Theo thông tin từ Bộ KH-CN, tính đến năm 2023, thông qua các nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gien, tổng số nguồn gien được thu thập và lưu giữ được là 80.911.
Ngày 29.7, Bộ KH-CN tổ chức hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gien giai đoạn 2015-2024 và định hướng triển khai giai đoạn 2025-2030”.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, hơn 10 năm qua, công tác bảo tồn, khai thác, sử dụng nguồn gien đã được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Bộ trưởng Đạt cũng nói rõ nhiều nguồn gien quý của Việt Nam đã được khôi phục, bảo tồn, lưu giữ. Đó là cơ sở quan trọng để phục vụ việc khai thác và phát triển, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần gìn giữ sự đa dạng sinh học của quốc gia.
Theo thông tin từ Bộ KH-CN, tính đến năm 2023, thông qua các nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gien, tổng số nguồn gien được thu thập và lưu giữ là 80.911.
Trong đó, có 47.772 nguồn gien thực vật nông nghiệp, 5.768 nguồn gien cây lâm nghiệp, 7.039 nguồn gien dược liệu, 891 nguồn gien vật nuôi, 391 nguồn gien thủy sản, 19.050 nguồn gien vi sinh vật.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, số lượng nguồn gien có giá trị làm thuốc đã được phát hiện và thu thập, bảo tồn khoảng trên 7.000 nguồn gien.
Theo Bộ KH-CN, các nhiệm vụ khai thác và phát triển nguồn gien đã được triển khai với trên 300 nguồn gien động, thực vật và trên 700 nguồn gien vi sinh vật; trong đó làm chủ được 178 quy trình công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật về nhân giống, chọn tạo giống, canh tác, nuôi và chăm sóc các nguồn gien…
Các nhiệm vụ cũng đã xây dựng được hàng trăm tiêu chuẩn cơ sở, bao gồm tiêu chuẩn đàn hạt nhân, cây trội, đàn giống, đàn sản xuất, cây con thương phẩm… Các kết quả nói trên là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của công tác bảo tồn, đánh giá và phát triển nguồn gien trong cả nước thời gian qua.
GS-TS Chu Hoàng Hà - Phó chủ tịch Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam cho rằng Việt Nam hướng tới thúc đẩy phát triển nền kinh tế nền tảng sinh học, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã cho thấy tầm quan trọng và vai trò của nguồn gien bản địa trong phát triển kinh tế - xã hội dựa trên thế mạnh phát triển nông nghiệp, đa dạng nguồn gien bản địa.
Do vậy, việc triển khai Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững gien giai đoạn 2025-2030 cần tiếp tục ưu tiên phát triển nghiên cứu cơ bản chuyên sâu về nguồn gien (số hóa gien theo chuẩn quốc tế, duy trì bảo tồn, đăng ký sở hữu trí tuệ…) kết hợp với nghiên cứu truyền thống trên các nguồn gien động vật, thực vật và vi sinh vật học.
Lãnh đạo Bộ KH-CN cho biết thời gian tới công tác bảo tồn và phát triển nguồn gien tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh hơn nữa; tiếp tục tăng cường, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ công tác bảo tồn, lưu giữ, đánh giá nguồn gien. Ngoài ra, cần gia tăng nguồn lực nhằm bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gien góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước.