Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT, internet là hạ tầng thiết yếu, quan trọng của nhân loại, thành tố quan trọng của chuyển đổi số.

Internet – thành tố quan trọng của chuyển đổi số

Thu Anh | 07/12/2022, 16:54

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT, internet là hạ tầng thiết yếu, quan trọng của nhân loại, thành tố quan trọng của chuyển đổi số.

Ngày 7.12 tại Hà Nội, Cục Viễn thông, Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ TT-TT) và Hiệp hội Internet Việt Nam đã tổ chức chương trình kỷ niệm 25 năm Internet Việt Nam và Ngày Internet (Internet Day) 2022.

Việt Nam có hơn 70 triệu người dùng internet

Ngày 19.11.1997 đã mở đầu trang lịch sử internet Việt Nam. Tại trụ sở Tổng cục Bưu điện, thay mặt Ủy ban Điều phối quốc gia về internet Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã tổ chức họp báo quốc tế công bố chính thức Việt Nam kết nối với mạng internet toàn cầu, trình diễn kỹ thuật, thông báo các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách để quản lý dịch vụ internet tại Việt Nam vào đúng ngày ấy.

Sau 25 năm kể từ ngày Việt Nam chính thức kết nối mạng toàn cầu, internet đã trở thành yếu tố thiết yếu trong cuộc sống, xã hội Việt Nam, trở thành hạ tầng của nền kinh tế, nhân tố quan trọng trong thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

dscf0221.jpg
Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Theo ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, số liệu thống kê của Bộ TT-TT cho thấy tính tới tháng 9.2022, lượng người dùng tnternet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu, tăng 0,8% so với trong giai đoạn 2020-2021 (chiếm hơn 70% dân số).

Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á.

Người dùng Việt Nam dành trung bình gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới internet; tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam sử dụng internet hằng ngày lên tới 94%.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long cho biết trải qua 25 năm phát triển, internet Việt Nam đã chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng số của nền kinh tế số. Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng internet kết nối vạn vật, hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ, hạ tầng các nền tảng số.

Từ vai trò của internet là công cụ để phát triển kinh tế xã hội, đến nay và giai đoạn tiếp theo, internet sẽ tạo ra phương thức phát triển mới để phát triển, thúc đẩy kinh tế xã hội.

dscf0277.jpg
Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long phát biểu tại sự kiện

Theo Thứ trưởng Long, internet là phương thức để hiểu con người với con người, ở giai đoạn hiện nay và giai đoạn tiếp theo, internet phát triển thông minh hóa, là phương thức để đồ vật hiểu đồ vật. Trên môi trường số, thế giới con người và thế giới đồ vật sẽ hợp nhất.

“Toàn cầu đang trong cuộc di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số. Internet là hạ tầng thiết yếu, quan trọng của nhân loại, thành tố quan trọng của chuyển đổi số. Nếu như trước đây, các nhà quản trị xã hội tìm cách quản lý internet thì hiện nay và giai đoạn tiếp theo, các nhà quản trị sẽ sử dụng internet để quản lý xã hội”, Thứ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh.

Tài nguyên internet Việt Nam đã phát triển vượt bậc

Nhìn lại chặng đường 25 năm vừa qua có thể thấy tài nguyên internet Việt Nam đã phát triển vượt bậc, góp phần đắc lực cho sự phát triển mạnh mẽ của internet Việt Nam.

Theo số liệu của Trung tâm Internet Việt Nam, tính đến ngày 31.10.2022, số lượng tên miền đạt mốc 564.444 tên miền, gấp khoảng 1.000 lần so với thời kỳ đầu của internet Việt Nam. Tên miền ".vn" là tên miền quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Top 10 châu Á - Thái Bình Dương.

dscf8648.jpg
Khách tham dự chương trình kỷ niệm 25 năm Internet Việt Nam và Ngày Internet (Internet Day) 2022 được tổ chức tại Hà Nội

Về IP/ASN, từ 3 mạng độc lập của các ISP đầu tiên năm 2002, đến tháng 10.2022, có tổng số 791 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng IP/ASN độc lập; tổng số mạng AS độc lập trên internet Việt Nam là 533, là các mạng hạt nhân kết nối với nhau hình thành internet Việt Nam.

Lượng địa chỉ IPv4 Việt Nam đã tăng trưởng lên tới hơn 16 triệu địa chỉ, đứng thứ 8 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thứ 29 toàn cầu về IPv4.

Sự phát triển của internet đã dẫn đến sự cạn kiệt địa chỉ IPv4 trên toàn cầu kể từ năm 2011. Đón trước xu thế tất yếu trong ứng dụng IPv6, Việt Nam đã triển khai các hoạt động thúc đẩy và chuẩn bị chuyển đổi sử dụng địa chỉ internet thế hệ mới IPv6 từ năm 2008, với mục tiêu tổng thể là đảm bảo “internet Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định trên nền tảng công nghệ IPv6 từ năm 2019”.

Qua chặng đường hơn 10 năm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, Việt Nam hiện là quốc gia có kết quả ứng dụng triển khai IPv6 nổi bật, đáng ghi nhận. Tính đến hết tháng 10.2022, tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt khoảng 53%, đứng thứ 2 ASEAN, thứ 8 toàn cầu.

Bài liên quan
Internet Day 2022: Phát triển bền vững trong hệ sinh thái Internet
Internet Day 2022 sẽ được tổ chức vào ngày 7.12.2022 tại Hà Nội với chủ đề “Phát triển bền vững trong hệ sinh thái Internet”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
11 phút trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Internet – thành tố quan trọng của chuyển đổi số