Cả 3 bệnh nhân mắc bệnh lao động mạch chủ gây thủng bụng đột ngột. Bệnh nhân chảy máu trong ổ bụng, có trường hợp vỡ vào tá tràng gây xuất huyết đường tiêu hóa mức độ nặng. Đây là một căn bệnh cực kỳ hiếm gặp, biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Hy hữu: 3 bệnh nhân bị thủng bụng do lao động mạch chủ

17/07/2020, 15:25

Cả 3 bệnh nhân mắc bệnh lao động mạch chủ gây thủng bụng đột ngột. Bệnh nhân chảy máu trong ổ bụng, có trường hợp vỡ vào tá tràng gây xuất huyết đường tiêu hóa mức độ nặng. Đây là một căn bệnh cực kỳ hiếm gặp, biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt lọc túi phình, loại bỏ đoạn mạch máu bị hủy hoại do lao, đặt ống ghép động mạch nhân tạo cứu bệnh nhân bị lao động mạch chủ gây thủng bụng - Ảnh: T.N

Ngày 17.7, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho hay các bác sĩ ở đây vừa kịp thời phẫu thuật cứu sống 3 bệnh nhân mắc phải căn bệnh hiếm gặp là lao động mạch chủ gây thủng bụng đột ngột, suýt tử vong.

Trong đó, bệnh nhân N.V.C. (50 tuổi, Trà Vinh) bị vết rách thành trái động mạch chủ bụng, đoạn dưới thận, đường kính 9mm khiến máu thoát ra, tạo túi phình lớn, có huyết khối quanh túi phình và quanh động mạch chủ bụng to gần bằng trái banh tennis đang dọa vỡ.

Tương tự như bệnh nhân C., bệnh nhân V.T.L. (43 tuổi, Bến Tre) cũng bị thủng động mạch chủ khiến máu chảy rỉ rả vào khoang sau phúc mạc, tạo khối máu tụ khu trú lâu ngày xơ hóa.

Riêng bệnh nhân Đ.M.T.(64 tuổi, Cà Mau) bị một ổ viêm quanh động mạch chủ bụng đoạn dưới thận, phát hiện lỗ thông thương động mạch chủ vào tá tràng.

BS.CK2 Hồ Khánh Đức - Trưởng khoa Phẫu thuật Tim - Mạch máu, Bệnh viện Bình Dân cho biết thủng động mạch chủ do lao là một căn bệnh phức tạp vì biến chứng lao hạch khiến ổ bụng của người bệnh viêm dính, nhiều nang hạch, các quai ruột dãn. Khi bộc lộ phẫu trường thì máu tụ dâng cao và các khối hạch lớn khiến thao tác của bác sĩ gặp nhiều trở ngại.

Các bệnh nhân trên đã được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, cắt lọc túi phình, loại bỏ đoạn mạch máu bị hủy hoại do lao, đặt ống ghép động mạch nhân tạo.

"Sau 3 giờ phẫu thuật, nhóm bác sĩ đã gỡ dính, bóc tách, lấy trọn khối hạch viêm cạnh động mạch chủ, cắt lọc đoạn vách túi phình bị tổn thương do lao. Người bệnh được thay đoạn động mạch chủ bị thủng bằng ống ghép nhân tạo Dacron thẳng số 14. Kết quả giải phẫu bệnh ghi nhận các nang lao điển hình, cho thấy người bệnh mắc viêm lao thành mạch và lao hạch. Hiện nay, cả 3 người bệnh đang đáp ứng điều trị lao và thể trạng cải thiện tốt. Siêu âm kiểm tra cho thấy ống ghép Dacron hoạt động tốt, không tụ dịch xung quanh”, bác sĩ Đức chia sẻ.

Khác với các trường hợp vỡ động mạch chủ do vỡ túi phình thông thường, các trường hợp bị lao mạch máu theo bác sĩ Đức cần được chẩn đoán sớm và điều trị theo phác đồ lao ngoài phổi ngay sau phẫu thuật. Nếu không, các tổn thương lao sẽ tiếp tục tiến triển âm thầm, tăng nguy cơ nhiễm trùng mảnh ghép gây viêm thủng mạch máu, đột tử do mất máu”, bác sĩ Đức chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Đức, lao vách mạch máu dẫn tới phình động mạch chủ, thủng vỡ động mạch chủ là bệnh hiếm gặp. Bệnh thường xuất phát từ lao phổi lan ra cấu trúc xung quanh động mạch chủ, gây lao hạch, lao màng ngoài tim, mủ màng phổi, lao cột sống hoặc lao cạnh cột sống. Sau đó, trực khuẩn lao có thể xâm nhập vào thành động mạch. Con đường thứ hai ít gặp hơn là lan truyền qua đường máu, trực khuẩn lao di chuyển trong máu và đóng ở mảng xơ vữa của thành mạch gây các tổn thương dạng viêm ở thành động mạch chủ, dần phá hủy thành mạch. Tốc độ diễn tiến thay đổi từng bệnh nhân. Khi thủng có thể gây chảy máu ồ ạt hoặc khu trú tạo thành túi phình giả.

Tổn thương lao động mạch chủ thường có 1 trong 3 biểu hiện là sốt và đau bụng liên tục liên quan đến vị trí của túi phình; sốc giảm thể tích hay có các triệu chứng của chảy máu ồ ạt, đặc biệt là trong trung thất hay đường tiêu hóa, cũng có thể trong khoang màng phổi, trong ổ bụng hay sau phúc mạc; khối u cạnh động mạch chủ đập theo mạch, lan rộng nhanh.

Các chuyên gia y tế cho biết lao mạch máu không có biểu hiện lâm sàng đặc hiệu, diễn tiến âm thầm nên rất nguy hiểm. Y văn thế giới ghi nhận tất cả các bệnh nhân sống sau điều trị đều phải phối hợp phẫu thuật và thuốc chống lao. Không có bệnh nhân nào sống nếu chỉ điều trị thuốc lao đơn thuần. Ngược lại, khả năng tái phát cao nếu chỉ phẫu thuật mà không dùng thuốc lao kèm theo. Người bệnh cần được phẫu thuật cấp cứu ngay khi phát hiện thủng mạch máu và điều trị lao ngay sau phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ.

“Người bệnh có tiền sử đã và đang điều trị lao, nếu đau bụng kéo dài với khối u vùng bụng hoặc đột ngột mất tri giác do sốc mất máu, cần đến cơ sở chuyên khoa về mạch máu để được thăm khám và cấp cứu kịp thời. Hiện nay, các trường hợp phình giả động mạch chủ phải làm giải phẫu bệnh thành mạch hoặc tìm sự hiện diện vi khuẩn lao. Khi xác định chẩn đoán phình động mạch do lao, cần phẫu thuật cấp cứu dù túi phình nhỏ và phối hợp điều trị thuốc lao theo phác đồ”, bác sĩ Đức khuyến cáo.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hy hữu: 3 bệnh nhân bị thủng bụng do lao động mạch chủ