Hơn 9 tiếng đồng hồ bé Nguyễn Trần Tú Anh (7 tuổi, ngụ ấp Tân An, xã Tân Vĩnh Hiệp, Thị xã Tân Uyên, Bình Dương) mắc kẹt dưới độ sâu hàng chục mét cũng là khoảng thời gian người thợ đào giếng Trần Lê Phương làm việc không ngừng nghỉ.

Kể về giây phút xả thân đưa bé gái trở về từ lòng đất

Một Thế Giới | 08/08/2015, 15:49

Hơn 9 tiếng đồng hồ bé Nguyễn Trần Tú Anh (7 tuổi, ngụ ấp Tân An, xã Tân Vĩnh Hiệp, Thị xã Tân Uyên, Bình Dương) mắc kẹt dưới độ sâu hàng chục mét cũng là khoảng thời gian người thợ đào giếng Trần Lê Phương làm việc không ngừng nghỉ.

Xả thân vì việc nghĩa
Trong cuộc chiến giành lại cô bé Nguyễn Trần Tú Anh từ tay "tử thần" có sự nỗ lực hết mình của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, cơ quan chức năng, người dân trên địa bàn Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trong đó, dư luận đặc biệt ngợi ca sự xả thân, bất chấp tính mạng của 4 người thợ đào giếng được nhờ tới hiện trường. 
Hình ảnh anh Trần Lê Phương (ngụ phường Bình Quới A, thị xã Thuận An, Bình Dương) nhễ nhại mồ hôi, đất cát nằm gục sau khi cứu được bé Tú Anh, thậm chí đã trở thành hình ảnh được tìm kiếm, chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội. Không ít người thậm chí đã đề nghị sự vinh danh xứng đáng cho người thợ đào giếng tốt bụng và cực kỳ dũng cảm này.
Thế nhưng trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Phương khẳng định việc cứu bé Tú Anh xuất phát từ cái tâm trong sáng. Anh Phương xem đây là việc làm hành thiện, tích đức. 
Người thợ đào giếng chia sẻ: "Khi cứu cô bé, mấy anh em tôi chẳng ai kịp suy nghĩ gì cả. Chúng tôi hành động theo bản năng, thấy người ta gặp hoạn nạn mình giúp được thì giúp. 
Cuộc đời có quy luật nhân quả, mình làm điều thiện sẽ tích phúc thiện, với tôi dù giàu nghèo gì không quan trọng cái chính phải sống đúng bản chất. Thực sự bây giờ nghĩ lại dù rất sợ hãi, ảm ảnh về cảnh tượng lúc đó, nhưng chắc chắn tôi vẫn không thay đổi suy nghĩ cứu cháu bé".
Nhớ lại hơn 9 giờ đồng hồ vật lộn, anh Phương bảo từng phút giây trôi qua sẽ còn ám ảnh anh đến hết cuộc đời. Anh kể: Hôm đó khoảng gần 22h, anh đang ngủ say sau một ngày lao động mệt nhọc thì nhận được điện thoại của chú Phan Văn Cam (51 tuổi, ngụ Thị xã Thuận An, công nhân cùng giải cứu cháu Tú Anh) gọi báo có người rớt giếng cần giúp đỡ.
Anh Phương bật dậy khỏi dường, chỉ kịp khoác tạm chiếc áo mỏng chạy tới. Lúc 4 bác thợ đào giếng có mặt tại hiện trường hàng trăm cán bộ, chiến sĩ PCCC, người dân hiếu kỳ đã vây chặt khu đất trống. Bằng bản năng nghề nghiệp, anh Phương nhanh chóng ước lượng được khoảng cách Tú Anh treo lơ lửng so với mặt đất trên dưới 13m. Chiều sâu thông thường mấy anh ít khi tiếp cận.
Người thợ đào giếng hiền lành kể lại: "Lúc đó tôi tính toán khoảng trên 80% cơ hội tiếp cận được cháu bé. Chú Cam, tôi, chú Tám, út Son (hai công nhân tổ đào giếng khác) chẳng ai bảo ai nhanh chóng tháo đồ nghề thực hiện việc đào giếng. 
Dù chiều sâu ban đầu tôi ước lượng là gần 13m nhưng máy múc của đơn vị PCCC đã múc được 6m. Họ không thể múc tiếp vì cần cẩu không tới và đất sập ảnh hưởng đến cháu bé phía dưới. 
Sau khi canh, chỉnh vị trí, chú cháu tôi quyết định đào một cái giếng khác song song với nơi cháu bé rơi xuống để tiếp cận. Giếng mới cách vị trí cũ 20cm. Tôi nghĩ điều này chỉ những thợ giếng như chúng tôi mới có thể tính toán chính xác dù không cần thiết bị định vị. Phần chiều sâu còn lại gần 7m buộc chúng tôi phải đào giếng có đường kính 80cm để đảm bảo oxy khi xuống lòng đất".
Kế hoạch "tác chiến" nhanh chóng được những người thợ lành nghề quyết định. Họ thay nhau hì hục người đào, người xúc đất, đổ đất không ngừng nghỉ. 
Anh Phương kể, hôm đó ở khu vực mất điện, rất nhiều thiết bị đồ nghề hỗ trợ của các anh không sử dụng được. Đặc biệt là khi đào xuốnq sâu việc quạt lò (thiết bị tạo gió, làm tăng oxy) không thể sử dụng nên các bác thợ vô cùng mất sức. 
Điều duy nhất thôi thúc những người công nhân nỗ lực là tiếng kêu cứu ngày càng yếu ớt của cô bé từ bên dưới vọng lên.
be gai
Bé gái khi vừa được đưa lên khỏi giếng sâu
Những tấm lòng nghĩa hiệp
Anh Phương kể: "Chúng tôi vừa đào vừa phải trò chuyên với cô bé. Nghe cháu gọi chú ơi cứu cháu với, cháu chết mất, tay cháu đau lắm..." chúng tôi chỉ biết nuốt nước mắt, quên đi sự mệt nhọc hì hục đào bới. 
Để cháu bé yên tâm, tôi dù không thể thấy cháu nhưng buộc phải nói dối "Cháu cố lên, chú thấy cháu rồi. Chú gần tới rồi, chú sẽ đưa cháu lên trên nhanh thôi". 
Thế nhưng có lúc, chúng tôi quá đuối sức nên buộc phải tráo đổi vị trí cho nhau để người ở dưới lên trên hít thở không khí. 
Trong suốt sự nghiệp, tôi chưa bao giờ phải làm việc với điều kiện thiếu thốn, gấp gáp và nguy hiểm như thế. Điều khiến chú cháu tôi lo lắng nhất là khi tiếng cháu bé ngày một yếu dần. Chúng tôi hạ quyết tâm phải tiếp cận vị trí cô bé nhanh nhất có thể. Trong đầu tôi lởn vởn suy nghĩ nếu điều tồi tệ nhất xảy ra với cháu cũng phải đưa cô bé lên với mẹ".
Để có thể tiếp cận Tú Anh, buộc 4 bác thợ đào giếng phải đào sâu hơn vị trí cô bé mắc kẹt. Theo anh Phương giai đoạn khó khăn, sợ hãi nhất với nhóm thợ là khi họ đào gần đến vị trí song nơi có cháu bé. 
Anh kể "khi ước chừng tôi đã ở vị trí ngang hàng với cô bé, chúng tôi buộc phải thỏa thuận, cân nhắc kỹ lưỡng vì chỉ cần một nhát cuốc sơ sẩy là trúng ngay cháu phía bên kia. Chúng tôi không muốn mình biến từ kẻ cứu người thành hại người. Đây là thời khắc khiến tôi lo sợ nhất. 
Tôi có thương cháu bé đến bao nhiêu cũng không dám đẩy nhanh tốc độ đào. May mắn là mọi tính toán của chú cháu tôi đều chính xác. Khi khoét đổ vách đất giữa hai giếng tôi mừng đến rơi nước mắt bởi cháu bé đang ở phía trên minh".
Ở thời điểm đó, sức khỏe anh Phương gần như suy kiệt. Nhưng anh buộc phải cố gắng dùng dao nhỏ khoét rộng giếng để có thế đứng chắc luồn dây lên người Tú Anh. Anh Phương cho biết: 
"Phải thừa nhận cô bé hết sức thông minh và kiên cường. Kỹ năng sinh tồn của cháu có thể vượt xa những đứa trẻ đồng trang lứa. Bằng chứng là từ những giây thòng lòng cơ quan chức năng thả xuống cháu bằng cách nào đó buộc rất chặt vào hai tay mình. Cô bé cắn răng chịu đựng siết chặt đến tay rỉ máu. Đó là lý do vị trí cháu bé luôn được cố định".
Cuối cùng, sau hơn 3 tiếng đồng hồ hì hục dưới lòng đất anh Phương cùng các cộng sự của mình đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ giải cứu cô gái bé nhỏ. 
Thời điểm Tú Anh và anh Phương được đưa lên mặt đất hàng trăm con người tại hiện trường đồng loạt vỗ tay vang dội. Nhiều người khóc nghẹn vì quá hạnh phúc. Tú Anh được đưa lên xe cấp cứu đợi sẵn. Anh Phương đuối sức ngất xỉu tại chỗ phải nhờ đến sự chăm sóc từ nhân viên y tế. 
Vụ giải cứu cháu bé mắc kẹt dưới giếng sâu thành công ngoài sức tưởng tượng. Nhiều cán bộ công an dày dặn kinh nghiệm thừa nhận đây là sự kiện hi hữu, trong đời họ chưa bao giờ trải qua. Với bốn bác thợ đào giếng lành nghề cũng là lần đầu tiên họ phải làm việc không mong muốn.
Thật đáng trân trọng khi được biết, sáng hôm đó khi anh Phương hồi phục thể lực, tự chạy xe về nhà đã là 3h sáng. Vậy nhưng 7h sáng cùng ngày, anh cùng các đồng nghiệp đã phải bắt tay vào công việc đào giếng mưu sinh quen thuộc. 
Trải lòng về nghề đào giếng, người thợ hiên lành chia sẻ, nghề đào giếng cũng thất thường theo thời tiết, thu nhập bấp bênh, nhưng mọi hiểm nguy luôn rình rập. Chuyện các anh đi làm bị đất đá từ trên rơi vào người gây thương tích, bị ngạt thở vì thiếu oxy... không hiếm. 
Anh Phương theo nghề này đã được 8 năm. Sự phụ anh chính là chú Cam, đồng thời cũng là chú vợ anh. Dù chọn cái nghề đầy cam go, vất vả nhưng thu nhập của những người thợ đào giếng như chú cháu anh Phương chỉ vừa đủ ăn. 
Anh bảo theo nghề nhiều năm nhưng vợ chồng anh chẳng có nổi tiền sửa lại ngôi nhà tuềnh toàng từ thời cha mẹ để lại. Tuy nhiên, ở người công nhân kham khổ đó luôn thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, sẵn sàng cứu giúp người khác khi có thể. 
Thiết nghĩ những tấm lòng như anh Phương, chú Cam, chú Tám, anh Son cần lắm được nhân rộng trong xã hội còn lắm thị phi.
H.H / Gia đình & Xã hội
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kể về giây phút xả thân đưa bé gái trở về từ lòng đất