Chiều ngày 9.11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 với 418/422 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 86,19% tổng số đại biểu quốc hội.

Bội chi ngân sách năm 2019 là 222.000 tỉ đồng tương đương 3,6% GDP

09/11/2018, 17:14

Chiều ngày 9.11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 với 418/422 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 86,19% tổng số đại biểu quốc hội.

Các đại biểu biểu quyết - Ảnh: VPQH

Theo đó, Quốc hội quyết nghị tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2019 là 1,41 triệu tỉ đồng. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1,63 triệu tỉ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 222.000 tỉ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Cụ thể, bội chi ngân sách trung ương là 209.500 tỉ đồng, tương đương 3,4%GDP; bội chi ngân sách địa phương là 12.500 tỉ đồng, tương đương 0,2%GDP. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 425.252 tỉ đồng.

Quốc hội cho phép sử dụng 10.380 tỉ đồng kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2017 để xử lý cho các nhiệm vụ: Bù giảm thu cân đối ngân sách trung ương là 5.894 tỉ đồng; hỗ trợ bù giảm thu cân đối ngân sách địa phương là 2.815 tỉ đồng; hỗ trợ một số địa phương thiếu nguồn thực hiện chính sách tiền lương là 1.671 tỉ đồng. Số kinh phí này quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2017.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện thu cân đối ngân sách nhà nước đối với toàn bộ phần lãi dầu, khí nước chủ nhà và lợi nhuận được chia từ Liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro); bố trí chi đầu tư phát triển ngân sách nhà nước tương đương 32% khoản thu này để đầu tư các dự án trọng điểm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Nghị quyết giao Chính phủ điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao. Theo đó, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; đẩy mạnh việc thực hiện khoán sử dụng xe công; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm xây dựng nền hành chính quốc gia hiện đại, kết nối thông suốt, đi đôi với tăng cường giám sát trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước. Rà soát lại các chương trình mục tiêu để bãi bỏ các nội dung chồng chéo, kém hiệu quả.

Chính phủ tăng cường quản lý, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, nhất là quản lý chặt chẽ về suất đầu tư các công trình xây dựng cơ bản. Bổ sung các định mức kỹ thuật của ngành, lĩnh vực, góp phần giảm chi phí đầu tư.

Thực hiện nghiêm quy định về việc giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Tổng mức phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2019 không quá 40.000 tỉ đồng để đầu tư cho các chương trình, dự án đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

Ngoài ra, Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ hoàn thiện các văn bản quy định và đẩy mạnh tiến độ thực hiện về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập của từng lĩnh vực, bảo đảm tính đồng bộ, kịp thời. Rà soát, tổ chức sắp xếp lại, đổi mới cơ chế hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; cơ chế tài chính đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị trong một số ngành, lĩnh vực bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1.7.2019.

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết cần phải thực hiện đúng quy định về nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Việc phân chia cổ tức bằng cổ phiếu của phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp tuy thuộc thẩm quyền quyết định của đại hội cổ đông của các doanh nghiệp cổ phần, song cũng cần có quy định hướng dẫn việc phân bổ, bảo đảm lợi ích của Nhà nước khi đầu tư.

Vì vậy, để bảo đảm thực hiện việc phân bổ cổ tức của các doanh nghiệp cổ phần hàng năm hợp lý, lâu dài và minh bạch, cần có chính sách để định hướng chung về phân bổ cổ tức quy định cho tất cả các doanh nghiệp cổ phần, trong đó có doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. UBTVQH đã tiếp thu và đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, ban hành chính sách theo thẩm quyền để hướng dẫn thực hiện vấn đề này.

Sau khi nghe trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 418/422 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 86,19% tổng số đại biểu Quốc hội.

Về sử dụng nguồn kinh phí còn lại và chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2017, Nghị quyết cho phép sử dụng số kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2017 để xử lý cho các nhiệm vụ: bù giảm thu cân đối ngân sách trung ương; hỗ trợ bù giảm thu cân đối ngân sách địa phương; hỗ trợ một số địa phương thiếu nguồn thực hiện chính sách tiền lương. Số kinh phí này quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2017.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
11 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bội chi ngân sách năm 2019 là 222.000 tỉ đồng tương đương 3,6% GDP