PVN cho rằng, việc thu xếp 70% vốn vay để triển khai các dự án có quy mô lớn, vốn đầu tư lớn như nhà máy điện Sông Hậu 1 và Long Phú 1, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất... hết sức khó khăn và không hiệu quả nếu không có bảo lãnh của Chính phủ.

Khó thu xếp vốn, PVN xin Chính phủ bảo lãnh một loạt dự án

12/11/2018, 14:35

PVN cho rằng, việc thu xếp 70% vốn vay để triển khai các dự án có quy mô lớn, vốn đầu tư lớn như nhà máy điện Sông Hậu 1 và Long Phú 1, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất... hết sức khó khăn và không hiệu quả nếu không có bảo lãnh của Chính phủ.

Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 - Ảnh: PVN

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa báo cáo cho biết đang còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng các dự án, đặc biệt là các dự án điện thuộc Tổng sơ đồ điện VII hiệu chỉnh.

Cụ thể, PVN cho biết do quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 22% phần lợi nhuận sau thuế chỉ được trích lập 3 quý (khoảng 30% giá trị lợi nhuận sau thuế), phần còn lại nộp hết vào ngân sách nhà nước, do đó tập đoàn không đủ để thực hiện trách nhiệm của nhà đầu tư mà phải yêu cầu bảo lãnh vay vốn là bắt buộc.

Nhiều dự án có quy mô lớn, vốn đầu tư lớn như nhà máy điện Sông Hậu 1 và Long Phú 1, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất… nếu không có bảo lãnh Chính phủ thì việc thu xếp 70% vốn vay để triển khai các dự án này là hết sức khó khăn và không hiệu quả.

Trong khi đó, hiện nay các bộ định mức đơn giá do các cơ quan quản lý ban hành chưa đầy đủ, chưa phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công giá thị trường dẫn tới chủ đầu tư gặp khó khăn trong tác lập tổng mức đầu tư, tổng dự toán đối với các nhà máy nhiệt điện.

Đơn cử tại dự án Nhiệt điện Long Phú 1, tính đến hết tháng 9, tiến độ tổng thể mới chỉ đạt 77% so với tiến độ cấp 2 được phê duyệt là 99,35%, chậm khoảng 22,34%. Nguyên nhân chính theo PVN là tổng mức đầu tư điều chỉnh chưa được cấp thẩm quyền xem xét, chấp thuận và khó khăn trong thu xếp vốn.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 có tổng mức đầu tư 1,2 tỉ USD, được triển khai trên địa bàn huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng do PVN làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ đầu năm 2011 và dự kiến hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2014, tổ máy 2 vào năm 2015. Tuy nhiên, tiến độ của dự án đang bị chậm rất nhiều so với kế hoạch.

Tương tự tại dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, một nguyên nhân không nhỏ dẫn tới việc chậm tiến độ là phương thức điều chỉnh giá chưa được duyệt… Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỉ đồng (khoảng 2 tỉ USD), có 2 tổ máy với công suất hoạt động khoảng 1.200 MW.

Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng, do thực hiện dự án đầu tư chậm, không đáp ứng yêu cầu tiến độ đã được phê duyệt nên cuối năm 2014, PVN phải phê duyệt điều chỉnh tăng thêm tổng mức đầu tư hơn 10.457 tỉ đồng.

Dự án này được khởi công xây dựng vào tháng 5.2015 và theo Quyết định của Thủ tướng ban hành năm 2013 thì sẽ phát điện tổ máy 1 vào năm 2018, tổ máy 2 vào năm 2019. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án cho biết, đến tháng 9.2017 dự án bị chậm tiến độ xấp xỉ 26%, tương ứng 15 tháng so với yêu cầu.

Liên quan đến việc bảo lãnh chính phủ cho 3 tập đoàn EVN, PVN và TKV, mới đây Bộ Tài chính cho rằng với các dự án BOT thì việc thực hiện các hợp đồng thương mại là nghĩa vụ của 3 tập đoàn trên, bởi lẽ hiện chưa có khuôn khổ pháp lý chung quy định về trách nhiệm, phạm vi bảo lãnh của Chính phủ đối với các dự án BOT.

Vì vậy, các bên tham gia hợp đồng này phải tự lựa chọn hình thức bảo lãnh thực hiện hợp đồng phù hợp (ví dụ qua các định chế tài chính). Chính phủ không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh này.

Đối với những dự án Chính phủ đã bảo lãnh một số nghĩa vụ của EVN, PVN và TKV thì các tập đoàn này cần rà soát định kỳ rủi ro phát sinh trong việc thực hiện cam kết của các đối tác phía Việt Nam có thể chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ. Trường hợp phát sinh nghĩa vụ nợ dự phòng, cần báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định để bố trí dự toán ngân sách thực hiện.

Về các ưu đãi thuế, những dự án BOT nhà máy nhiệt điện được áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Tài chính cũng đề nghị rà soát ưu đãi về thuế xuất khẩu, nhập khẩu tại hợp đồng bảo lãnh và thỏa thuận bảo lãnh của một số dự án nhà máy nhiệt điện hiện nay để đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo bỏ công thức cho việc thanh toán trong trường hợp chấm dứt hợp đồng sớm, vì sẽ rất rủi ro khi Chính phủ phải thanh toán hơn 2 tỉ USD/dự án trong trường hợp dự án chấm dứt ngay sau ngày vận hành thương mại.

Theo Bộ Tài chính, hiện kế hoạch trung hạn về dự toán ngân sách nhà nước chưa tính đến nghĩa vụ nợ tiềm tàng có thể chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng này của Chính phủ.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
5 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó thu xếp vốn, PVN xin Chính phủ bảo lãnh một loạt dự án