Trang Interesting Engineering cho biết các nhà nghiên cứu của Viện Terasaki (Mỹ) vừa tạo ra một loại mực sinh học mới phục vụ kỹ thuật mô.
Họ biến lòng trắng trứng thông thường thành mực với tên gọi methacryloyl lòng trắng trứng (EWMA). Kỹ thuật mô là quá trình tạo ra mô mới tương tự mô trong cơ thể người, nhằm chữa lành vết thương hay thậm chí sản xuất nội tạng phức tạp thay thế nội tạng bị tổn thương. Mực sinh học rất quan trọng với công nghệ in 3D vì chúng cho phép tạo mô phức tạp.
Chứa hàng loạt chất tự nhiên lẫn chất tổng hợp, mực sinh học cung cấp môi trường cho tế bào sống bám vào, nhân lên rồi chuyên biệt hóa bên trong một cấu trúc mô phỏng mô phức tạp. Loại mực mới có tiềm năng thúc đẩy nghiên cứu y khoa, phát triển dược phẩm mới, giúp việc cấp ghép nội tạng trở nên dễ dàng hơn.
Công thức mực sinh học từ lòng trắng trứng
Lòng trắng trứng chủ yếu được tạo thành từ protein. Nhóm nghiên cứu biến đổi protein này về mặt hóa học bằng cách đưa các nhóm methacryloyl vào cấu trúc của chúng, tạo ra EWMA.
Khi mực tiếp xúc ánh sáng thì các nhóm methacryloyl phản ứng sản sinh liên kết chéo mạnh. Liên kết chéo khiến mực đông đặc thành cấu trúc giống gel.
“EWMA sở hữu một số ưu điểm phù hợp ứng dụng in sinh học, gồm cung cấp nhiều protein và đảm bảo môi trường giàu dinh dưỡng cho tế nào phát triển. Mực thể hiện khả năng tương thích sinh học lẫn hoạt tính sinh học tuyệt vời, rất quan trọng đảm bảo kỹ thuật mô thành công”, theo nhóm nghiên cứu. Đặc biệt họ có thể tinh chỉnh đặc điểm của mực để đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau.
Mực sinh học từ lòng trắng trứng kháng vi rút và kháng khuẩn, ngăn ngừa nhiễm trùng khi dùng cho mục đích y tế.