Tính toán, giá thành đầu tư cho một mét khoan giếng là 1.222.000 đồng, thấp hơn một nửa chi phí so với giá trung bình 1 mét giếng khoan thi công bằng công nghệ tuần hoàn thuận (2.488.000 đồng).
Một báo cáo khoa học mới đây của tác giả Trần Văn Chung, liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Nam, cho biết: việc áp dụng công nghệ khoan tuần hoàn ngược trong thi công các giếng khoan khai thác nước với quy mô công nghiệp đã tạo ra được các sản phẩm có chất lượng cao, giảm các chi phí vật tư, năng lượng hơn so với phương pháp khoan tuần hoàn thuận phổ biến hiện nay.
Công nghệ khoan tuần hoàn ngược sử dụng cả nước và khí như là dung dịch khoan.
Theo báo cáo, thực nghiệm ở nhiều công trình lớn khác nhau cho thấy, các giếng khoan được thi công bằng phương pháp tuần hoàn ngược tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm giá thành khoan, giá đầu tư ban đầu cho giếng và giá khai thác nước sau đó.
Tính toán, giá thành đầu tư cho một mét khoan giếng là 1.222.000 đồng, thấp hơn một nửa chi phí so với giá trung bình 1 mét giếng khoan thi công bằng công nghệ tuần hoàn thuận (2.488.000 đồng).
Với công suất thi công 630 m3/h, công nghệ này đã tiết kiệm đầu tư được hơn 2 tỉ đồng (tiết kiệm 3.506.000 đồng/ 1m3/h).
Thực nghiệm còn cho thấy, công nghệ khoan tuần hoàn ngược đặc biệt hiệu quả với những tầng chứa nước rất nông, thành phần hạt chủ yếu là cuội sỏi nên các phương pháp khoan thông thường gặp rất nhiều khó khăn khi thi công và hiệu suất giếng rất thấp.
Thực tế, việc thiết kế và phương pháp thi công các giếng khoan khai thác nước dưới đất có ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu suất khai thác cũng như tuổi thọ của giếng. Ở Việt Nam, hầu hết các giếng khoan khai thác nước quy mô công nghiệp đều được khoan bằng phương pháp khoan tuần hoàn thuận thông thường.
Khi khoan bằng phương pháp khoan tuần hoàn thuận, độ nhớt và vận tốc dâng lên của dung dịch khoan là những yếu tố quyết định hiệu quả rửa sạch mùn khoan tại đáy lỗ khoan.
Tuy nhiên, do bị giới hạn về công suất của máy bơm dung dịch nên hiệu quả rửa sạch mùn khoan của hầu hết các máy khoan rôto tuần hoàn thuận bị giới hạn trong các lỗ khoan có đường kính từ 550mm trở lên, trong khi đường kính lỗ khoan này nhiều khi chưa phù hợp với các giếng khai thác nước có công suất lớn, đặc biệt là các giếng được bọc sỏi.
Hơn nữa khi tăng đường kính lỗ khoan thì tốc độ khoan của các máy tuần hoàn thuận giảm đáng kể.
L.Quỳnh