Luật sư Hà Thị Khuyên cho rằng việc khách hàng bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng thời gian qua thể hiện có lỗ hổng lớn trong việc quản lý tiền gửi, một bộ phận cán bộ ngành ngân hàng lợi dụng để chiếm đoạt tài sản của người gửi.
Tài chính và đầu tư

Luật sư phân tích về trách nhiệm của ngân hàng khi làm mất tiền của khách hàng trong tài khoản

Lam Thanh 11/04/2024 18:54

Luật sư Hà Thị Khuyên cho rằng việc khách hàng bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng thời gian qua thể hiện có lỗ hổng lớn trong việc quản lý tiền gửi, một bộ phận cán bộ ngành ngân hàng lợi dụng để chiếm đoạt tài sản của người gửi.

Khoảng trống trong việc quản lý tiền gửi của khách hàng

Mới đây, nhiều vụ việc mất tiền trong tài khoản ngân hàng khiến dư luận xôn xao. Đáng chú ý nhất là việc một khách hàng mất 58 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).

Liên quan đến vụ việc này, cơ quan an ninh điều tra Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh - Giám đốc chi nhánh Thanh Xuân Ngân hàng MSB về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Bước đầu công an xác định bà Bùi Thị Hoài Anh có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại là những người gửi tiền tại MSB, với tổng số tiền lên tới 338 tỉ đồng.

Theo MSB, trong quá trình tra soát hoạt động, đánh giá cán bộ định kỳ tại các chi nhánh, lãnh đạo ngân hàng đã phát hiện có dấu hiệu bất thường liên quan đến một số cán bộ nhân viên với một nhóm khách hàng (có quan hệ mật thiết với nhau trước khi tham gia MSB) và chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để làm rõ.

khuyen-2.jpeg
Một khách hàng mất 58 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB)

Hiện vụ việc đã được Công an TP.Hà Nội thụ lý, khởi tố vụ án và đang trong quá trình điều tra.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Hà Thị Khuyên (Văn phòng Luật sư Nhân Chính) phân tích sự việc mất tiền trong tài khoản trong khi tiền đang gửi giữ tại ngân hàng là sự việc xảy ra khá nhiều thời gian gần đây.

“Sai phạm này phản ánh lỗ hổng và khoảng trống lớn trong việc quản lý tiền gửi của khách hàng đối với các ngân hàng, phản ánh đạo đức của một bộ phận cán bộ ngành ngân hàng lợi dụng kẽ hở để chiếm đoạt tài sản của người gửi”, bà Khuyên nói.

Theo luật sư Khuyên, khách hàng gửi tiền vào ngân hàng là một dạng hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định của pháp luật dân sự. Thông qua giao dịch gửi tiền ngân hàng, giữa khách hàng và ngân hàng đã xác lập một hợp đồng gửi giữ tài sản.

Căn cứ theo điều 559 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bên giữ tài sản có nghĩa vụ: Bảo quản tài sản như đã thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ; chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản, nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi; báo kịp thời bằng văn bản cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng…

Ngoài ra, theo điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm như: Tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật; tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi…

Cũng tại khoản 2 điều 5 Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thì chủ tài khoản có các nghĩa vụ sau: Kịp thời thông báo cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản khi phát hiện thấy có sai sót, nhầm lẫn trên tài khoản của mình hoặc nghi ngờ tài khoản của mình bị lợi dụng; chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình…

Quyền lợi chính đáng của khách hàng phải được bảo vệ

Luật sư Hà Thị Khuyên cho rằng việc trong thời gian phía khách hàng và ngân hàng đang thực hiện hợp đồng gửi giữ tài sản, nhưng phía ngân hàng để mất tiền của khách hàng thì phía ngân hàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Theo đó, ngân hàng phải phải bồi thường cho khách hàng một cách kịp thời. “Việc nhân viên ngân hàng là người thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền gửi của khách thì ngân hàng phải trình báo công an vì phía ngân hàng đang là bên quản lý tài sản, khi đó ngân hàng được coi là bị hại trong vụ án hình sự”, bà Khuyên nêu.

“Trường hợp nếu ngân hàng thoái thác không nhận trách nhiệm, không bồi thường cho khách hàng thì khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu ngân hàng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho mình”, bà Khuyên nói.

khuyen-1.jpeg
Luật sư Hà Thị Khuyên (Văn phòng Luật sư Nhân Chính)

Trả lời báo chí, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: Trong quy trình bảo mật, việc rút tiền từ tài khoản mà không có sự chứng thực hoặc sự đồng ý rõ ràng từ phía khách hàng là một điều đáng ngờ và cần được làm rõ.

“Đối với khách hàng, việc bảo mật thông tin giao dịch rất quan trọng, cho nên khách hàng cần phải tự bảo vệ mình bằng cách không tiết lộ thông tin giao dịch cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng; kiểm tra kỹ nội dung giao dịch trước khi ký các giấy tờ, bảo đảm rằng mọi thông tin đều chính xác và hợp pháp. Mặt khác, phía ngân hàng cũng phải bảo đảm quy trình giao dịch là an toàn và được giám sát một cách nghiêm ngặt, tuân thủ từ phía nhân viên”, ông Đức nêu.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định thời gian qua có chuyện tiền trong tài khoản bị mất, có những vi phạm có thể do cá nhân, do tập thể, hoặc do ngân hàng.

“Tuy nhiên, nếu nói đó là lỗ hổng mang tính chất hệ thống thì khẳng định là không”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Theo ông Tú, điều này chỉ diễn ra ở một số ngân hàng, một số đơn vị, bộ phận cụ thể, hoặc do vi phạm của cá nhân cán bộ ngân hàng, cũng có thể do sự chủ quan, thậm chí có trường hợp thông đồng với cán bộ ngân hàng để tiêu cực, và thậm chí không chỉ lừa nhau mà còn lừa cả ngân hàng.

Trở lại với câu chuyện của MSB, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho hay NHNN đã nhận được báo cáo của MSB. Theo đó, vụ việc này không phải khách hàng phát hiện ra, mà trên cơ sở kiểm soát hoạt động của mình, MSB đã phát hiện và chủ động gửi hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra từ tháng 10.2023.

Việc điều tra của Bộ Công an đang được tiến hành khẩn trương để xác định trách nhiệm cũng như những sai sót thuộc trách nhiệm của MSB hay của cá nhân bà Bùi Thị Hoài Anh, hay là của những người khác có liên quan. Nguyên tắc là những quyền lợi chính đáng của khách hàng luôn được bảo vệ, Phó thống đốc NHNN khẳng định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật sư phân tích về trách nhiệm của ngân hàng khi làm mất tiền của khách hàng trong tài khoản