Hà Lan là quốc gia diện tích nhỏ, ít dân nhưng nắm giữ chìa khóa cho tương lai của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip tiên tiến.
Quốc gia châu Âu này dân số chỉ hơn 17 triệu người, nhưng là quê hương của ASML - đơn vị quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Đây là công ty độc quyền sản xuất máy in thạch bản cực tím (EUV) rất cần cho chế tạo chip.
Mỹ đang cố gắng thuyết phục Hà Lan không cung cấp thiết bị cho Trung Quốc, nhưng quan hệ giữa hai nước có vẻ rạn nứt khi phía Hà Lan vẫn còn suy tính thiệt hơn về kinh tế nếu từ chối bán hàng cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Vai trò quan trọng của ASML
ASML sản xuất, phân phối EUV cho các xưởng đúc chip như TSMC (Đài Loan). Chế tạo chip tiên tiến cần đến thiết bị này và ASML là công ty duy nhất trên thế giới sản xuất chúng.
Kể từ năm 2019, ASML không thể vận chuyển máy in thạch bản cực tím cho Trung Quốc bởi nhiều hạn chế xuất khẩu mà Hà Lan áp đặt. Hiện tại ở Trung Quốc không hề có EUV nào.
Mỹ lo ngại nếu ASML cung cấp thiết bị cho Trung Quốc, các nhà sản xuất của nước này có thể chế tạo nhiều chip tiên tiến với ứng dụng trí tuệ nhân tạo và quân sự rộng rãi.
Thảo luận Mỹ - Hà Lan
Mỹ bắt đầu gây sức ép với Hà Lan từ năm 2018, lúc Tổng thống Donald Trump nắm quyền. Hãng Reuters năm 2020 từng đưa tin chính phủ Hà Lan đã rút giấy phép xuất khẩu máy EUV sang Trung Quốc của ASML.
Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Thương chiến sau đó dần trở thành cạnh tranh giành ưu thế công nghệ. Washington tìm mọi cách cắt đứt nguồn cung công nghệ quan trọng cho Bắc Kinh.
Đối mặt với hàng loạt hạn chế, “ông lớn” viễn thông Trung Quốc Huawei không có đủ chip để sản xuất điện thoại thông minh cùng hàng loạt sản phẩm khác, hoạt động kinh doanh gần như tê liệt. Một "nạn nhân" lớn khác là nhà chế tạo chip hàng đầu Trung Quốc SMIC.
Tổng thống Joe Biden còn mạnh tay hơn. Vụ An ninh và Công nghiệp thuộc Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 10 ra quy định mọi công ty phải xin giấy phép nếu muốn bán sản phẩm bán dẫn hoặc thiết bị sản xuất liên quan cho Trung Quốc.
Sau khi có quy định trên, ASML đã yêu cầu đội ngũ nhân viên tại Mỹ ngừng phục vụ khách hàng Trung Quốc.
Nhưng áp lực với Hà Lan vẫn còn. Thứ trưởng Thương mại Alan Estevez cùng quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Tarun Chhabra trong tháng này vừa làm việc với quan chức Hà Lan.
Nhà phân tích Pranay Kotasthane (Viện Takshashila) cho biết loạt hạn chế đơn phương Mỹ áp đặt sẽ trở nên vô ích nếu Trung Quốc vẫn mua được thiết bị từ ASML hay Tokyo Electron (Nhật Bản). Vì vậy Washington muốn biến hạn chế đơn phương thành đa phương bằng cách kêu gọi thêm nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật, Hà Lan hưởng ứng.
Triển vọng thuyết phục thành công Hà Lan không sáng sủa lắm. Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan Liesje Schreinemacher tuần trước tuyên bố bên cạnh lợi ích an ninh thì họ cũng cần cân nhắc cả lợi ích kinh tế. Bà nhấn mạnh Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng.