Các bệnh viện ở thành phố New York đang thử nghiệm sử dụng huyết thanh của những người khỏi COVID-19 để chữa bệnh cho những người khác.

Huyết thanh của người khỏi COVID-19: Hy vọng mới để chữa trị?

01/04/2020, 17:09

Các bệnh viện ở thành phố New York đang thử nghiệm sử dụng huyết thanh của những người khỏi COVID-19 để chữa bệnh cho những người khác.

Một người đã bình phục sau khi nhiễm COVID-19 đi hiến máu ở Zouping, Trung Quốc - Ảnh: AFP/Getty

Họ hy vọng liệu pháp mới này sẽ giúp New York - hiện là tâm chấn bùng phát của Mỹ tránh số phận như Ý, nơi các bệnh nhân mắc COVID-19 cần chăm sóc đặc biệt (ICU) đông đến nỗi các bác sĩ đã phải quay lưng đối với những người cần máy thở.

“Mỗi một bệnh nhân tránh được việc phải điều trị tích cực là một chiến thắng lớn về mặt hậu cần, vì các ca nặng đang khiến ùn tắc tại các bệnh viện. Chúng tôi mong rằng phương pháp này được phê duyệt càng sớm càng tốt, và cầu nguyện rằng không có sự bùng phát nào như New York hay mạn phía Tây nước Mỹ nữa”. Michael Joyner, một bác sĩ gây mê và nhà sinh lý học tại Bệnh viện Mayo ở bang Pennsylvania, bang Minnesota trả lời tờ Nature.

Ngay ngày 23.3 vừa qua, Thống đốc New York Andrew Cuomo đã công bố kế hoạch sử dụng huyết tương từ người bình phục để hỗ trợ tại đây, nơi có hơn 25.000 ca nhiễm, với 210 trường hợp tử vong. “Chúng tôi nghĩ rằng nó thật sự hứa hẹn”, ông nói. “Nhờ những nỗ lực của các nhà nghiên cứu, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hôm nay tuyên bố sẽ cho phép sử dụng khẩn cấp huyết tương đối với bệnh nhân có nhu cầu”.

Như vậy, ít nhất hai bệnh viện ở thành phố New York gồm Đại học Y khoa Mount Sinai và Albert Einstein có thể sẽ bắt đầu sử dụng huyết tương của người bình phục sau khi nhiễm COVID-19 để điều trị cho những người mắc bệnh.

Sau lần đầu triển khai, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể mở rộng sử dụng phương pháp này để phòng ngừa bệnh cho những người có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao như y tá hay bác sĩ. Đối với họ, nó có thể ngăn ngừa bệnh để họ có thể yên tâm chiến đấu tại bệnh viện. Các bệnh viện nghiên cứu y khoa trên khắp nước Mỹ đang lên kế hoạch cho một thử nghiệm lâm sàng phương pháp này trên diện rộng để thu thập bằng chứng về việc điều trị có hiệu quả như thế nào. Cả thế giới sẽ dõi theo các thử nghiệm này bởi vì, không khó khăn, khan hiếm, phải chờ đợi quá lâu dài như thuốc và vaccine, máu từ những người khỏi bệnh tương đối rẻ và có sẵn ở bất kỳ quốc gia nào đang chịu ảnh hưởng nặng nề do COVID-19.

Phương pháp này đem lại hiệu quả chữa trị cụ thể như thế nào?

Những tiền đề trước đó

Arturo Casadevall, một nhà miễn dịch học tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland đã bắt đầu nghiên cứu và thảo luận về phương pháp này kể từ cuối tháng 1, khi COVID-19 lan sang các quốc gia và không có liệu pháp chữa trị chắc chắn hiệu quả. Các nhà khoa học gọi đây là “liệu pháp kháng thể thụ động” bởi vì một người nhận được kháng thể bên ngoài, thay vì tự tạo ra phản ứng miễn dịch như họ sẽ có khi tiêm vaccine.

Cách tiếp cận này có từ những năm 1890. Một trong những nghiên cứu trường hợp lớn nhất xảy ra trong đại dịch virus cúm H1N1 năm 1918. Hơn 1.700 bệnh nhân đã nhận được huyết thanh từ những người khỏi bệnh, nhưng với điều kiện nghiên cứu hồi đó, thật khó để đưa ra kết luận [về hiệu quả] vì các nghiên cứu đã không được thiết kế để đáp ứng các tiêu chuẩn hiện tại. .

Trong đợt bùng phát SARS tháng 3.2002, một thử nghiệm 80 người nhận huyết thanh từ người khỏi bệnh ở Hồng Kông đã cho thấy rằng những người được điều trị bằng huyết thanh trong vòng 2 tuần từ khi có triệu chứng, có tỉ lệ xuất viện cao hơn những người không được điều trị. Tuy nhiên cũng có một số nghiên cứu chưa đánh giá được hết hiệu quả, ví dụ như huyết tương cũng đã được thử nghiệm trong ít nhất hai đợt bùng phát virus Ebola ở châu Phi và đã có một số thành công nhất định, hay phương pháp này có thể đã chữa cho hầu hết bệnh nhân trong một nghiên cứu năm 1995 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, nhưng nghiên cứu này quá nhỏ và không được kiểm soát giả dược. Theo Casadevall, có thể phương pháp đem lại hiệu quả điều trị cao hơn khi những người bệnh được chữa trị ngay từ giai đoạn đầu nhiễm bệnh.

Casadevall đã đưa ý tưởng của mình ra thảo luận trong một bài xã luận trên Wall street jouarnal, vào ngày 27.2, trong đó thúc giục sử dụng huyết thanh của người bình phục sau khi nhiễm bệnh vì còn quá lâu mới có thuốc và vaccine. “Tôi biết rằng đưa ý tưởng này lên một tờ báo đại chúng, mọi người sẽ quan tâm đến nó, trong khi nếu chỉ đăng trên tạp chí khoa học, tôi có thể không nhận được phản ứng tương tự”, ông giải thích.

Sau đó Casadevall gửi bài viết của mình cho hàng chục đồng nghiệp từ các ngành khác nhau, và nhiều người đã nhiệt tình tham gia nghiên cứu. Joyner là một trong số đó. Khoảng 100 nhà nghiên cứu tại các viện tự tổ chức nghiên cứu vấn đề này theo các hướng khác nhau. Các nhà virus học đặt vấn đề về việc thực hiện các xét nghiệm đánh giá xem máu của một người có chứa kháng thể coronavirus hay không. Các chuyên gia thử nghiệm lâm sàng đã xác định và tìm kiếm các trường hợp để điều trị, thống kê tạo kho dữ liệu. Và, để được chấp thuận theo quy định pháp lý hiện hành, nhóm đã chia sẻ các tài liệu cần thiết cho các hội đồng đánh giá đạo đức và FDA.

FDA đã phân loại là “thuốc mới đang thử nghiệm”

Những nỗ lực của họ đã được đền đáp. Hiện nay, FDA phân loại huyết tương của người khỏi COVID-19 là “thuốc mới đang trong quá trình thử nghiệm”, cho phép các nhà khoa học gửi đề xuất thử nghiệm lâm sàng và cho phép các bác sĩ sử dụng nó để điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 nghiêm trọng hoặc đe dọa đến tính mạng, mặc dù nó chưa được phê duyệt chính thức.

Điều này cho phép chúng tôi bắt đầu”, Joyner nói. Bây giờ các bác sĩ có thể tiến đến bước tiếp theo là quyết định có nên sử dụng liệu pháp này cho những người mắc bệnh đã phát triệu chứng rõ ràng hay kể cả những người chưa xuất hiện triệu chứng. Các bệnh viện sẽ nộp báo cáo tình hình thử nghiệm để FDA có thể quyết định xem phương pháp nào hiệu quả nhất.

Các nhà nghiên cứu cũng đã đệ trình lên FDA ba quy trình hướng dẫn cho các thử nghiệm kiểm soát giả dược để kiểm tra huyết tương, mà họ hy vọng sẽ được thực hiện tại các bệnh viện liên kết với Johns Hopkins, Mayo Clinic và Đại học Washington ở St. Louis, hoặc các trường đại học khác muốn tham gia.

Các thử nghiệm sử dụng huyết thanh của người khỏi bệnh COVID-19 ở Mỹ không phải là chưa từng có tiền lệ. Kể từ đầu tháng 2 năm nay, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã thực hiện một số nghiên cứu. Họ vẫn chưa báo cáo về tình trạng và kết quả của các nghiên cứu này nhưng Liang Yu, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Chiết Giang, Trung Quốc, trao đổi với tạp chí Nature rằng trong một nghiên cứu sơ bộ, các bác sĩ đã điều trị cho 13 người bị COVID-19 nặng bằng huyết tương của người đã bình phục sau nhiễm. Trong vài ngày, virus dường như không còn xuất hiện ở bệnh nhân, cho thấy các kháng thể đã chống lại virus. Nhưng sau đó tình trạng của họ tiếp tục xấu đi, cho thấy rằng có thể họ đã được sử dụng biện pháp này ở thời điểm quá muộn - khi bệnh đã nặng. Hầu hết đã bị yếu đi trong hơn 2 tuần.

Do đó, Liise-anne Pirofski, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Albert Einstein, cho biết các nhà nghiên cứu có kế hoạch truyền huyết tương cho bệnh nhân ở giai đoạn đầu nhiễm bệnh và xem họ có tiến triển bệnh đến điều trị tích cực hay không. Hướng thứ hai là thử nghiệm với các trường hợp nghiêm trọng. Hướng thứ ba là đánh giá việc sử dụng huyết tương như một biện pháp phòng ngừa cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19, và sẽ đánh giá mức độ tác dụng của liệu pháp đối với những người khác phơi nhiễm nhưng không được điều trị. Có thể sẽ có kết quả trong vòng một tháng tới.

Một tín hiệu đáng mong chờ là có thể các giải pháp chữa trị khác, cũng dựa vào thúc đẩy khả năng đề kháng của cơ thể sẽ “ra lò” vào cuối năm nay. Các công ty công nghệ sinh học đang xác định các kháng thể chống lại coronavirus, và có kế hoạch phát triển thành các công thức dược phẩm chính xác. “Các công ty công nghệ sinh học sẽ phân lập các kháng thể, thử nghiệm chúng, phát triển thành thuốc và vaccine, nhưng điều đó cần có thời gian”, Joyner nói.

Còn những người bệnh đã khỏi COVID-19, sau khi biết thông tin về những thử nghiệm huyết thanh này, đã email cho nhóm nghiên cứu nói rằng “tôi đã sống sót và giờ tôi muốn giúp đỡ người khác”.

Theo Đức Phát/KHPT (Nature)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huyết thanh của người khỏi COVID-19: Hy vọng mới để chữa trị?