Một cụ bà 85 tuổi ở TP.HCM sau khi ăn xoài đã được người nhà chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng trạng lơ mơ, khó thở nguy kịch, đe dọa đến tính mạng.
Thông tin Y học

Bị nghẹn khi ăn xoài, cụ bà 85 tuổi ở TP.HCM phải cấp cứu

Bình Thuận 15/04/2025 10:20

Một cụ bà 85 tuổi ở TP.HCM sau khi ăn xoài đã được người nhà chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng trạng lơ mơ, khó thở nguy kịch, đe dọa đến tính mạng.

Sáng 15.4, bác sĩ Phan Tôn Quyền - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho hay vừa kịp thời cứu sống một cụ bà 85 tuổi bị nguy kịch sau khi ăn xoài.

sau-khi0an-xoai-cu-ba-85-tuoi-o-o-tphcm-bi-nguy-kich-hinh-anh.png
Cụ bà đang được điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất - Ảnh: PV

Theo người nhà cụ bà H.T.N (85 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM), sau khi ăn xoài, cụ có triệu chứng khó thở và được đưa đến một bệnh viện trên địa bàn. Tại đây, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu ban đầu, thực hiện thủ thuật Heimlich để tống dị vật, nhưng không thành công, bóp bóng qua mask và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Thống Nhất.

“Lúc vào cấp cứu, bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, khó thở nguy kịch, đe dọa đến tính mạng”, bác sĩ Quyền cho biết.

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất đã nhanh chóng đặt nội khí quản, chuyển bệnh nhân đến khoa Hồi sức tích cực chống độc. Các bác sĩ tại đây đã tiến hành nội soi phế quản, phát hiện một miếng xoài nằm ở phế quản gốc bên trái. Bệnh nhân được chẩn đoán bị dị vật đường thở, xẹp phổi trái và tăng huyết áp.

“Dị vật sau đó được lấy ra thành công. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã được rút nội khí quản. Bệnh nhân đang thở oxy mũi, dự kiến có thể xuất viện trong 1 đến 2 ngày tới”, bác sĩ Quyền thông tin.

Theo bác sĩ Quyền, những người cao tuổi, trẻ nhỏ, người suy giảm ý thức, hoặc có rối loạn chức năng nuốt rất dễ bị hóc dị vật đường thở. Hóc dị vật đường thở xảy ra phổ biến ở hầu hết mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi. Tình trạng này cần được sơ cứu khẩn cấp vì gây nhiều biến chứng nghiêm trọng ở đường hô hấp, thậm chí dẫn đến tử vong. Phương pháp điều trị và theo dõi khác nhau tùy vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, vật chất người bệnh hít phải và nguyên nhân bệnh lý dẫn đến hóc dị vật đường thở.

“Cha mẹ không nên để trẻ nhỏ tiếp xúc với các vật thể nhỏ dễ gây hóc; tránh cho trẻ ngậm đồ chơi, đưa vật lạ vào mũi hoặc miệng. Khi ăn uống, nên nhai kỹ, không cười đùa để hạn chế nguy cơ dị vật rơi vào đường thở. Khi xảy ra tình trạng hóc dị vật, người bệnh phải được sơ-cấp cứu đúng cách, gọi cấp cứu ngay để được hỗ trợ”, bác sĩ Quyền khuyên.

Bài liên quan
Cứu sống cả mẹ lẫn con nữ Việt kiều Canada thụ tinh ống nghiệm bị tiền sản giật nguy kịch
Sau khi thụ tinh trong ống nghiệm thành công, nữ Việt kiều Canada mang song thai. Đến tuần thứ 35 của thai kỳ, bệnh nhân bị tiền sản giật - Hội chứng HELLP, suy đa tạng và rơi vào tình trạng nguy kịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chỉ đạo: Phải chuyển giao và làm chủ công nghệ đường sắt hiện đại
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Về phát triển công nghiệp đường sắt, Thủ tướng nhấn mạnh phải chuyển giao và làm chủ công nghệ hiện đại, quản trị khoa học, thông minh, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị nghẹn khi ăn xoài, cụ bà 85 tuổi ở TP.HCM phải cấp cứu