TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khá sát so với mức lạm phát, nên việc tiếp tục giảm lãi suất huy động để giúp giảm lãi suất cho vay là khó xảy ra.
Đà phục hồi chưa bền vững
Trong bối cảnh khó khăn chiếm phần lớn, nhưng Việt Nam đã đạt được không ít kết quả kinh tế - xã hội tích cực trong quý 1/2024.
Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng 5,66% trong quý 1, cao hơn so với mức tăng trong cùng kỳ các năm 2020-2023. Đây là tín hiệu tích cực để hy vọng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng bức tranh kinh tế quý 1 có nhiều điểm sáng.
“Các động lực tăng trưởng đều cải thiện tích cực, trong đó xuất khẩu tăng 17%, cán cân thương mại thặng dư hơn 8 tỉ USD. Các đơn hàng xuất khẩu đã bắt đầu trở lại với doanh nghiệp. Ngoài ra, thu hút vốn FDI tiếp tục tích cực, giải ngân vốn FDI cũng đạt kết quả khả quan trong bối cảnh dòng vốn FDI quốc tế phục hồi chậm”, ông Thịnh nói.
Tuy vậy, ông Thịnh cũng đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ở sự bất định quốc tế lẫn các vấn đề nội tại của nền kinh tế. Trong đó, đáng lưu ý những điểm nghẽn về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… chưa được cải thiện; xuất khẩu chưa có nhiều đơn hàng dài hạn, thách thức về các tiêu chí xanh, bền vững đang ngày càng căng thẳng; doanh nghiệp (DN) vẫn gặp nhiều khó khăn…
Ghi nhận những điểm sáng của nền kinh tế, nhưng TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng triển vọng kinh tế thế giới còn khá nhiều bất định, kể cả về đà phục hồi tăng trưởng kinh tế và diễn biến giá hàng hóa.
“Nhiều nước gia tăng quy định nhằm thúc đẩy các chuỗi giá trị giảm phát thải carbon, qua đó ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập của hàng xuất khẩu ở Việt Nam nếu không có những điều chỉnh kịp thời”, bà Minh nêu.
TS Minh cũng cho hay mặc dù đã tăng lên trên mốc 50 trong 2 tháng đầu năm, chỉ số PMI tháng 3.2024 đã giảm xuống 49,9, cho thấy một dấu hiệu lo ngại khác về thị trường đầu ra.
“Những trao đổi của chúng tôi với cộng đồng DN trong thời gian gần đây cũng cho thấy không ít lo ngại về các quy định của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), hay quy định chống phá rừng (EUDR)”, bà Minh nêu.
Bà Minh cũng cho biết chi phí của một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào chịu áp lực tăng. Trong đó, chỉ số giá vận tải đường hàng không trong quý 1/2024 đã tăng tới 29,3% so với quý 4 năm 2023, và tăng 85,44% so với quý 1/2023. Theo đó, cộng đồng DN đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để duy trì khả năng cạnh tranh.
Thêm nữa, việc thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động ở khu vực DN có thể làm tăng chi phí lao động cho DN. Trong khi đó, dù đã có nhiều giải pháp chính sách, năng suất lao động chưa được cải thiện ở mức tương xứng.
Tăng trưởng tín dụng vẫn chậm
TS Trần Thị Hồng Minh cũng đánh giá việc giải ngân tín dụng còn tương đối chậm. Tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 25.3.2024 chỉ đạt 0,26% so với cuối năm 2023 (trong khi mức tăng trưởng cùng thời điểm năm 2023 là 1,99%). Mức tăng trưởng tín dụng này còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2024 (15%).
“Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khá sát so với mức lạm phát, nên việc tiếp tục giảm lãi suất huy động để giúp giảm lãi suất cho vay là khó khả thi. Bản thân các ngân hàng thương mại cũng phải đối mặt với khó khăn không nhỏ về tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay và chia sẻ khó khăn với DN”, bà Minh nói.
Theo đó, chuyên gia của CIEM nhận định điều này cho thấy năng lực hấp thụ tín dụng cần phải được đánh giá cụ thể, kể cả trong mối quan hệ với thị trường đầu ra cho DN, để có những giải pháp cải thiện phù hợp.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng tăng trưởng tín dụng chậm trong 2 tháng đầu năm là hiện tượng bình thường, bởi thời điểm này là lễ, tết, các DN đã chuẩn bị tín dụng từ trước đó nên thời điểm này nhu cầu vốn ít. Tuy vậy, từ tháng 3 trở đi, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng nhiều hơn.
Dù vậy, ông Thịnh cũng đánh giá tăng trưởng tín dụng thời gian qua chậm hơn các năm, ngân hàng thừa tiền nhưng vẫn khó cho vay bởi cầu tín dụng yếu.
“Nhiều DN đủ điều kiện họ không muốn vay bởi kinh tế khó khăn, họ không mở rộng kinh doanh. Còn không ít DN muốn vay thì không đủ điều kiện của ngân hàng bởi những tài sản có thể thế chấp thì họ đã thế chấp để vay vốn”, ông Thịnh nói và đề nghị các ngân hàng nên tích cực cho vay thông quan tín chấp, hợp đồng, dòng tiền… thay vì chỉ tài sản đảm bảo.
Làm mới động lực cải cách thể chế
TS Trần Thị Hồng Minh cho rằng trong 3 năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt đồng hành, tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế nhằm giảm chi phí không cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Theo đó, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không còn được nhìn nhận một cách rời rạc, mà có sự gắn kết tương hỗ nhau và đều ưu tiên thực hiện khẩn trương, ngay trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tư duy cải cách.
“Việt Nam cần quyết liệt hơn để cải cách thể chế giúp phát huy hiệu quả hơn nội lực của nền kinh tế. Nội lực ấy không chỉ giới hạn ở lượng tiền, vàng và các tài sản khác mà người dân Việt Nam đang nắm giữ. Thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là chìa khóa quan trọng”, bà Minh nêu.
TS Minh cũng nhấn mạnh Việt Nam cần cân nhắc một số định hướng chính sách nhằm làm mới động lực cải cách thể chế; đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính; hoàn thiện thể chế liên kết vùng, nhằm tạo động lực cho liên kết giữa các địa phương và DN ở các địa phương theo tư duy chuỗi giá trị để “cùng hợp tác, cùng thắng”.
Ngoài ra, cần sớm rà soát, hoàn thiện khung chính sách cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế sáng tạo) để tạo không gian kinh tế lớn hơn cho cộng đồng DN; tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận các thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, TS Minh đề nghị hoàn thiện và triển khai hiệu quả khung chính sách cải thiện năng suất lao động, gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ DN có vốn đầu tư nước ngoài đối với khu vực DN trong nước.