Tối 25.11, tại quảng trường Bạch Đằng, phường 2 (TP.Sóc Trăng), UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức khai mạc Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023 với chủ đề “Sóc Trăng - Khát vọng vươn xa”.

Khai mạc Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023

Lương Xuân Cao- Văn Kim Khanh | 25/11/2023, 22:50

Tối 25.11, tại quảng trường Bạch Đằng, phường 2 (TP.Sóc Trăng), UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức khai mạc Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023 với chủ đề “Sóc Trăng - Khát vọng vươn xa”.

st-c.jpg
Chương trình văn nghệ khai mạc lễ hội - Ảnh: Lương Xuân Cao

Chương trình lễ khai mạc gồm 2 nội dung lớn: phần lễ và phần chương trình nghệ thuật. Phần lễ có hoạt động trao bảng công nhận Kỷ lục Việt Nam bức tranh ghép chủ đề Cây lúa Sóc Trăng xưa và nay làm từ gạo ST25 lớn nhất Việt Nam và tri ân nhà tài trợ. Phần chương trình nghệ thuật với chủ đề Mùa trăng hạnh phúc gồm 2 chương: Chương 1: "Mùa trăng hạnh phúc" thể hiện niềm vui, hạnh phúc của người Khmer và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong mùa lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo; Chương 2: "Hướng tới tương lai" thể hiện khát vọng và niềm tin về một Sóc Trăng giàu đẹp, ấm no, hạnh phúc.

st-a.jpg
Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu khai mạc lễ hội - Ảnh: Lương Xuân Cao

Phát biểu tại buổi lễ, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng ban tổ chức lễ hội, cho biết: "Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023 này, ngoài yêu cầu tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc khmer, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc để cùng phát triển. Tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng những hoạt động trong khuôn khổ lễ hội lần này sẽ để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng quý đại biểu và du khách gần xa; thông qua giao lưu văn hóa, kết nối giao thương, kích cầu du lịch, để mọi người thêm hiểu, thêm yêu vùng đất, con người Sóc Trăng. Đồng thời cũng mong đợi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ về với Sóc Trăng tìm kiếm cơ hội đầu tư, để cùng hợp tác và phát triển.

st-d(2).jpg
Xác lập kỷ lục bức tranh gạo lớn nhất Việt Nam - Ảnh: Lương Xuân Cao

Tại Lễ hội lần này, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm mua sắm hàng hóa, sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh, thành phố trong cả nước tại hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền; thưởng thức các món ăn trong Liên hoan Ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng”. Đặc biệt là tham quan, thưởng lãm bức tranh được làm từ gạo ST25, niềm tự hào của nông nghiệp Sóc Trăng. Đây là 1 trong nhiều hoạt động độc đáo nằm trong chuỗi sự kiện của Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023.

Trước đó, sáng ngày 25.11, các đội tham gia giải đua ghe ngo đã tiến hành bốc thăm chia bảng đấu. Theo đó, giải đua lần này có 46 đội ghe ngo (40 đội nghe ngo nam và 6 đội nghe ngo nữ) đăng ký tham gia đến từ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ và chủ nhà Sóc Trăng.

Ở nội dung đua ghe ngo nam, 40 đội chia làm 10 bảng, 1 bảng có 4 đội. Các đội thi đấu vòng tròn một lượt để chọn 32 đội đi tiếp vào giai đoạn 2, theo phương thức bảng 4 đội, chọn 3 đội ở vị trí nhất, nhì, ba. Còn ở nội dung nữ chia làm 2 bảng, mỗi bảng 3 đội ghe, thi đấu vòng tròn một lượt để chọn 4 đội đi tiếp vào giai đoạn 2, thi đấu chọn 3 đội nhất, nhì, ba.

dua-ghe-ngo-2.jpg
Cảnh đua ghe ngo năm 2022 - Ảnh:  Lương  Xuân Cao

Cơ cấu giải thưởng năm nay cao hơn so với các năm trước. Cụ thể, ở nội dung thi đấu nam (cự ly 1.200 mét), giải nhất 200 triệu đồng; giải nhì 150 triệu đồng; giải ba 100 triệu đồng và giải tư 80 triệu đồng.

Ở nội dung thi đấu nữ (cự ly 1.000 mét), giải nhất là 150 triệu đồng; giải nhì 100 triệu đồng; giải ba 80 triệu đồng và giải tư 50 triệu đồng. Ngoài ra, còn có giải thưởng dành cho các đội nhất bảng, nhì bảng và chiến thắng qua từng vòng đấu.

Để động viên tinh thần của các đội đua, UBND tỉnh Sóc Trăng đã quyết định hỗ trợ cho mỗi đội 30 triệu đồng.

Giải đua ghe ngo sẽ khai mạc vào lúc 11g30 phút ngày 26.11, tại Khán đài đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng (phường 8, TP.Sóc Trăng).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khai mạc Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023