Xin nói về nghi án “đồng tính” từng gây chấn động một thời của nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu. Trong đó có nhắc đến “tình trai” giữa Nhà thơ Xuân Diệu và nhà thơ Hoàng Cát.

Khi chàng trai trong thơ tình của Xuân Diệu lên tiếng

Một Thế Giới | 02/04/2015, 09:31

Xin nói về nghi án “đồng tính” từng gây chấn động một thời của nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu. Trong đó có nhắc đến “tình trai” giữa Nhà thơ Xuân Diệu và nhà thơ Hoàng Cát.

Sau thời gian trị bệnh, nhà thơ Hoàng Cát đã khỏe trở lại và lên tiếng về mối “tình trai” nổi tiếng như sau: Tôi không yêu Xuân Diệu giống như kiểu trai gái yêu nhau…”. Để tìm hiểu thêm về sự thật đằng sau mối “tình trai” này, chúng tôi xin lật lại nghi án chấn động làng văn này.

Hé lộ “tình trai” với Hoàng Cát

Nhà thơ Xuân Diệu (2/2/1916 - 18/12/1985) là một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam. Ông nổi tiếng từ phong trào Thơ mới với tập thơ Thơ và Gửi hương cho gió. Những bài được yêu thích nhất của Xuân Diệu là thơ tình làm trong khoảng 1936 -1944, thể hiện một triết lý bi quan, tuyệt vọng về tình ái nhưng lại có một mạch ngầm thúc giục, nhiều khi hừng hực sức sống. Nhờ đó, ông được mệnh danh là "ông hoàng thơ tình", ông từng được Hoài Thanh và Hoài Chân đưa vào cuốn Thi nhân Việt Nam (1942).

Mặc dù Xuân Diệu đã lập gia đình riêng một lần với NSND Bạch Diệp, nhưng hai người đã ly dị và họ không có con chung. Sau khi ly dị ông sống độc thân cho đến lúc mất vào năm 1985. Xuân Diệu là người cùng quê Hà Tĩnh với Huy Cận (làng Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) nên khi gặp nhau, hai ông đã trở thành đôi bạn thân. Vợ của Huy Cận, bà Ngô Thị Xuân Như là em gái của Xuân Diệu. Có người cho rằng Xuân Diệu cùng với Huy Cận là hai nhà thơ đồng tính luyến ái. Huy Cận và Xuân Diệu từng sống với nhau nhiều năm. Những bài thơ "Tình trai", "Em đi" của Xuân Diệu và "Ngủ chung" của Huy Cận được cho là viết về đề tài đó. Theo hồi ký“Cát bụi chân ai” của Tô Hoài thì Xuân Diệu từng bị kiểm điểm về việc này.

Thế nhưng, mối "tình trai" với nhà thơ Hoàng Cát, một nhân chứng sống mới được dư luận chú ý, quan tâm hơn cả. Bởi có thời điểm, Xuân Diệu đã dành những vần thơ đầy cô đơn sau sự chia lìa: "Từ nay anh lại trên đời/ Bữa cơm lại với một đôi đũa cầm/ Giường kia một chiếu anh nằm/ Phòng văn một bóng đăm đăm sớm chiều/ Muôn ngàn cảm tạ em yêu/ Chất cho anh được bao nhiêu ân tình/ Cho hay anh đã để dành/ Nén hương một thuở thơm thanh suốt đời/ sống bằng nhớ lại nguồn vui/ Nhớ khi ôm cả đất trời cùng em". Những tưởng đó là lời thơ tạ từ, thể hiện nỗi buồn chỉ còn lại một mình thi sĩ đơn côi sau khi chia tay với người vợ duy nhất là Bạch Diệp. Nhưng sau đó, người ta lại cho rằng khúc thương tâm đó không phải dành cho Bạch Diệp, mà dành cho một người đàn ông tên Hoàng Cát. Đó là một nhà báo trẻ, điển trai rất yêu thơ Xuân Diệu và còn là người em nuôi của Xuân Diệu.

Theo nhiều nguồn tư liệu, khi Hoàng Cát đi vào chiến trường miền Nam, Xuân Diệu có nhiều bài thơ tiễn Hoàng Cát, trong đó có những câu như: "Bốn năm, nhưng cũng qua mau/ Cõi trần ai được ở lâu thiên đường/ Giã từ, từ biệt, đôi phương/ Đôi nơi, đôi ngả, đôi đường, khổ anh/ Bốn năm lại khép trời xanh/ Nhớ em như một mộng lành mà thôi...". Đúng là kể từ ngày họ quen nhau cho đến lúc Hoàng Cát đi chiến trường là đúng bốn năm.

Nhưng có lẽ điển hình nhất thể hiện niềm yêu mến, cảm nhớ của Xuân Diệu với Hoàng Cát là bài“Em đi” viết vào đêm ngày 11/7/1965 với đề tặng cho Hoàng Cát ở phía dưới:

Em đi, để tấm lòng son mãi

Như ánh đèn chong, như ngôi sao

 Em đi, một tấm lòng lưu lại

Anh nhớ thương em, lệ muốn trào.

Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga

 Chưa chi ta đã phải chia xa!

Nụ cười em nở, tay em vẫy

 Ôi mặt em thương như đóa hoa.

Em hỡi! Đường kia vướng những gì

Mà anh mang nặng bước em đi!

Em ơi, anh thấy như anh đứng

Ôm mãi chân em chẳng chịu lìa.

 Nhưng bóng em đi đã khuất rồi

Đứt lìa khúc ruột của anh thôi!

Tình ta như mối dây muôn dặm

Buộc mãi đôi chân, dẫu cách vời

Em hẹn sau đây sẽ trở về

Sống cùng anh lại những say mê...

Áo chăn em giữ cho anh giữ

Xin gửi cùng em cả hẹn thề!

Một tấm lòng em sâu biết bao

Để anh thương mãi, biết làm sao!/

Em đi xa cách, em ơi Cát

Em chớ buồn, nghe! Anh nhớ yêu...".

Được biết, lần đầu tiên Xuân Diệu và Hoàng Cát gặp nhau là năm 1958, khi ấy Hoàng Cát mới 17 tuổi, trâu bị lạc, anh đang chạy đi tìm thì gặp Xuân Diệu ngồi nghỉ dưới tán cây giữa cánh đồng làng anh. Lúc ấy Xuân Diệu đang trong chuyến đi thực tế về Nghệ An, tay cầm cặp bánh chưng, anh cho Hoàng Cát một cái bánh. Nhà văn Nguyễn Quang Lập trong bài viết về Hoàng Cát- chuyện văn, chuyện đời có ghi: "Có một người nữa khi đang vui hễ ai nhắc đến là mặt Hoàng Cát cũng đờ ra, đó là Xuân Diệu. Ai cũng biết Hoàng Cát và Xuân Diệu là anh em kết nghĩa nhưng quan hệ của họ đã vượt quá tình anh em, đạt đến cái gọi là tình yêu, có lẽ điều này thì nhiều người không biết". Sau buổi gặp gỡ trên cánh đồng làng ở khúc ruột miền Trung, Hoàng Cát và Xuân Diệu trở nên thân thiết nhau. Nhà văn Nguyễn Quang Lập viết: "Từ đó anh em thân nhau, rồi yêu nhau, chính xác chỉ có Xuân Diệu yêu Hoàng Cát, còn Hoàng Cát suốt cả đời mình chỉ biết thương Xuân Diệu, thương đến vô cùng. Thương quá hóa chiều, Hoàng Cát chỉ chiều yêu Xuân Diệu mà thôi... Và Hoàng Cát khóc, nước mắt chan chứa, vừa khóc vừa đọc bài thơ Xuân Diệu viết tặng anh 45 năm về trước, ngày anh lên đường nhập ngũ. Anh nói: Ây, tau không yêu Xuân Diệu theo kiểu trai gái yêu nhau, ầy, nhưng mà tau thương, thương lắm bay nờ...". Rồi Nguyễn Quang Lập hỏi: "Xuân Diệu có yêu anh không thì Hoàng Cát nói yêu chớ, Xuân Diệu yêu tau thiệt mà, yêu lắm mi nờ”.

Gặp lại nhân vật “em” trong “Tình trai”

Để tìm hiểu rõ về nghi án mối "tình trai" này, chúng tôi đến thăm nhà thơ Hoàng Cát khi biết ông đã về điều trị tại gia sau 5 đợt xạ trị hóa chất chữa căn bệnh ung thư hạch cổ. Đầu ông tóc đã rụng sạch nhẵn, nhưng cái cổ đã nhẹ nhõm hơn chứ không còn sưng như ngày mới phát hiện cơn bạo bệnh. Ông cười, giọng vẫn trầm ấm như ngày nào: "Khổ thế đấy, bây giờ có cọng tóc nào là rụng sạch, cái loại hóa chất này có tác dụng chặn đứng bệnh lại ngay nhưng cũng hại lắm...".

Rồi ông khoe đã tìm được một loại thuốc tuyệt vời, có công dụng diệt tế bào ung thư gấp 10.000 lần truyền hóa chất mà lại không gây tác dụng phụ như rụng tóc, nôn mửa, đó là nước ép quả mãng cầu xiêm. Nói rồi ông lắp chân giả, khập khiễng đi lại lấy siêu nước rót mời tôi một cốc, thứ thuốc thần kỳ mà với ông, trời Phật đã chỉ đường để ông gặp được. Câu chuyện của chúng tôi chậm rãi, có lúc là những khoảng trống lặng thinh, bởi có quá nhiều những thăng trầm, bể dâu trong suốt 71 năm cuộc đời mà nhà thơ thương binh này đã gặp.

Bệnh tình của ông cũng đã đỡ nhiều. Đợt trước, ông ăn uống kém nhưng giờ đã thấy ngon miệng hơn. Hôm nọ có người gửi tặng ông một chai nước mắm ngon. Chỉ ăn cơm với nước mắm mà được hai bát. Hồi nhỏ, lúc Hoàng Cát còn đi học, đã phải chịu nhiều thiệt thòi. Với lý lịch "đen thui" gia đình là địa chủ, ông không được kết nạp Đoàn, học đại học không được đành phải chọn trường Trung cấp cơ khí, đến khi đi bộ đội cũng phải 8 lần viết đơn xin mới được đi B.

Và vào mồng 2 Tết năm Kỷ Dậu (1969), ông làm đội trưởng, dẫn một tổ quân khí của Đoàn 4 vào cánh Bắc Quảng Nam để học cách chế tạo mìn bay của quân và dân Quân khu 5. Học xong, sản xuất thử tốt rồi, định trở về đơn vị ở Phú Lộc, thì bất ngờ địch rải bom B52 trúng công xưởng. Hoàng Cát bị bom hất tung lên rồi rơi xuống một sườn đồi. Chân trái nát như một cái bắp cải bị đập dập... 27 tuổi đã bị thương, một chân bị bom dập nát.

Khi vết thương đã ổn định, Hoàng Cát được anh em đồng đội cáng dần ra Bắc. Nhưng vừa cáng rời khỏi bệnh xá một ngày thì gặp một trận càn rất lớn của địch. Chiến sĩ tên Linh, đồng hương Nghệ An, cùng một chiến sĩ người dân tộc Tà Ôi cáng ông khi đó không may lọt đúng vào điểm đổ quân của máy bay cánh quạt Mỹ! Chúng bắn như vãi trấu. Lính đi trước cáng gục chết ngay tại chỗ. Người lính dân tộc Tà ôi bỏ chạy xuống suối. Cái võng cáng ông bị cánh quạt máy bay thổi tốc lên trời. Lúc đó, Hoàng Cát nghĩ mình cầm chắc cái chết! ông liều bò, lăn xuống sườn dốc. Đêm đến, nghe ám hiệu "tróc chó" của đồng đội người Tà Ôi bò tới. Thấy ông còn sống, liền cõng ra trạm chuyển thương.

Chưa hết, ra đến trạm thương binh lại tiếp tục gặp bom. Các lán xung quanh tôi bị bom đánh bay phăng teo hết. Võng Hoàng Cát nằm bị bom giật, cả người cả võng rơi xuống hầm. Thế mà vẫn sống được. Thần kỳ. Đúng vậy, không có những người đồng đội dũng cảm ấy ông chết lâu rồi. Dạo trước còn khỏe, ông hay vào thăm lại chiến trường xưa. Thăm những người mẹ, người chị đã che chắn quân thù cho ông. Thăm những người đồng đội đã ngã xuống, máu xương đã hòa vào đất.

Trở về đời thường, ông chọn nghiệp thơ văn kiếm sống thì dính phải nghi án văn chương "Cây táo ông lành", "treo bút" suốt 15 năm trời. Cuộc đời quăng quật khắp nơi, với đủ các công việc sang hèn kiếm sống. Rồi lại bệnh tật, ốm đau, nào là nhồi máu cơ tim, thoát vị ổ bụng, đến giờ là ung thư... Kể ra cũng lắm tai ương. Cuộc đời Hoàng Cát có thể làm phim được. So với bạn bè đã ngã xuống, ông thế này vẫn còn lãi chán. Nhiều khi cái chết đã cận kề ngay cổ mà còn thoát. Thật tài tình.
Khi chang trai trong tho tinh cua Xuan Dieu len tieng-hinh-anh-1
Nhà thơ Hoàng Cát sau những thăng trầm của cuộc sống: cám ơn vợ con và bạn bè 

“Nhân vật” nổi tiếng sống nhờ vợ và bạn

Bị "treo bút" gần 15 năm, Hoàng Cát và vợ phải trải qua gần 20 nghề khác nhau để kiếm sống. Nào là dán hộp đựng thuốc cho ngành dược, cuốn thuốc lá điếu rồi đi bỏ cho các quán nước; rang đậu phộng, bán nước chè, phong thuốc lào, làm bóng bì (món làm bằng da lợn, dùng cho món canh ngày Tết), làm nem chạo, nuôi gà công nghiệp, úm gà con giống, nuôi chó ta, chó Nhật, nuôi chim vẹt cảnh, làm lồng chim, bán kem mút, nuôi lợn...

Những bài thơ viết về quãng thời gian này tập hợp trong tập Cám ơn vỉa hè. Nhiều bạn bè văn nghệ đọc được ứa nước mắt. Đúng là cảnh ngộ của ông khi ấy cơ cực quá. Ngày đi làm nhà máy, tối về dán hộp đựng thuốc. Hai vợ chồng nhiều đêm thức trắng để dán hàng mấy trăm cái hộp, kịp sáng mai đủ hàng trả theo hợp đồng. Gian phòng 12m2 chất đầy hộp giấy, không còn chỗ mà nằm nữa. Sáng sớm ra, lại đeo chân giả, đạp xe thồ đống hộp giấy cao ngất ngưởng trên phố đi nhập hàng. "Mình khổ đã đành, con gái mới chục tuổi đầu cũng phải ngồi chợ bán hàng suốt ngày hè. Bạn bè ai nhìn cháu cũng rơi nước mắt. Con mười ba tuổi ngây thơ/ Nghỉ hè ngồi chợ từ trưa tới chiều/ Nắng ròng dội xuống nhà thiêu/ Nón cời che mặt, chẳng lều chẳng phên..." (Tha cho ba).

Những ngày tháng cơ hàn đó, ông biết ơn người vợ tảo tần, đã cùng ông chia sẻ đắng cay. Sau này kỷ niệm 17 năm ngày cưới, ông làm thơ tặng vợ: Mười bảy năm ta chưa đi đến Nhà hát lớn/ Nhưng đã trải qua mười bảy nghề mặn nhạt có nhau. Vì họa vô đơn chí, cuối năm ngoái, cùng một lúc ông phát hiện ra mình bị thoát vị ổ bụng và ung thư hạch cổ. Hai bệnh đều trong tình trạng cấp cứu. Nhập viện Bệnh viện Đại học y mổ ổ bụng xong, ông được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai xạ trị hóa chất. Ban đầu Hoàng Cát có ý định từ bỏ, vì bảo hiểm trái tuyến, gia đình lại khó khăn, trong khi đó mỗi đợt xạ trị tốn cả chục, trăm triệu đồng. Sau đó bạn bè văn chương biết được đã giúp đỡ, nhờ vậy ông mới có điều kiện chữa bệnh. Câu tiên tri “ta sống được nhờ vào lòng bè bạn” đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hoàng Cát sống được là nhờ bạn bè và vợ con.

Theo Hoàng Linh (Gia đình & Pháp luật)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thanh tra đường bộ sẽ không được dừng xe, xử phạt trên đường để tránh chồng chéo với CSGT?
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng để tránh chồng chéo nhiệm vụ với cảnh sát giao thông, luật mới cần quy định thanh tra đường bộ chỉ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, không được kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi chàng trai trong thơ tình của Xuân Diệu lên tiếng