Những điệu phách cầm ca của nghệ nhân Vân Mai sẽ là một điểm nhấn trong buổi khai hội Chợ phiên sách cũ vào ngày 5 và 6.3.2016 tại Đại học Văn hóa Hà Nội.
Một trong những điểm nhấn của chợ phiên sách cũ là sự góp mặt của ca nương – nghệ nhân ưu tú Vân Mai khi bà trực tiếp tham gia biểu diễn và giao lưu cùng độc giả quan tâm về loại hình nghệ thuật truyền thống ca trù. Không chỉ biểu diễn trên chiếu hát, nghệ nhân còn dành thời gian chia sẻ, nói chuyện với khán giả của chợ phiên về cái hay, cái đẹp của nghệ thuật hát ả đào và tổ chức dạy hát ca trù tại chỗ cho những ai yêu ca trù.
Nghệ nhân Vân Mai được nhà nước vinh danh trong việc lưu giữ những điệu hát truyền thống
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Vân Mai - chủ nhiệm giáo phường "Bích câu đạo quán" vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT từ năm 2015, danh hiệu cao quý tôn vinh và tri ân bước đường hoạt động nghệ thuật của bà. Được biết đến là nghệ nhân thể hiện thành công nhất điệu hát ca trù đã thất truyền cách đây 70 năm, ca khúc Non mai hồng hạnh, nhưng có lẽ ít ai biết được rằng, bà là nghệ nhân “tay ngang” với loại hình nghệ thuật này. Bà tìm đến với ca trù ở tuổi không hẳn là còn trẻ và chủ yếu thời gian tập luyện là tự mày mò học qua băng đĩa bởi khi muốn tầm sư học đạo về bộ môn này, thì tiếc thay ca nương Quách Thị Hồ qua đời, chưa kịp truyền dạy gì nhiều; cụ Châu Doanh Đinh Thị Hảo thì đã quá già, không muốn nhận thêm học trò nữa.
Các bạn trẻ háo hức tham gia hội chợ sách cũ tại Đại học văn hóa Hà Nội
Theo chia sẻ của nghệ nhân, muốn trở thành người hát ca trù (theo đúng nghĩa) thì cần phải có chất giọng đẹp: vang rền, nền nảy, khỏe và còn “nguyên thủy” - chưa qua trường lớp đào tạo nào là rất quan trọng. Để làm được điều này không phải dễ dàng và nhất thiết phải kiên trì trải qua một quá trình tập luyện lâu dài. Rung giọng, nghĩa là thả hơi từ trong bụng lên mũi một cách tự nhiên. Nảy hột (hạt), là phải vận dụng cách lấy hơi bụng và nhả chữ bằng hơi bụng. Lấy hơi đã khó, thở bằng miệng, thở ra mũi đã khó, cái khó nhất là nín, lấy từ hơi bụng thổi ra mũi, phải nảy hột bằng mũi.Hơn nữa, gõ phách cũng là “bài tập” có thể nói là khó nhấtbởi trước khi vào gõ phách thì phải thuộc lầu ca đàn. Vì năm khổ đàn cũng là năm khổ phách. Có thể nói, người gõ phách cũng y hệt như một người nhạc công vậy. Vận dụng bí quyết gõ phách mới giòn, muốn giòn thì phách phải có gân. Mà muốn gõ gân phách thì phải trải qua một quá trình gian truân nếu không muốn nói là đau đớn. Muốn gõ được gân phách thì phải đập thẳng cánh tay xuống, dùng gân của cánh tay đánh thẳng xuống phách. Như vậy, có thể thấy quá trình khổ luyện của đào nương thực sự vất vả, gian nan và bền bỉ không ngừng.
Những làn điệu ca trù được nghệ nhân Vân Mai thể hiện gửi đến giới trẻ lưu giữ "hồn cốt" dân tộc
Cho tới nay, đào nương Vân Mai vẫn miệt mài với con đường ca trù mà mình lựa chọn. Với tâm nguyện muốn truyền lại tiếng hát truyền thống một cách chuẩn xác nhất cho lớp trẻ, bà càng nỗ lực hơn để hoàn thiện tiếng hát của mình. Và Bích câu đạo quán của bà ra đời, góp thêm một địa chỉ sinh hoạt cho những người yêu thích các bộ môn nghệ thuật dân tộc. Bởi bà mong muốn những sênh phách ấy được lưu truyền mãi mãi cho hậu thế, để ngày càng có thêm những học viên mong muốn trở thành đào nương, góp thêm tiếng ả đào dặt dìu ấy cho cuộc đời.
Với sự tham gia biểu diễn tại Chợ phiên sách cũ lần này, có thể nói là nghệ nhân ưu tú Vân Mai đã rất ưu ái, bởi bà rất muốn đem nét văn hóa cổ truyền dân tộc ấy đến được với nhiều người hơn, nhất lại là trong không gian sách cũ như vậy. Và độc giả, khán giả, hãy tranh thủ dịp vui này, để thêm một lần nữa được trải nghiệm những nét bản sắc, tinh hoa ấy.
Ngoài việc tham gia giao lưu với nghệ nhân ưu tú Vân Mai biểu diễn ca trù, độc giả khi đến với Chợ phiên sách cũ sẽ được hòa mình vào các gian hàng sách với hàng tấn sách cũ được đem ra hội chợ, được chiêm ngưỡng nghệ thuật viết thư pháp và tham gia vào các hoạt động giải trí khác.
Minh Khuê