Bệnh nhân cùng lúc bị sốc nhiễm trùng, toan chuyển hóa nặng, tăng kali máu, tăng đường huyết, suy thận cấp, u buồng trứng phải, đái tháo đường tuýp 2… tưởng chừng tử vong đã thoát chết ngoạn mục.
Ngày 18.6, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho hay sau hơn 10 ngày đêm “chiến đấu”, các bác sĩ của 7 chuyên khoa đã cứu sống thành công người phụ nữ bị nguy kịch do sốc nhiễm trùng, toan chuyển hóa nặng, tăng kali máu, tăng đường huyết, suy thận cấp - u buồng trứng phải- tăng huyết áp - đái tháo đường tuýp 2 tưởng chừng khó thoát khỏi “ lưỡi hái thần chết”.
Bệnh nhân là bà N.T.T. (58 tuổi, ngụ tại TP.HCM) được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định vào sáng 8.6 trong tình trạng tiếp xúc chậm, lơ mơ, mạch huyết áp không ổn định. Ngay lập tức bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực chống độc với hàng loạt các chẩn đoán: sốc nhiễm trùng, toan chuyển hóa nặng, tăng kali máu, tăng đường huyết, suy thận cấp - u buồng trứng phải - tăng huyết áp - đái tháo đường tuýp 2.
Tất cả các chỉ số xét nghiệm đều cho thấy đây là trường hợp rất nặng, có khả năng tử vong cao bởi có nhiều vấn đề bệnh lý mạn tính kèm theo trong tình trạng người bệnh nguy kịch. Bệnh nhân phải thở máy, sử dụng kháng sinh liều cao và hội chẩn cấp bệnh viện với 7 chuyên khoa: Hồi sức tích cực, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Sản, Ngoại tổng quát, Ngoại niệu, Nội thận tiết niệu để tìm ra phác đồ điều trị phù hợp.
Lúc này, các bác sĩ nhận định, người bệnh hiện đang trong tình trạng u buồng trứng khả năng áp xe, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, suy thận cấp... nên phương pháp điều trị tốt nhất là dẫn lưu áp xe ngã âm đạo.
Ngày 9.6, bệnh nhân được tiến hành thủ thuật trong tình trạng suy đa cơ quan, nên các bác sĩ chuẩn bị sẵn sàng đến khả năng phải phẫu thuật nội soi trong trường hợp chuyển biến xấu trong quá trình dẫn lưu.
BS.CK2 Dương Ngọc Diệp – Phó khoa Sản phụ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, bệnh nhân được dẫn lưu khối áp xe qua ngã âm đạo bằng sonde pigtail ra 500ml mủ. Dẫn lưu khối áp xe là thủ thuật thường dùng trong ngoại khoa với phương pháp đặt ống dẫn lưu vào ổ dịch, áp xe bằng cách chọc kim qua da vào ổ áp xe và dẫn lưu dưới sự hướng dẫn của của hình ảnh (siêu âm hoặc chụp cắt lớp) do bác sĩ chẩn đoán hình ảnh được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật này thực hiện.
“Chúng tôi đã vận dụng lợi thế này của bệnh viện, phối hợp nhiều chuyên khoa để thực hiện được thành công phương pháp này trên người bệnh”, bác sĩ Diệp nói.
Sau 1 vài ngày được dẫn lưu khối áp xe ra khỏi cơ thể, phối hợp điều trị thuốc nội khoa hợp lý, bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng, không còn thở máy, ổn định các chỉ số và được xuất viện vào hôm nay (18.6).
“Như vậy, sau 10 ngày đêm căng mình của bác sĩ từ 7 chuyên khoa Hồi sức nội, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Sản, Ngoại Tổng quát , Ngoại Niệu, Nội tiết thận đã cấp cứu và điều trị thành công một trường hợp bị áp xe phần phụ kèm theo nhiều bệnh lý nội khoa nặng”, bác sĩ Diệp chia sẻ.
Theo TS. BS Bùi Chí Thương – Bộ môn Sản, Trường Đại học Y dược TP.HCM đang là tham vấn Khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đây là trường hợp có bệnh lý nội khoa nặng, kèm khối áp xe phần phụ. Các bác sĩ ở đây đã có một quyết định rất đúng đắn khi sử dụng sonde dẫn lưu, vì thủ thuật này vừa phù hợp với ca bệnh lý nặng, vừa nhẹ nhàng, tránh nguy cơ cuộc mổ cho người bệnh. Chính điều này đã giúp bệnh nhân thoát khỏi “lưỡi hái thần chết” ngoạn mục.