Khái niệm về chiến tranh thương mại của một Tổng thống Mỹ cũng như một Chủ tịch Trung Quốc, về cơ bản là khác biệt rất lớn so với cách mà chúng ta vẫn quan niệm.

Khó bùng nổ chiến tranh thương mại thực sự khi các bên đều nhát đòn

10/03/2018, 06:55

Khái niệm về chiến tranh thương mại của một Tổng thống Mỹ cũng như một Chủ tịch Trung Quốc, về cơ bản là khác biệt rất lớn so với cách mà chúng ta vẫn quan niệm.

Chiến tranh thương mại toàn diện như thập kỷ 1930 sẽ không thể lặp lại ở thế kỷ XXI - Ảnh: Internet

Với hầu hết những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế-tài chính hay truyền thông trên khắp thế giới, những ngày vừa qua thực sự là những ngày mệt mỏi, khi đâu đâu cũng chỉ xuất hiện các tin tức liên quan đến việc Mỹ áp thuế nhập khẩu và chiến tranh thương mại. Việc ông Gary Cohn, cố vấn kinh tế của Donald Trump vừa từ chức sau khi không thể khuyên nhủ vị tổng thống của mình rút quyết định áp thuế nhập khẩu với thép và nhôm, lại càng khiến câu chuyện trở nên nóng hơn bao giờ hết. Thực tế đã chứng minh từ những trường hợp tương tự đã từng diễn ra trong quá khứ, rằng chiến tranh thương mại chỉ là một sự hư cấu. Khái niệm về chiến tranh thương mại của một Tổng thống Mỹ cũng như một Chủ tịch Trung Quốc, về cơ bản là khác biệt rất lớn với cách mà chúng ta vẫn quan niệm.

Vậy, thế nào mới là một cuộc chiến tranh thương mại thực sự? Cuộc khủng hoảng liên quan đến bộ luật Smoot-Hawley diễn ra vào những năm 1930 của thế kỷ 20 là một ví dụ điển hình nhất cho một cuộc chiến thương mại. Khi bộ luật Smoot-Hawley được ban hành vào năm 1930, các định mức thuế quan đã được áp đặt cho khoảng hơn 20.000 mặt hàng nhập khẩu khác nhau vào thị trường Mỹ, và ngay lập tức nó dẫn đến sự trả đũa tương tự từ các đối tác thương mại lớn nhất của nước này, dẫn đến những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.

Đó mới là một cuộc chiến tranh thương mại đúng nghĩa, với quy mô toàn diện và khổng lồ. Nếu so sánh với cuộc khủng hoảng Smoot-Hawley khi đó, thì việc Tổng thống Donald Trump mới chỉ đe dọa áp thuế 4 mặt hàng hiện nay chỉ là một sự vặt vãnh vớ vẩn. Kể cả khi Nhà Trắng có mở rộng danh sách các mặt hàng bị áp thuế đi nữa, thì nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại vẫn sẽ không lớn hơn một hạt bụi.

Điều đó nhận được sự chia sẻ của những người đồng cấp với Tổng thống Donald Trump, chẳng hạn như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Những gì mà Bắc Kinh đã thể hiện trong vấn đề thương mại vài năm trở lại đây cho thấy, đòn bẩy lớn nhất của Trung Quốc không phải là hạn chế thương mại một cách rộng rãi, mà là gây ra những cơn đau mang tính chiến thuật đối với các công ty nước ngoài đang hoạt động trong nền kinh tế nước này, hoặc hạn chế những lợi ích to lớn khác.

Điển hình cho các chiến thuật thương mại của Trung Quốc là vụ scandal liên quan đến vấn đề Hàn Quốc cho phép Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ của mình vào năm 2016. Để đáp trả cho động thái này, Bắc Kinh chỉ đơn giản là ngưng các hoạt động kinh doanh của tập đoàn Lotte tại thị trường Trung Quốc (Lotte là tập đoàn Hàn Quốc sở hữu những phần đất mà THAAD được lắp đặt). Ngay lập tức, Lotte nhận ra những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ việc kinh doanh bị tác động nặng nề, mà giá cổ phiếu của tập đoàn này cũng giảm kỷ lục là 40% chỉ trong vòng từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2016.

Ngoài mục tiêu chính là Lotte, Chính phủ Trung Quốc cũng triển khai một loạt các động thái được xem là trừng phạt thương mại khác. Chẳng hạn như ngưng nhập khẩu một loạt các mặt hàng từ Hàn Quốc, từ bánh kẹo, mỹ phẩm cho đến điện thoại di động. Các tour biểu diễn ở thị trường Trung Quốc của các ngôi sao ca nhạc K-pop của Hàn Quốc cũng đã bị hủy bỏ đột ngột, trong khi các công ty du lịch Trung Quốc được chính phủ khuyến cáo không nên đưa khách đến các địa điểm tham quan ở Hàn Quốc.

Tất cả những điều này tạo ra một cú sốc lớn đối với thị trường chứng khoán Hàn Quốc, khi hàng loạt cổ phiếu lớn đều giảm mạnh. Công ty mỹ phẩm lớn nhất Hàn Quốc, AmorePacific, giảm lợi nhuận khoảng 58%, còn cổ phiếu của Hãng Hàng không Hàn Quốc giảm 24% trong khoảng thời gian đó. Những địa điểm du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc như đảo Jeju trở nên đìu hiu hơn bao giờ hết do nguồn khách Trung Quốc vốn chiếm quá nửa lượng du khách đến hòn đảo này giờ đây đã không còn.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cho thấy nước này đã tính toán kỹ lưỡng đến mức nào khi thực hiện các động thái mang tính trừng phạt nói trên, khi về tổng thể nó không tác động nhiều đến nền kinh tế Hàn Quốc. Tăng trưởng GDP của kinh tế Hàn Quốc trong năm 2016 vẫn tăng 2,7% so với mức tăng 2,6% trong năm 2015.

Trung Quốc hiện tại cũng có thể làm điều tương tự với các công ty Mỹ. Nó có thể khiến các tập đoàn lớn như Apple, Boeing hay General Motors giảm doanh thu tại thị trường Trung Quốc, nhưng xuất nhập khẩu hai chiều Mỹ - Trung có thể không bị tác động nhiều. Các quan chức Trung Quốc có xu hướng cho rằng gia tăng rào cản với các mặt hàng nhập khẩu (như cách ông Trump đang làm với thép và nhôm) chẳng có lợi ích gì, thay vào đó thì việc hạn chế doanh thu để các tập đoàn lớn tác động đến Washington mới là cách làm hiệu quả.

Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang là thị trường có doanh thu lớn nhất với hàng loạt các công ty Mỹ, và bị ngưng hoạt động như Lotte trong năm 2016 quả là một cơn ác mộng với họ. Thông điệp của Bắc Kinh rất đơn giản: chúng tôi không muốn làm điều đó, nhưng không còn sự lựa chọn nào khác, hãy cố gắng thuyết phục tổng thống của các bạn dừng các quyết định sai lầm lại là mọi chuyện đều ổn.

Tất cả, vì thế chỉ đơn giản là một ván bài được thực hiện một cách êm thấm ở trong hậu trường chứ không phải là một cuộc va chạm ầm ĩ cho tất cả chứng kiến như cách mà thế giới đang nghĩ đến. Nền kinh tế và thương mại thế giới đã phát triển rất xa so với cuộc khủng hoảng Smoot-Hawley vào những năm 1930 của thế kỷ trước, và sẽ không có chuyện các quốc gia áp thuế lên hàng chục ngàn mặt hàng xuất khẩu của nhau như thế nữa.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó bùng nổ chiến tranh thương mại thực sự khi các bên đều nhát đòn