Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc cải cách các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành mới chỉ đạt kết quả bước đầu ở một số bộ trong một số lĩnh vực (như Y tế, Xây dựng, TN-MT), song vẫn còn quá ít so với yêu cầu và mức độ vào cuộc của các Bộ vẫn còn khác biệt.

Kết quả thực hiện Nghị quyết 19 còn khá xa mục tiêu

08/10/2018, 16:44

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc cải cách các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành mới chỉ đạt kết quả bước đầu ở một số bộ trong một số lĩnh vực (như Y tế, Xây dựng, TN-MT), song vẫn còn quá ít so với yêu cầu và mức độ vào cuộc của các Bộ vẫn còn khác biệt.

Ảnh: Dân Trí

Theo báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ trong quý 3/2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ KH-ĐT cho biết các cơ quan, địa phương đã có một số kết quả nhất định, nhưng nhìn chung còn ít, chưa đậm nét.

Theo đó, các bộ, cơ quan, địa phương hầu hết thực hiện đạt mục tiêu, nhưng khi rà soát thấy rằng nhiều nội dung chưa thực chất. Có trường hợp, báo cáo nêu hành động thực thi chung chung, đôi khi chỉ là lặp lại các nội dung yêu cầu của Nghị quyết, kết quả không rõ ràng.

Hầu hết các bộ trình dự thảo nghị định về cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh đúng hạn. Tuy nhiên, việc thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh mới chỉ đạt 30% so với yêu cầu.

Trong đó, các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tài chính đã tích cực thực hiện nhiệm vụ này, với phương án cắt giảm thực chất. Riêng Bộ Công an không đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh mà đề xuất sửa riêng từng văn bản, nhưng thời hạn thực hiện trong năm 2019, không phải năm 2018.

Bên cạnh đó, Bộ GT-VT không đề xuất xây dựng một văn bản sửa nhiều văn bản mà đề xuất sửa 9 nghị định liên quan.

“Theo báo cáo của các bộ thì hầu hết đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, nội dung cắt giảm và hiệu quả cắt giảm điều kiện kinh doanh là vấn đề cần tiếp tục thảo luận. Ví dụ như: Vẫn còn những điều kiện kinh doanh không phù hợp, không cần thiết, không đạt hiệu quả quản lý”, Bộ KH-ĐT nhận định.

Cùng với đó, các quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ bởi các cơ quan quản lý nhà nước vẫn tồn tại khá phổ biến. Các điều kiện kinh doanh được ẩn dưới quy định “thực hiện theo quy định của bộ quản lý” chưa được cắt bỏ.

Một số nội dung thay đổi thực hiện mang tính hình thức, hơn là mục tiêu vì cải cách, vì doanh nghiệp. Vì vậy, chưa thể hiện được thực chất tinh thần “cắt giảm”. Hơn nữa, nhiều điều kiện kinh doanh nằm trong các văn bản luật và kế hoạch sửa luật chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó, rà soát sơ bộ cũng cho thấy các dự thảo nghị định sửa nhiều nghị định về điều kiện kinh doanh không bổ sung thêm các điều kiện kinh doanh mới, nhưng các dự thảo nghị định sửa đổi riêng từng nghị định thì có bổ sung thêm điều kiện kinh doanh mới.

Theo Bộ KH-ĐT, tình hình và kết quả cải cách quy định về thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ít có sự biến chuyển. Một số văn bản liên quan tới quản lý chuyên ngành được ban hành trong năm nay vừa mới có hiệu lực thi hành không lâu nên cũng chưa thể hiện kết quả cụ thể.

Bộ TN-MT bãi bỏ và đơn giản hóa 38/74 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; bãi bỏ 6 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 11 thủ tục. Còn hầu hết các bộ đang thực hiện ở giai đoạn đề xuất phương án, chưa hiện thực hóa bằng việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, kết quả cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn thấp so với yêu cầu của Chính phủ.

Ngoài ra, Nghị quyết 19 yêu cầu 12 bộ báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành, trong đó có nội dung cắt giảm 50% danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trong quý 3, chỉ có 3 bộ là TN-MT, NN-PTNN, GT-VT) báo cáo về nội dung này.

“Cải cách các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành mới chỉ đạt kết quả bước đầu ở một số bộ (như Y tế, Xây dựng, TN-MT), song vẫn còn quá ít so với yêu cầu và mức độ vào cuộc của các bộ vẫn còn khác biệt. Những vướng mắc trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành như danh mục mặt hàng nhiều, quản lý chồng chéo, quản lý không theo nguyên tắc rủi ro, chi phí kiểm tra chuyên ngành lớn… vẫn đang gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, Bộ KH-ĐT nhận định.

Bộ KH-ĐT đánh giá, kết quả thực hiện Nghị quyết 19 còn khoảng cách tương đối xa so với mục tiêu, nhất là các mục tiêu về cải cách điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành, bởi vậy, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết, đem lại kết quả toàn diện và đồng bộ cần có sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
7 giờ trước Sự kiện
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kết quả thực hiện Nghị quyết 19 còn khá xa mục tiêu