rất khó khăn”.

cam-sanh-vl-4-bld.jpg
Hằng năm ước tính tỉnh Vĩnh Long thu hoạch hơn 650.000 tấn cam sành - Ảnh: T.Q

“Những năm gần đây nông dân liên tục mở rộng diện tích khiến sản lượng tăng mạnh. Sức mua yếu nhưng lượng cung quá ồ ạt dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Bên cạnh đó, cam là loại nông sản chưa thể chế biến, đóng gói để bảo quản lâu nên việc xuất khẩu còn nhiều hạn chế”, ông Trương Thành Dãnh cho biết thêm.

Về hướng đi nào cho cam sành, ông Trương Thành Dãnh cho rằng: “Giảm dần và cân đối diện tích trồng cam sành với cây trồng khác để không xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Bên cạnh đó, kiến nghị cần nghiên cứu, đầu tư dự án khoa học công nghệ về chế biến các sản phẩm từ nước ép trái cây trong đó có cam sành, nhằm chuyển giao công nghệ chế biến, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cho các địa phương. Đề nghị Bộ NN - PTNT đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các nước khác sản phẩm cam sành để góp phần cho cây cam sành phát triển ổn định”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Ấm áp tình nghĩa ngày báo chí cách mạng Việt Nam
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Những ngày qua, nhiều tỉnh thành khu vực ĐBSCL đã tổ chức họp mặt phóng viên, biên tập viên... của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đang hoạt động trên địa bàn nhân kỷ niệm 99 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21.6).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng đi cho cam sành Vĩnh Long