Xuất khẩu khẩu trang như một “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế ảm đạm mùa dịch COVID-19. Tuy nhiên, mặt hàng này cũng đang bị ách tắc, không thể xuất khẩu vì trong nước chưa mua đủ dự trữ.

Khẩu trang 'tắc' đường ra nước ngoài

25/04/2020, 06:55

Xuất khẩu khẩu trang như một “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế ảm đạm mùa dịch COVID-19. Tuy nhiên, mặt hàng này cũng đang bị ách tắc, không thể xuất khẩu vì trong nước chưa mua đủ dự trữ.

Khẩu trang vải, khẩu trang y tế hiện đang gặp khó trong việc xuất khẩu ra nước ngoài - Ảnh: Internet

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại cuộc họp sau giai đoạn giãn cách xã hội chiều 24.4, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết xuất khẩu khẩu trang vải và khẩu trang y tế được xem như một “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế ảm đạm hiện nay. Tuy nhiên, mặt hàng này hiện đang chịu ách tắc, mắc phải điểm nghẽn lớn.

Cụ thể, ông Hoài cho biết năng lực sản xuất khẩu trang y tế của các doanh nghiệp hiện khoảng chục triệu chiếc một ngày, nhưng có vướng mắc do hoạt động mua dự trữ phục vụ phòng dịch của ngành y tế nên gây ách tắc toàn bộ hoạt động xuất khẩu mặt hàng này. Cụ thể, trong 60 triệu chiếc khẩu trang y tế cần dự trữ cho phòng dịch thì hiện mới mua được 46 triệu chiếc. Còn 14 triệu chiếc chưa mua được, khiến toàn bộ số khẩu trang hiện nay bị "tắc", ảnh hưởng tới sản xuất của doanh nghiệp.

Vì vậy, lãnh đạo Cục Công nghiệp kiến nghị cần nhanh chóng gỡ khó để giải tỏa cho doanh nghiệp. Đối với lượng khẩu trang y tế cần mua dự trữ, cần mua theo cơ chế đấu thầu để đảm bảo minh bạch. Sau khi mua đủ 14 triệu khẩu trang y tế phục vụ dự trữ thì cho phép doanh nghiệp xuất khẩu không giới hạn.

Tương tự, với khẩu trang vải, số lượng xuất khẩu là 27 triệu chiếc, hiện tại tồn kho 20 triệu chiếc tại 20 doanh nghiệp. Trong khi đó, năng lực sản xuất hiện nay có thể đạt tới 11 triệu chiếc/ngày.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận sẽ lãng phí nếu năng lực sản xuất của doanh nghiệp lớn mà vì lý do khách quan bị ách tắc đầu ra. Bộ trưởng cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép đẩy mạnh xuất khẩu khẩu trang trên cơ sở đề nghị ngành này đẩy nhanh quá trình mua dự trữ.

Trong khi đó, Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất hai phương án để vừa đảm bảo cung ứng khẩu trang dự trữ phục vụ trong nước song vẫn tận dụng được thời cơ.

Phương án 1: Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế để có thể đảm bảo đủ nguồn cung ứng cho dự trữ trong nước trong tháng 5 hay không. Trường hợp có thể đảm bảo thu mua đủ số lượng khẩu trang y tế theo nhiệm vụ được giao trong tháng 5, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Y tế trình Chính phủ cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu khẩu trang y tế mà không hạn chế số lượng, không bị ràng buộc về điều kiện xuất khẩu.

Phương án 2: Trường hợp thực hiện theo phương án đã được Bộ Y tế đề xuất tại dự thảo Tờ trình báo cáo Chính phủ, Bộ Y tế có văn bản xác nhận số lượng khẩu trang y tế được phép xuất khẩu của từng doanh nghiệp làm cơ sở cho cơ quan hải quan theo dõi khi thực hiện thủ tục hải quan.

Đồng thời, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm nội dung trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được xuất khẩu khẩu trang y tế dưới hình thức quà biếu, quà tặng (trường hợp cần hạn chế xuất khẩu thì Bộ Y tế quy định số lượng cụ thể).

Vừa qua, Văn phòng chính phủ đã có Thông báo số 155/TB-VPCP ngày 15/4/2020 về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, Thủ tướng đồng ý xuất khẩu khẩu trang y tế, trang phục phòng hộ, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch theo nguyên tắc bảo đảm cho nhu cầu trong nước (kể cả dự trữ) và chỉ xuất khẩu cho các nước bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh…

Ông Trương Thanh Hoài cũng bày tỏ lo ngại về việc các ngành sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn lớn về thị trường. Ông cho biết, trong tháng 4, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành điện tử, dệt may, da - giày gặp nhiều khó khăn trong việc lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa và tổ chức sản xuất do các biện pháp cách ly của các tỉnh, thành phố.

Đến cuối tháng 4, các khó khăn đối với thị trường xuất khẩu của các ngành dệt may, da - giày, điện tử, sản xuất đồ gỗ về cơ bản vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện khi các quốc gia châu Âu và Mỹ chưa có dấu hiệu kiểm soát được dịch bệnh.

Lãnh đạo Cục Công nghiệp dự báo chỉ số sản xuất công nghiệp của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 4 sẽ sụt giảm so với tháng 3 và giảm khá sâu so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ về việc dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, trong quý 1/2020, xuất khẩu hàng hóa sang nhiều thị trường đã bị sụt giảm đáng kể. Do đó, ông Chinh khuyến nghị cần có các chương trình xúc tiến thương mại, thậm chí là đẩy mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn vượt qua giai đoạn khó khăn; trong đó tập trung vào các vấn đề về lao động và việc làm.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khẩu trang 'tắc' đường ra nước ngoài