Các nhà khoa học khí hậu Nga cho biết, nước này đang trải qua sự gia tăng nhiệt độ với tốc độ nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới.
Phát biểu với nhật báo Nga Novye Izvestia, Igor Shumakov, người đứng đầu Cơ quan Giám sát Môi trường và Khí tượng Thủy văn Liên bang Nga (Roshydromet), hôm 10.10 cho biết, 7 năm qua là thời kỳ "ấm áp" nhất của Nga.
"Lãnh thổ của Nga đang ấm lên nhanh hơn so với toàn bộ hành tinh. Nhiệt độ ở đây đang tăng lên, băng biển đang hẹp lại, băng vĩnh cửu đang suy thoái và biến đổi khí hậu sắp trở nên tồi tệ hơn”, ông nói.
Nhật báo Novye Izvestia cũng dẫn lời một chuyên gia khí hậu tại Đài quan sát địa vật lý chính Voeikov của Nga, Vladimir Kattsov nói rằng khí hậu ở quốc gia này đang ấm lên nhanh hơn 2,5 lần so với phần còn lại của hành tinh.
Theo ông Kattsov, Bắc Cực, bao gồm một phần đáng kể lãnh thổ Nga, đang đang bị ảnh hưởng bởi “sự nóng lên toàn cầu". Vùng cực bắc đang ấm lên nhanh hơn so với các vùng ở vĩ độ thấp là do một quá trình được gọi là "khuếch đại Bắc Cực". Điều này xảy ra do băng biển tan chảy đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Băng biển màu sáng phản xạ nhiệt trở lại không gian được thay thế bằng nước biển sẫm màu hơn, giữ nhiệt nhiều hơn.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin từng nhiều lần cảnh báo về việc khí hậu ở Nga đang ấm lên nhanh hơn mức trung bình trên thế giới. Trong 10 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng 0,5 độ C. Ông Putin cũng nhấn mạnh các vấn đề về biến đổi khí hậu vô cùng nghiêm trọng và Nga đang phải gánh chịu hậu quả của sự ấm lên toàn cầu.
Các nhà khoa học cho biết 2/3 lãnh thổ Nga là các khu vực đóng băng vĩnh cửu. Hiện tượng ấm lên toàn cầu chỉ là một trong các hiện tượng khí hậu đang được chú ý. Bên cạnh đó, còn nhiều thay đổi khác cũng đang diễn ra như: lượng mưa, sự lưu thông của không khí trong bầu khí quyển và nước trong đại dương đang thay đổi. Tất cả những yếu tố này đều dẫn tới sự thay đổi về thời tiết.
Julienne Stroeve, giáo sư quan sát địa cực và mô hình hóa tại Đại học College London (Anh), nói với Newsweek rằng bà không chắc khí hậu ở Nga đang nóng lên nhanh hơn phần còn lại của hành tinh là chính xác nhưng "có thể là như vậy".
“Sự ấm lên từ hiện tượng khuếch đại ở khu vực Bắc Cực phần lớn là kết quả của việc mất đi lớp băng biển và cũng là do lớp tuyết phủ mùa xuân bị loại bỏ sớm hơn. Cả hai điều này đều khiến đại dương và đất liền ấm lên”, bà Stroeve nói và tiết lộ thêm rằng Siberia đã có độ ấm kỷ lục trong vài năm qua, phù hợp với sự khuếch đại của Bắc Cực nói trên.