Các kinh tế gia thuộc các trường phái khác nhau thường có những bất đồng ý kiến về nhiều vấn đề, nhưng đa phần lại khá đồng quan điểm về lợi ích của thương mại quốc tế.

Thép nhôm và chính trị thương mại Mỹ

08/03/2018, 07:53

Các kinh tế gia thuộc các trường phái khác nhau thường có những bất đồng ý kiến về nhiều vấn đề, nhưng đa phần lại khá đồng quan điểm về lợi ích của thương mại quốc tế.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ đánh thuế đồng loạt 25% với thép nhập khẩu để giữ lời hứa khi tranh cử - Ảnh: Internet

Tự do thương mại có nhiều lợi ích kinh tế rõ nét như đem lại giá cả phải chăng cho người tiêu dùng, gia tăng hiệu suất trong việc phân bổ các nguồn tài nguyên, và tăng cường cạnh tranh trong nền kinh tế. Do đó, gần như hầu hết các kinh tế gia không tán thành với chính sách có khuynh hướng bảo hộ thương mại của Tổng thống Trump qua dự kiến đánh thuế nhập khẩu lên hai mặt hàng thép và nhôm hiện nay. Tuy nhiên, những động thái của Nhà Trắng không phải hoàn toàn vô lý vì yếu tố chính trị trong nước đóng vai trò rất quan trọng chính sách thương mại của Mỹ.

Về phương diện phân tích lợi ích kinh tế, bảo hộ thương mại đưa đến thiệt nhiều hơn lợi cho nền kinh tế nói chung. Có hai lý do dễ thấy nhất. Một là, khi thuế nhập khẩu được áp dụng vào mặt hàng nào thì giá cả của mặt hàng đó sẽ lên. Mặc dù hiện tượng này sẽ giúp các nhà sản xuất nội địa đang cạnh tranh với hàng nhập khẩu được tồn tại, nhưng lại gây ra thiệt hại cho những thành phần tiêu thụ nó do giá cả cao hơn. Trong trường hợp của thép, áp dụng thuế nhập khẩu sẽ giúp các doanh nghiệp cũng như 147.000 công nhân của ngành thép Mỹ nhưng lại có thể gây ảnh hưởng xấu lên đến khoảng 6,5 triệu công nhân khác (theo số liệu phân tích của Heritage Foundation) đang được tuyển dụng trong các ngành tiêu thụ thép, chẳng hạn như sản xuất xe cộ và đóng tàu.

Hai là, bảo hộ thương mại sẽ dẫn đến việc trả đũa của các đối tác thương mại bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách này. Để đáp trả lại tuyên bố đóng thuế nhập khẩu của Tổng thống Trump, các nước khác đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và vạch kế hoạch nhằm đánh thuế nhập khẩu một số mặt hàng quan trọng mà Mỹ xuất khẩu vào thị trường của họ. Ví dụ, Liên minh Châu Âu cho biết là họ sẽ đáp trả bằng việc đánh thuế nhập khẩu lên xe mô tô Harley-Davidson, rượu Bourbon, và quần jean xanh Levi s của Mỹ.

Tất nhiên là Tổng thống Trump biết rõ các hệ quả kinh tế tiêu cực của động thái bảo hộ thương mại của mình. Nhiều cố vấn kinh tế của ông đã không tán thành với việc đánh thuế nhập khẩu lên thép và nhôm. (Gary Cohn, cố vấn kinh tế trưởng của Nhà Trắng, vừa mới tuyên bố từ chức cũng vì chuyện này). Nhưng ông đã bỏ ngoài tai những ý kiến này. Ông tuyên bố trên mạng Twitter: “Chúng ta phải bảo vệ đất nước và công nhân của chúng ta. Ngành thép của chúng ta đang bị trì trệ. Nếu bạn không có thép, bạn không có một quốc gia.” Và ông tỏ ra không hề ngần ngại trước những cảnh báo về việc hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sẽ bị trả đũa, có nguy cơ đưa đến tình trạng chiến tranh thương mại. Ông nói rằng chiến tranh thương mại là tốt và có thể chiến thắng dễ dàng. Ý ông là Mỹ luôn bị thâm hụt mậu dịch với các nước khác thì các nước khác phải e dè trước những căng thẳng thương mại hơn là Mỹ.

Có thể thấy rằng động cơ chính đằng sau động thái bảo hộ thương mại của Tổng thống Trump nghiêng mạnh về yếu tố chính trị. Trong khi vận động tranh cử, ông đã nói rất nhiều về việc Mỹ bị thua thiệt trong thương mại và hứa sẽ giúp đỡ các ngành công nghiệp đang bị hàng nhập khẩu (mà ông cho rằng cạnh tranh không công bằng) chèn ép mạnh, dẫn đến tình trạng mất việc của nhiều công nhân thuộc những ngành này. Những tuyên bố mạnh dạn đó, mặc dù không được thuyết phục khi phân tích qua những số liệu kinh tế tổng thể, đã góp phần tạo nên chiến thắng đưa ông vào Nhà Trắng. Do đó, việc đánh thuế nhập khẩu lên thép và nhôm lần này được cho là một lời hứa được giữ của ông. Và tất nhiên đây là điểm sáng mà ông sẽ nhắc nhở cử tri trong cuộc tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai.

Một câu hỏi liên hệ được đặt ra là vậy lợi ích của người tiêu dùng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách bảo hộ thì sao? Câu trả lời là lợi ích của họ ít được quan tâm bằng lợi ích của thành phần sản xuất nội địa. Lý do là vì lợi ích của thương mại tự do thì được trải mỏng ra nhiều thành phần trong khi thiệt hại thì tập trung vào một thành phần. Và thành phần tập trung đó sẽ dồn nhiều công sức để vận động chính sách hơn các thành phần kia, bởi vì bất kỳ sự thay đổi chính sách theo hướng nào cũng đem lại lợi/thiệt rất đáng kể cho họ.

Trong trường hợp của thép, nếu như không có thuế nhập khẩu thì các thành phần tiêu thụ thép ở Mỹ sẽ hưởng lợi bởi giá rẻ hơn từ thép nhập khẩu. Nhưng lợi ích này được trải mỏng ra (do có rất nhiều ngành sử dụng thép, một thành phần của đầu vào, để sản xuất các mặt hàng đầu ra) trong khi thiệt hại lại chỉ tập trung vào ngành thép nội địa trước sức ép cạnh tranh của thép nhập khẩu. Nói một cách ngắn gọn, lợi ích của những thành phần tiêu thụ thép không được thấy rõ bằng thiệt hại của ngành thép. Và ngược lại, khi áp dụng thuế nhập khẩu thì lợi ích của ngành thép được thấy rõ ràng trong khi thiệt hại đối với các thành phần mua thép thì được trải mỏng ra.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã minh họa rõ nét khi ông xuất hiện trên truyền hình với một hộp súp Campbell và một lon Coke để lý giải rằng những thiệt hại đối những thành phần tiêu thụ thép và nhôm không đáng kể khi áp dụng thuế nhập khẩu. Ông chỉ ra rằng với giá thép tăng 25% (khi áp dụng thuế nhập khẩu 25%) thì giá của lon súp (chi phí thép trong 1 lon súp là 2,6 cent) sẽ chỉ tăng 6/10 của 1 cent trên giá bán hiện nay là 1,99 đô la. Ông cũng nói rằng, ngay cả thành phần tiêu thụ nhiều thép như ngành sản xuất xe, thuế thép cũng chỉ làm cho một chiếc xe có giá 35.000 đô la tăng 0,5%. Tương tự như vậy, hệ quả của 10% thuế nhập khẩu nhôm cho một lon Coke chỉ làm giá tăng 3/10 cent trên giá bán là 1,49 đô la. Do đó, các ngành sử dụng thép và nhôm sẽ không gây áp lực đủ mạnh lên chính phủ để thay đổi việc đánh thuế nhập khẩu vì thiệt hại dàn trải của họ không quá lớn để buộc họ phải quyết tâm vận động.

Và tất nhiên là các đối tác thương mại của Mỹ cũng nhận ra rằng các yếu tố chính trị nội địa quyết định chính sách thương mại Mỹ. Do đó, như các nhà phân tích chỉ ra, những mặt hàng xuất khẩu của Mỹ mà Liên minh Châu Âu dự định trả đũa sẽ nhắm vào các vùng nhạy cảm chính trị để tạo áp lực lên Nhà Trắng. Ví dụ, xe mô tô Harley-Davidson được sản xuất tại Wisconsin, là tiểu bang nhà của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan (thuộc đảng Cộng hòa như Tổng thống Trump). Và diễn biến mới nhất cho thấy ông Ryan đã lên tiếng cho rằng Nhà Trắng cần nhắm việc đánh thuế vào một số nước cạnh tranh không công bằng (chẳng hạn như Trung Quốc) thay vì tất cả các nước xuất khẩu thép và nhôm vào Mỹ để tránh bị trả đũa và thiệt hại ngoài dự kiến.

Một khi những lợi ích chính trị bị ảnh hưởng trực tiếp, các chính trị gia sẽ cùng các nhóm kinh tế bị hại bởi chính sách thương mại sẽ gây áp lực với Nhà Trắng để cố xoay chuyển tình thế. Tổng thống Trump không phải là người dễ bị gây áp lực. Quyết định về chính sách thương mại của ông sẽ được cân nhắc bởi nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến quyết định sau cùng sẽ là lợi ích chính trị.

Trần Lê Anh (GS Đại học Lasell)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thép nhôm và chính trị thương mại Mỹ