Sáng 5.10, Hội nghị Trung ương 13 được khai mạc tại Hà Nội. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nội dung chương trình hội nghị lần này bao gồm những vấn đề rất cơ bản và hệ trọng.
Tại hội nghị này, Trung ương thảo luận, cho ý kiến, xem xét về: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; việc tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng; công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chào mừng các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đại biểu tham dự hội nghị.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nhiệm kỳ Đại hội 12 sắp kết thúc, các tổ chức đảng đã hoàn thành đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, đã và đang tiến hành đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng; cả nước đang phát huy những kết quả quan trọng đã đạt được, vừa tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiểm soát đại dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nghị quyết Đại hội 12 của Đảng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020.
“Nội dung chương trình hội nghị lần này bao gồm những vấn đề rất cơ bản và hệ trọng. Đề nghị các đồng chí Trung ương dành thời gian tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Đề cập tới công tác nhân sự, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, từ cuối tháng 12.2018 đến tháng 9.2020, sau khi Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến, trên cơ sở đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, Bộ Chính trị đã 4 lần phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương với tổng số 227 người.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo mở 5 lớp bồi dưỡng kiến thức và Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã gửi thư đến các Uỷ viên Trung ương khóa 12 đề nghị từng người đề xuất ý kiến về cá nhân mình và giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thay thế mình.
Trên cơ sở đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, Bộ Chính trị đã họp thông qua cơ cấu và nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa 13. Căn cứ quyết định của Bộ Chính trị, Tiểu ban Nhân sự đã thông báo cho các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức việc giới thiệu nhân sự.
Tính đến ngày 20.8.2020, đã có 116/116 địa phương, cơ quan, đơn vị giới thiệu 119 Uỷ viên Trung ương khóa 12 (cả chính thức và dự khuyết) tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa 13; 107 người lần đầu tham gia Uỷ viên chính thức và 44 người tham gia Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa 13.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, nhìn chung việc tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương đã được các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc, cơ bản bảo đảm tiến độ, đúng quy trình, hướng dẫn của Tiểu ban Nhân sự.
Tiểu ban Nhân sự đã chỉ đạo 10 cơ quan chức năng và địa phương liên quan tiến hành thẩm định, kiểm tra, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện đối với các nhân sự đã được giới thiệu (bao gồm nhân sự tái cử và nhân sự tham gia lần đầu).
Trên cơ sở phương hướng và quy trình công tác nhân sự đã được Trung ương thông qua, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, xem xét một cách khách quan, công tâm, toàn diện, thảo luận kỹ lưỡng dự kiến danh sách giới thiệu ứng cử Uỷ viên Trung ương Đảng khóa 13 (bao gồm danh sách tái cử và danh sách tham gia lần đầu). Bộ Chính trị trình Trung ương kết quả giới thiệu nhân sự của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và ý kiến của Bộ Chính trị về các nhân sự được giới thiệu.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 phải bám sát phương hướng công tác nhân sự Đại hội 13, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương trên các địa bàn, lĩnh vực công tác có cơ cấu Uỷ viên Trung ương khóa 13; đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương, nhất là ở những lĩnh vực trọng yếu, địa bàn phức tạp, trọng điểm; đồng thời, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng trước mắt cũng như lâu dài.
Bên cạnh đó, khi xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng; phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ là chính nhưng cũng cần quan tâm, chú ý đến cơ cấu hợp lý, cân đối giữa các địa bàn, lĩnh vực công tác và các khối; giữa Trung ương và địa phương; cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và yếu tố vùng miền hợp lý...
Tuy nhiên, không vì cơ cấu, số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn. Bảo đảm dân chủ, công bằng, công tâm, khách quan, minh bạch; kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện công tác nhân sự, gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị các Ủy viên Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát Phương hướng và Quy trình công tác nhân sự, nghiên cứu kỹ danh sách giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khóa 13 để thảo luận, cân nhắc, lựa chọn kỹ trước khi ghi phiếu biểu quyết.
Theo chương trình dự kiến, hội nghị diễn ra từ ngày 5-10.10.