Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có báo cáo về tình hình giải ngân vốn một số dự án lớn, trong đó nêu rõ tỷ lệ giải ngân vốn đã giao cho dự án thu hồi đất, bồi thường… sân bay quốc tế Long Thành hiện ở mức rất thấp và khả năng khó hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao 1.810 ha đất, giải ngân hết kế hoạch vốn đúng tiến độ.

Ì ạch giải ngân vốn, Bộ KH-ĐT chỉ ra hàng loạt nguyên nhân

Bùi Trí Lâm | 25/08/2020, 11:18

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có báo cáo về tình hình giải ngân vốn một số dự án lớn, trong đó nêu rõ tỷ lệ giải ngân vốn đã giao cho dự án thu hồi đất, bồi thường… sân bay quốc tế Long Thành hiện ở mức rất thấp và khả năng khó hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao 1.810 ha đất, giải ngân hết kế hoạch vốn đúng tiến độ.

Đảm bảo tiến độ cao tốc Bắc – Nam phía Đông

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần 5.530/8.970 tỉ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 61,6%.

Cụ thể, đối với 3 dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu) giải ngân (bao gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp) 1.755/3.400 tỉ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 51,6%, giải phóng mặt bằng đã hoàn thành khoảng 93%.

Đối với 5 dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đối tác công tư (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) giải ngân cho giải phóng mặt bằng 2.084/3.016 tỉ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 69,1%.

Đối với 3 dự án thành phần mới được Quốc hội chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) giải ngân 1.690/2.554 tỉ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 66,2%.

Hiện nay, Bộ GTVT đã tổ chức phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật và dự toán; các Ban Quản lý dự án đã phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu, dự kiến khởi công các gói thầu đầu tiên trong tháng 9-2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

"Như vậy, tiến độ thực hiện dự án và giải ngân cơ bản đáp ứng theo đúng kế hoạch đề ra", Bộ KH-ĐT nêu.

Với dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Bộ KH-ĐT cho biết dự án được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 839 ngày 16.6.2020 với tổng mức đầu tư là 4,8 nghìn tỉ đồng, sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước.

Thủ tướng đã giao 932 tỉ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn cho dự án từ nguồn dự phòng chung. Số vốn 3,8 nghìn tỉ đồng còn lại (vốn còn thiếu theo tổng mức đầu tư) Bộ GTVT sẽ cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay, chủ đầu tư là Tổng công ty Cửu Long đã đăng thông báo mời thầu, kế hoạch đến 20.8.2020 sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng gói thầu khảo sát, thiết kế, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán. Dự kiến khởi công cuối 2020 và hoàn thành vào quý 2/2023.

Khó hoàn thành tiến độ GPMB dự án sân bay Long Thành

Đối với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ KH-ĐT cho biết được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 là 18.500 tỉ đồng và được bố trí vốn lũy kế từ 2018-2020 là 18.195 tỉ đồng (kế hoạch năm 2018: 4.500 tỉ đồng; kế hoạch năm 2019: 6.990 tỉ đồng và kế hoạch năm 2020: 6.705 tỉ đồng).

Nghị quyết số 53 ngày 24.11.2017 của Quốc hội cho thấy việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021. Đồng thời, tại Báo cáo số 3696/BC-UBND ngày 3-4-2020, UBND tỉnh Đồng Nai cam kết giải ngân toàn bộ số vốn được giao trong năm 2020.

"Trong thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo quyết liệt các Sở, ban, ngành tích cực triển khai, thúc đẩy giải ngân. Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2020, dự án giải ngân là 1.376 tỉ đồng, lũy kế giải ngân đến nay là 2.513 tỉ đồng, đạt 13,82% kế hoạch được giao", Bộ KH-ĐT nêu rõ.

Bộ KH-ĐT cũng cho biết UBND tỉnh Đồng Nai đã báo cáo một số khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Cụ thể, do hình thể thửa đất giữa hồ sơ cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất và hiện trạng có thay đổi nên diện tích thửa đất sau khi đo đạc tăng hoặc giảm; một số trường hợp không chỉ được ranh giới đất đang sử dụng nên đơn vị đo đạc chưa đủ cơ sở xuất hồ sơ kỹ thuật thửa đất...; còn nhiều thửa đất không có thông tin tên chủ sử dụng, hoặc có tên nhưng không ghi địa chỉ....

Tuy nhiên, UBND tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định từ nay đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất khu vực ưu tiên 1.810 ha trong năm 2020; tiếp tục kiểm đếm, lập phương án bồi thường khu vực còn lại trong năm 2020, bàn giao mặt bằng trong quý 2/2021.

Bộ KH-ĐT đánh giá tỷ lệ giải ngân vốn đã giao cho dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay quốc tế Long Thành hiện ở mức rất thấp và khả năng khó hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao 1.810 ha đất, giải ngân hết kế hoạch vốn đã giao và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của Dự án trước năm 2021 theo quy định tại Nghị quyết số 53 của Quốc hội.

COVID-19 cũng ảnh hưởng đến giải ngân vốn

Về nguyên nhân của việc chậm giải ngân, Bộ KHĐT cho rằng công tác lập kế hoạch vốn đầu tư ngân sách trung ương chưa sát với thực tế, khả năng giao vốn và giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn không có khả năng giải ngân.

Phương thức giải ngân vốn đầu tư công khác cơ bản so với giải ngân vốn thường xuyên, phỉa có khối lượng mới có thể làm thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước, không thường xuyên, định kỳ như chi thường xuyên. Các dự án mua sắm trang thiết bị thường giải ngân vào cuối năm, những tháng đầu năm tập trung vào đấu thầu.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, chồng lấn về công địa thi công. Đây là nút thắt lớn đới với việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công.

Việc tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, công bằng, người dân khiếu kiện yêu cầu giá đền bù sát với giá thị trường; năng lực của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát còn hạn chế, không đáp ứng yêu cầu…

Tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và của cả nhà thầu, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm thì xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm.

Bộ KH-ĐT cũng cho rằng lý do dịch COVID-9 và năm 2020 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn nên xuất hiện thêm một số nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Cụ thể, các dự án ODA, vay ưu đãi chịu tác động của dịch COVID-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ nhập khẩu máy móc, thiết bị, chuyên gia, nhà thầu… nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn dự án ODA. Hoạt động giải ngân do đó cũng ngưng trệ do khối lượng chậm được xác nhận.

“Năng lực hạn chế của các nhà thầu, chậm giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư với nhà thầu, quá trình thẩm định của cơ quan cho vay lại thường bị kéo dài cũng là lý do dẫn đến giải ngân chậm”, Bộ KH-ĐT nêu.

Năm 2020 là năm cuối của kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong khi đó, dịch COVID-19 xảy ra, nhiều địa phương HĐND không kịp họp để phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án dự kiến sử dụng nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn, các dự án được UB Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vốn tại Nghị quyết 797 (về phương án phân bổ 10.000 tỉ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng).

Đối với nước ngoài, công tác chuẩn bị đầu tư dự án không kỹ dẫn đến chậm thực hiện dự án đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án, phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, gia hạn thời gian, không bố trí vốn đối ứng đầy đủ… đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài. Nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án nên chưa đủ pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn; khó khăn trong nhập khẩu trang thiết bị, chuyên gia nước ngoài.

Lam Thanh
Bài liên quan
Cần Thơ giải ngân hơn 10.468 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024 như thế nào?
Năm 2024, TP.Cần Thơ được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 10.468 tỉ đồng, đến nay đã giao chi tiết 8.804 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
8 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ì ạch giải ngân vốn, Bộ KH-ĐT chỉ ra hàng loạt nguyên nhân