Việc quy hoạch nguồn cấp nước và chỗ xả nước đang là vấn đề lớn, khi mà chúng ta vừa xả nước thải xong thì dòng nước này lại hòa chung với nước sông để chảy thẳng tới các nhà máy cấp nước.

Khi nước thải quay lại đe dọa nguồn nước ngọt của TP.HCM

Một Thế Giới | 02/03/2016, 11:14

Việc quy hoạch nguồn cấp nước và chỗ xả nước đang là vấn đề lớn, khi mà chúng ta vừa xả nước thải xong thì dòng nước này lại hòa chung với nước sông để chảy thẳng tới các nhà máy cấp nước.

Chất lượng nguồn nước cung cấp cho nhu cầu của 10 triệu dân TP.HCM đang là vấn đề "nóng" hiện nay. Bên cạnh việc thiên tai do nước biển xâm mặn đe dọa trực tiếp đến khả năng xử lý của các nhà máy nước thì còn một vấn đề đáng báo động khác là nhân tai. Chất lượng nguồn nước cho các nhà máy cấp nước của TP.HCM đang bị đe dọa vì tình trạng ô nhiễm do yếu tố con người gây ra.

Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM vừa cho biết nguồn nước cấp trên sông Sài Gòn từ Phú Cường trở lên thượng nguồn, do ảnh hưởng dải đất phèn ven sông, có độ pH thấp, gây khó khăn và tốn kém trong việc xử lý nước.

Báo cáo của Sở cũng chỉ ra nguyên nhân do nguồn thải từ sông Thị Tính là một nguồn ô nhiễm đe dọa trực tiếp đến khu vực lấy nước của Nhà máy nước Tân Hiệp. Khu vực cấp nước của sông Sài Gòn có chất lượng nước thuộc loại B1 và bị đe dọa bởi nhiều nguồn gây ô nhiễm.

Cần phải biết rằng theo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) năm 2008 thì nước loại B1 chỉ có thể dùng cho tưới tiêu, không thể dùng để nuôi trồng thủy hải sản được chứ đừng nói đến việc dùng làm nước sinh hoạt. Do vậy, để lọc nước có chất lượng B1 thành nước sinh hoạt thì rất khó khăn và tốn kém.

Câu chuyện sông Thị Tính ô nhiễm không phải là điều gì mới mẻ. Từ 10 năm trước, báo chí đã nhiều lần phản ánh chuyện các cơ sở sản xuất công nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Thị Tính. Năm 2009, một loạt doanh nghiệp bị nêu tên và xử phạt về tội "bức tử" dòng sông này. Cho đến giờ, cuộc chiến chống làm ô nhiễm, trả lại sự trong sạch cho sông Thị Tính nói riêng và các con sông quanh khu vực công nghiệp nói chung vẫn rất cam go. Trong báo cáo có nêu nước tại các con sông này có thành phần ô nhiễm kim loại nặng, tổng dầu mỡ đều chưa vượt ngưỡng cho phép loại B2. Theo quy chuẩn của Bộ TN-MT năm 2008, nước loại B2 thì không dùng nổi cho tưới tiêu mà chỉ dùng để phục vụ giao thông đường thủy.

Nhưng điều nghịch lý nhất trong việc giải quyết bài toán nguồn cấp nước sạch lại là nước thải sinh hoạt. Báo cáo nêu rõ các dạng ô nhiễm chính hiện nay trên các sông Sài Gòn và Đồng Nai chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ, vi sinh. Ngoài nguyên nhân hạn hán thiếu nước khiến nồng độ vi sinh tăng mạnh thì còn do nguồn nước thải từ nội thành. Ô nhiễm trên sông Sài Gòn khá cao trên khu vực từ sau hợp lưu với rạch Vàm Thuật, nhất là khu vực Phú An do tác động của các kênh tiêu thoát nội thành. Nói chung, sông Sài Gòn đoạn chảy qua nội thành có chất lượng nước thuộc loại B2.

Nguồn nước cấp tại Hóa An trên sông Đồng Nai thì khá hơn, tương đương với nguồn nước loại A2 (theo quy chuẩn của Bộ TN-MT năm 2008, nước loại A2 có thể nuôi trồng thủy sản nhưng không trực tiếp dùng cho nước sinh hoạt). Thế nhưng, trong năm 2015, tại Hóa An nhiều thời điểm bị ô nhiễm vi sinh nặng, làm giảm chất lượng nước tại đây.

Còn khu vực sau cầu Đồng Nai, chất lượng nước của sông Đồng Nai chỉ đạt loại B2. Những yếu tố tác động đến chất lượng nước sông Đồng Nai bao gồm nước thải sinh hoạt từ đô thị, các khu công nghiệp cùng với hoạt động giao thông thủy, khai thác cát.

Rõ ràng việc quy hoạch nguồn cấp nước và chỗ xả nước đang là vấn đề lớn, khi mà chúng ta vừa xả nước thải xong thì dòng nước này lại hòa chung với nước sông để chảy thẳng tới các nhà máy cấp nước. Ngày trước, lượng nước thải còn ít, nhu cầu lọc nước cũng không nhiều. Còn hiện giờ nước thải với độ ô nhiễm ngày càng cao sẽ tạo áp lực lớn cho nguồn cấp nước.

Các cơ quan chức năng ngành môi trường kêu gọi: “Đối với các khu vực nguồn cấp nước trên sông Đồng Nai và Sài Gòn, cần có các biện pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước cấp thích hợp, bao gồm tăng cường giám sát xả thải, nâng cao tiêu chuẩn xả thải vào nguồn cấp nước, quy hoạch sử dụng đất, sử dụng nguồn nước, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với khu vực tác động đến nguồn cấp nước.

Để cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn, cần phải xử lý triệt để các nguồn thải từ các khu công nghiệp cũng như nguồn nước thải sinh họat của TP.HCM, bảo đảm các nguồn nước thải ra ngoài phải đạt các tiêu chuẩn quy định của Bộ TN-MT. Có các khung pháp lý, cơ chế kiểm soát, biện pháp xử phạt và chế tài thật nghiêm khắc với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường”.

Việc kêu gọi là một chuyện còn thực hiện được hay không là chuyện khác. Về lâu dài có lẽ các cơ quan chức năng cần tính đến phương án quy hoạch dòng chảy để thoát nước hoặc các công ty cấp nước có thể lấy nguồn nước ở nơi nước thải không xuất hiện hay nước thải tập trung nhiều hơn phía hạ nguồn.

Thảo Hương

Bài liên quan
Sở Y tế TP.HCM: Tác dụng phụ gây cục máu đông sau tiêm vắc xin AstraZeneca rất hiếm gặp
Xung quanh thông tin hãng AstraZeneca thừa nhận tiêm vắc xin này có thể gây cục máu đông, Sở Y tế TP.HCM khẳng định tác dụng phụ này đối với vắc xin AstraZeneca là rất hiếm gặp và chỉ xảy ra trong vòng 42 ngày sau khi tiêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Dự báo sự phát triển phương tiện bay, sử dụng trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu tham khảo kinh nghiệm quốc tế, dự báo sự phát triển của các phương tiện giao thông trong tương lai như phương tiện bay, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, các loại nhiên liệu mới…
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi nước thải quay lại đe dọa nguồn nước ngọt của TP.HCM