Ngoài trăn trở về việc đầu tư cho nghiên cứu cơ bản hay dành nguồn lực cho nghiên cứu triển khai ứng dụng… các nhà khoa học còn đứng trước ranh giới của sự kế thừa và sáng tạo ra cái mới.

Kế thừa, phát huy tinh thần khoa học của GS Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa

Thu Anh | 22/05/2019, 10:56

Ngoài trăn trở về việc đầu tư cho nghiên cứu cơ bản hay dành nguồn lực cho nghiên cứu triển khai ứng dụng… các nhà khoa học còn đứng trước ranh giới của sự kế thừa và sáng tạo ra cái mới.

                    

Người kết nối các nhà khoa học giỏi

Bắt đầu từ năm 2014, Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng hằng năm của Bộ KH-CN nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Các tiêu chí của Giải thưởng hướng tới các công trình khoa học được thực hiện trong nước, trong thời gian gần đây, được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.

Đây là giải thưởng lấy tên nhà khoa học, GS Tạ Quang Bửu (1910 – 1986) – người con của quê hương Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Theo thông tin từ Quỹ KH-CN và Phát triển quốc gia - Nafosted (Cơ quan thường trực Giải thưởng Tạ Quang Bửu), GS Tạ Quang Bửu đỗ đầu tú tài bản xứ và tú tài Tây, được học bổng Toán và Lý tại các trường đại học của Pháp và Anh.

Thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ chức Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết Hiệp định Geneve năm 1954. Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ông đảm nhiệm vị trí Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ KH-CN), Bộ trưởng Bộ Đại học va Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019 được trao cho 3 nhà khoa học - Ảnh: Bộ KH-CN

Ông đã góp phần quan trọng trong việc đặt nền móng, phương hướng phát triển cho giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp cùng nhiều ngành khoa học kỹ thuật của đất nước. Ông cũng là người biên soạn nhiều tài liệu, thúc đẩy phổ biến kiến thức khoa học hiện đại, mời các nhà khoa học nước ngoài, Việt kiều về Việt Nam làm việc và trao đổi học thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bồi dưỡng, phát triển đội ngũ KH-CN của đất nước.

Năm nay, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao cho ba nhà khoa học thuộc các lĩnh vực Cơ học, Y sinh Dược học và Vật lý. Trong lễ trao giải Tạ Quang Bửu 2019, TS. Lê Trọng Lư đã chia sẻ tâm tư của các nhà khoa học khi nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế, cũng như vẫn còn những tranh luận giữa việc đầu tư cho nghiên cứu cơ bản hay dành nguồn lực cho nghiên cứu triển khai ứng dụng.

Tuy nhiên, là một nhà khoa học, TS. Lê Trọng Lư cho rằng việc lựa chọn giữa một trong hai hướng nghiên cứu không quá quan trọng, mà điều quan trọng là sự đam mê và theo đuổi đến cùng hướng nghiên cứu đã lựa chọn.

TS. Lê Trọng Lư phát biểu tại Lễ trao giải Tạ Quang Bửu 2019 - Ảnh: Bộ KH-CN

Bác Hồ đặt tên cho GS.VS Trần Đại Nghĩa

Theo bản ghi chép của GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam), ở nước ta, người thiết kế và lãnh đạo việc sản xuất ba-dô-ca trong thời kỳ kháng chiến chống sự xâm lược của thực dân Pháp là Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Trong bản ghi chép của GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu có ghi GS Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Long, sau đó lên Sài Gòn học trung học. Ông tốt nghiệp trung học và được nhận học bổng đi du học ở Pháp năm 1935. Ông đi học ở Pháp với ý chí học để sau này về nước chế tạo vũ khí đánh đuổi thực dân Pháp.

Năm 1946, ông đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau và đã theo Bác Hồ về nước. Ngày 5.12.1946, ông được Bác Hồ giao nhiệm vụ Cục trưởng Cục quân giới với trọng trách là nghiên cứu, chế tạo vũ khí để bộ đội ta đánh giặc. Bản ghi chép của GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu đã trích dẫn lại lời nói của Bác: “Đây là việc đại nghĩa. Vì thế từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Họ Trần là họ của danh tướng Trần Hưng Đạo”.

Ngày 3.3.1947 đã trở thành mốc son của ngành quân giới Việt Nam, đạn ba-dô-ca đã góp phần bẻ gẫy mũi tiến công của địch ở vùng Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông.

Năm 2019 là năm thứ hai diễn ra Lễ trao giải Trần Đại Nghĩa - Ảnh: BTC

Tiếp theo việc sản xuất ba-dô-ca, trong những năm 1948 – 1949, Trần Đại Nghĩa cùng các đồng nghiệp trong Cục Quân giới nghiên cứu và chế tạo loại súng có sức công phá mạnh là súng không giật SKZ. Đây là dòng vũ khí hiện đại mới xuất hiện lần đầu trong trận quân Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa của Nhật Bản cuối chiến tranh thế giới lần thứ 2. SKZ Việt Nam xuất hiện lần đầu trong trận đánh phố Lu, đánh phá nhiều lô cốt địch.

Từ năm 2016, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa (3 năm/lần) để phát huy tinh thần của GS.VS.Trần Đại Nghĩa - Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) “Đưa trí tuệ Việt Nam vươn lên đỉnh cao của khoa học thế giới”.

Giải thưởng Trần Đại Nghĩa ra đời với mục đích khuyến khích giới khoa học trong cả nước nỗ lực nghiên cứu nhằm đạt được những kết quả khoa học xuất sắc và trực tiếp tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả đó ở Việt Nam; đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước…

GS.TS. Nguyễn Thị Lang - Ảnh: BTC

Là nhà khoa học nữ được vinh danh tại giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2019, GS.TS. Nguyễn Thị Lang (Viện nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL) cho rằng trong hoạt động khoa học, nhà khoa học luôn đứng trước ranh giới của sự kế thừa và sự sáng tạo ra cái mới.

Cụ thể, GS.TS Nguyễn Thị Lang phân tích: “Nếu không biết kế thừa những tinh hoa của quá khứ, chúng ta sẽ không thể tìm ra cái gì mới hơn cho phát triển trong hiện tại. Và nếu chỉ có trân trọng và kế thừa quá khứ mà không hề sáng tạo, chúng ta sẽ hỗ thẹn với tương lai vì không đáp ứng yêu cầu mới luôn luôn phát triển”.

Từ những trăn trở của các nhà khoa học, lãnh đạo Bộ KH-CN cam kết quyết tâm, nỗ lực cao nhất trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Huy động đội ngũ cán bộ KH-CN, tập trung nghiên cứu, sáng tạo vì các mục tiêu, định hướng lớn, giải quyết các bài toán lớn, đồng bộ, tổng thể theo chuỗi giá trị…

Thu Anh

Tôn vinh ba nhà khoa học đạt giải Tạ Quang Bửu 2019​

Các công trình đạt giải Trần Đại Nghĩa đã làm chủ các công nghệ tiên tiến

            
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
30 phút trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kế thừa, phát huy tinh thần khoa học của GS Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa