Đàn ông có ai thích đi chợ không nhỉ? Mình thì rất khoái. Tại sao gọi là “chợ búa”? Hay ám chỉ ở đây nơi người dưng, bán mua gì cũng phải cảnh giác, trả giá. Lớn chớn là bị "búa" vào đầu. Tiếng ồn như búa gõ vào đầu hay ăn thêm đôi ba giá là tức ói máu, hệt "búa bổ vào đầu"? Chợ đêm úng mùi héo hon...

Khi đàn ông đi chợ

13/05/2017, 13:41

Đàn ông có ai thích đi chợ không nhỉ? Mình thì rất khoái. Tại sao gọi là “chợ búa”? Hay ám chỉ ở đây nơi người dưng, bán mua gì cũng phải cảnh giác, trả giá. Lớn chớn là bị "búa" vào đầu. Tiếng ồn như búa gõ vào đầu hay ăn thêm đôi ba giá là tức ói máu, hệt "búa bổ vào đầu"? Chợ đêm úng mùi héo hon...

Đàn ông đi chợ cũng vỡ đầu tính toán

Hôm nay ở nhà. Bởi mình lại lang thang xuống chợ.

Đàn ông có ai thích đi chợ không nhỉ? Mình thì rất khoái chợ. Nhất là chợ xép. Chứ không phải siêu thị. Siêu thị thường là chỗ hàng đã kiểm duyệt. Như thế không thú. Phải có hàng ôi hàng thiu, hàng thật hàng đểu mới hay. Hàng siêu thị treo mắc giá sẵn. Đến chỗ mua bán mà chính mình cũng không còn được…trả giá nữa (!). Nói vui thế chứ thường mình có mua gì nhiều nhặn đâu. Nhưng mình không thích tâm lý “áp rọ”, “kẻ sẵn” cho dù đó rọ vàng, giá vàng gì đi nữa. Đôi khi lơ ngơ lẩn ngẩn đơm giá này nọ mà hóa hay. Nó cho thấy sự tự do và anh cũng được việc vì anh đang cố trả giá hay chứng minh cái anh cầm trên tay thực ra nó đáng bao nhiêu. Siêu thị không làm được điều ấy! Rồi cũng có thể nhầm lẫn. Cái món mình mua hóa ra hớ. Giá trên giời! Thì cũng có sao! Thêm một kinh nghiệm nho nhỏ, vui vui…

Phiên chợ sớm...

Chỗ mình ở có một cái chợ xép ngay dưới chung cư. Ba giờ sáng khu chợ xép đã náo nhiệt. Mình có viết một câu thơ “Ồn ào ba giờ sáng” nhưng sau đó tự chữa lại “Rì rào ba giờ sáng” thấy đúng hơn. Mình cảm nhận trong chữ “rì rào” có một sự sống nối kết bền bỉ không đứt mạch. Như mạch máu. Đến hẹn lại lên. Như cái hoang dại, ầm ã chém ngang, cắt dọc không thể mô tả hết của cuộc đời…Băng qua chợ là đi ra con đường lớn, vắng người, nhiều bãi hoang, hoa dại có thể tập thể dục hay đi bộ rất thích. Mình vẫn thường đi bộ buổi sáng ở đây. Vì vậy vẫn tạt ngang tạt ngửa vào chợ. Vừa ra khỏi thang máy đã nghe một cái mùi ương ẩm, hoai hoai đặc trưng. Tiếng cười nói, hăng cãi nhôm nhoam, người bán kẻ mua trăm thứ. Những hàng cá, mực tươi đưa lên từ biển, rau củ quả từ vườn, nông trại, hàng thịt heo bò dao pha thớt bảng sáng loáng. Đặc biệt còn có cả thịt cầy sống. Những con cầy như con hoãng, duỗi bốn chân, thui vàng luộm. Cái món mình chẳng mua bao giờ. Men theo những hàng cá là hơi người hoăng hoăng. Những âm tiết trao đổi kèn cựa trả giá dậy giữa không trung bung nở những đóa hoa màu sắc.

Hình ảnh sinh hoạt chợ xưa trong cuốn “Technique du peuple Annamite” của Henry Oger

Wilhelm von Humboldt đã viết như sau “Ngôn ngữ của một dân tộc chính là linh hồn của dân tộc đó. Linh hồn của một dân tộc chính là ngôn ngữ của dân tộc đó…”. Theo mình bản sắc văn hóa, linh hồn đó không nằm trên ngôn ngữ salon, chính thống, không ở trong tính du dương mùi mẫn của văn chương thi ca mà ở trong một cái chợ. Ngôn ngữ đương đại của đời sống thị dân thể hiện rõ nhất ở chợ búa! Nhà thơ Đặng Đình Hưng trong tập Bến Lạ có câu viết “Thèm cả một cái chợ”. Sự khốn khổ, đói ăn của một thời bao cấp nén vào trong câu thơ thật khủng khiếp.

Nói về chợ, mình rất thích những bức tranh vẽ về những phiên chợ xưa. Như chợ Bắc Kỳ trong bộ tranh “Technique du peuple Annamite” của Henry Oger. Tranh ký họa do một họa sĩ nước ngoài vẽ mà đẹp và đặc trưng như tranh làng Đông Hồ vốn là những nghệ nhân dân gian vô danh. Chợ quê hay chợ thị dân thì thao tác, âm hưởng cũng gần như nhau ở tập quán bầy hàng, chào hàng, mua mua, bán bán. Và cắt cổ, ngõ giá! Trong tập sách có bài viết giới thiệu của Pierre Huard giúp người đọc hiểu thêm quá trình hình thành cuốn “Kỹ thuật của người An Nam”. Hery Oger sinh năm 1885 tại Montrévault (Pháp). Ông học triết, tiếng La tinh, Hy Lạp. Sang Hà Nội từ năm 1907 làm viên chức hành chánh Đông Dương. Các nghiên cứu cho biết bộ sử liệu bằng tranh được thực hiện trong thời gian này. Những phiên chợ xưa Bắc kỳ đã mất đi nhưng trong tranh còn sống mãi…

Mà tại sao lại gọi là “chợ búa” nhỉ? Hay ám chỉ ở đây là nơi người dưng, bán mua gì cũng cảnh giác, trả giá. Lớn chớn là bị búa vào đầu, tiếng ồn như búa gõ vào đầu hay ăn bả thêm đôi ba giá là tức ói máu, là búa vào đầu?

Bài viết này luc đầu mình định lấy nhan đề “Chợ trần gian” là gợi ý từ cái tên một truyện ngắn “Bến trần gian” rất hay của đứa bạn văn Lưu Sơn Minh. Cuộc đời rồi cũng sẽ trôi qua và trần gian nào khác cái bến thuyền trong giấc mơ đời mỗi người một lần neo đậu. Cái chết của người lính và sự tìm về ngày xưa của anh trong truyện ngắn thật ám ảnh và day dứt người đọc.

Diễn viên Lê Vân trong cảnh phiên chợ Âm - Dương nổi tiếng của phim "Bao giờ cho đến tháng Mười"

Nhưng cảnh chợ trong phim mà mình thích nhất là “Bao giờ cho đến tháng Mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ông đã thực hiện một cảnh chợ âm phủ hay phiên chợ Âm Dương, nơi người sống và kẻ đã chết hẹn gặp nhau. Và cảnh quay này đã làm vào những năm bao cấp mới thấy hết tâm huyết cũng như những khó khăn nan giải của người làm phim. Trong cuốn “Hồi ký điện ảnh” ông kể. “Khi bộ phim hoàn thành, giám đốc Hải Ninh yêu cầu cắt bỏ trường đoạn chợ âm dương với lý do mê tín dị đoan. Đây là một trong những trường đoạn tâm đắc nhất của tôi… Từ lâu tôi có đọc trong kho tàng chuyện cổ Việt Nam có một truyện làng tôi hết sức chú ý. Đó là câu chuyện về đôi vợ chồng trẻ, không may người chồng bị chết một cách oan ức. Anh báo mộng dặn chị chờ đến phiên chợ Mạch Ma thì đến để anh gặp. Tại phiên chợ đó hai người đã gặp được nhau. Người chồng nói rõ sữ oan ức của mình để chị vợ kêu lên cửa quan. Truyện còn ghi rõ chợ Mạch Nha ấy nằm ở Quảng Yên. Một lần trên đường đi Hạ Long, khi qua bến phà Rừng, xe dừng lại Quảng Yên và tôi bàng hoàng nhận ra mình đang ngồi uống nước trong chính cái chợ Mạch Nha ấy… Tôi nhận ra rằng trong tâm thức của người Việt Nam không có sự cách biệt giữa cõi Âm và cỏi Dương, giửa người sống và người chết, đúng như cụ Nguyễn Du viết “Thác là thể xác còn là tinh anh”…”. Hình như Đặng Nhật Minh trích dẫn thơ sai ở đây? Mình nhớ Nguyễn Du viết “Thác là thể phách còn là tinh anh…”. Không phải là thể xác mà là thể phách!... Nhưng thôi, ở đây không phải là lúc bàn thơ Nguyễn Du mà mình chỉ trích dẫn lại một vài chia sẻ của đạo diễn khi quay cảnh chợ Âm Dương trong phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”.

Chợ khuya, người đã vãn, bên hàng trái cây ngoại vẫn ngồi đó...

Có đêm mình dắt con trai đi chơi và chỉ cho Bo thấy lũ chuột cống trụi lông, nhếch nhác, dữ tợn. Chúng nó đang chạy lòng vòng, đánh hơi. Cái mùi chợ đêm úng úa héo hon rất khó diễn tả. Bo sợ, hai tay níu chặt, hỏi: -“Ủa, ba! Sao lũ chuột này lại phải xuất hiện nhiều buổi tối vậy…” Mình trả lời: -“Ban ngày phải chạy trốn thì chuột phải kiếm ăn ban đêm chứ sao?...”.

Mình thấy cuộc đời cũng như cái chợ tàn. Như Thu Bồn viết “Về đi em chợ đời đã vãn / Nhớ mua cho anh một gói nhân tình…”. Không lý giải nhiều nhưng thấy chợ là nơi hiển hiện mọi tấn trò đời. Hỉ nộ, ái ố, được thua, mất còn… Và khi mọi thứ rã đám rồi chỉ còn cái chợ đêm và những con chuột cống kiếm ăn...

Khi đàn ông đi chợ...

An Bình, chợ Việt Lập, 12.5.2917.

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
37 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi đàn ông đi chợ