Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh một cậu học trò tiểu học áo sơ mi trắng ngắn tay, quần cụt đen, đi chân không, da mặt sạm nâu, tóc khét nắng đứng xếp hàng vào lớp học sau tiếng trống trường đổ liên hồi, dõng dạc, thúc giục.

Khoảng cách không nhẹ nhàng

21/03/2016, 10:00

Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh một cậu học trò tiểu học áo sơ mi trắng ngắn tay, quần cụt đen, đi chân không, da mặt sạm nâu, tóc khét nắng đứng xếp hàng vào lớp học sau tiếng trống trường đổ liên hồi, dõng dạc, thúc giục.

Dù hôm đó có được mẹ cho ít đồng bạc ăn xôi hay không, trưa nay về nhà sẽ ăn cơm với gì, buổi chiều tối có lùa trâu ngoài đồng về chuồng, đốt “con cuối” xua muỗi ngồi học bài dưới ánh đèn dầu leo lét… nhưng gương mặt cậu bé học trò ấy vẫn sáng mênh mông, đôi mắt long lanh, đầy niềm tin để bước theo hàng, theo các bạn vào lớp với tiếng đọc một bài học thuộc lòng đều tăm tắp mà thầy cô dạy từ quyển sách Giáo khoa thư.
Đó là một bài thơ có vần, dễ hiểu, dễ thuộc mang đầy tính nhân văn, nội dung dạy về đạo đức, cách học làm người tốt, một công dân tốt cho xã hội ngày mai. Lớn lên học cấp 2, cấp 3 (hệ 12 năm) trường tỉnh, thành phố, dù là trường công lập hay tư thục vẫn theo một chương trình dạy, một hệ thống sách giáo khoa và cho dù đã đậu Trung học đệ nhất cấp (Bằng Thành chung), hay là cậu Tú, cô Tú (Tú tài 1, Tú tài 2) vẫn đi thưa, về trình với cha mẹ, ông bà ở gia đình. Trong lớp kính trọng thầy cô một phép, ra đường gặp thầy cô không phải đứng dạy lớp mình vẫn cúi đầu chào, gặp đám tang đi qua vẫn dừng xe lại, lấy nón xuống cúi đầu, thành tâm, tiễn đưa người quá cố.
Ngoài giờ học, ở nhà, nếu muốn ra ngoài chơi với bạn bè, hoặc đi công việc gì cũng xin phép cha mẹ, ông bà, không bao giờ tự tiện đi. Học trò thời đó sợ nhất là giấy báo của trường gửi về nhà: Cúp cua, học kém, vi phạm kỷ luật, gây gổ trong lớp… Chuyện đánh nhau giữa trò và trò rất hiếm, đánh gây thương tật là chuyện nghiêm trọng, chuyện trò đánh thầy là không bao giờ có.
Học trò ngày nay từ nhỏ đã thiếu tinh thần “Quốc văn Giáo khoa thư”, không gọi bạn cùng lứa, cùng lớp bằng “trò” nữa mà cứ phang mày tao, gặp thầy cô có cúi đầu chào? Ra đường gặp đám tang ngang qua có đứng lại ngả nón? Ở bậc trung học, thậm chí đã là sinh viên có cô cậu nào ứng xử xã hội kiểu “Tiên học lễ, hậu học văn” hay hở tí là thách đấu, đánh nhau, “bề hội đồng” người cô thế, thậm chí rút hung khí ra thanh toán “đối thủ”.
Xem chữ “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” không bằng cái đinh gì, thậm chí có mâu thuẫn sẵn sàng đón đường thầy đánh dằn mặt hoặc đánh cho chết với trận đòn thù có khi không phải chỉ mỗi cá nhân có mâu thuẫn mà cả một nhóm bạn a dua theo. Học trò bây giờ xa rời thiên nhiên, tắm đẫm hồn mình với con sông quê, ngọn khói đốt đồng, tiếng lúa rì rào, chim sơn ca hót vọng trên tầng không, tiếng dế gáy vang trong cỏ mà rất gần với bạo lực phim ảnh, trò chơi điện tử, mạng xã hội.
Con gái mâu thuẫn đánh nhau thì lột áo, quay clip tung lên mạng internet, con trai đánh nhau thì “máu lửa” hơn, y như phim bạo lực, thậm chí con gái mâu thuẫn trên Facebook, kéo theo nhóm bạn trai thách đấu giải quyết “ân oán giang hồ”. Mới nhất là nhóm học sinh 16-18 tuổi vì bênh bạn gái mâu thuẫn trên Facebook vác hung khí đi tìm nhóm bạn trai đã gây mâu thuẫn đánh nhau chí mạng, có người bị chém đứt bàn tay không nối lại được.
Tôi có một anh bạn ở nước ngoài về, ngồi uống cà phê, nghe anh bạn than thở, con cái sống ở Tây đã đồng hóa với văn hóa Tây, ứng xử theo Tây. Con trai anh bạn 18 tuổi, đang đi học, vẫn còn nhờ chu cấp của cha mẹ nhưng ngang nhiên dẫn bạn gái về nhà ngủ qua đêm không xin phép cha mẹ. Anh bạn tôi dằn cơn giận, đợi sáng ra, cô gái kia ra về, kêu con trai mình tới trách sao dẫn bạn gái về nhà ngủ qua đêm mà không xin phép cha mẹ. Cậu con trai trả lời tỉnh bơ: Bạn gái ngủ phòng riêng của con mắc gì phải xin phép cha mẹ? Anh bạn… đuối lý (theo văn minh của Tây), cũng không thể dùng quyền cha mẹ để đánh con trai gọi là răn dạy theo phép nhà, đạo đức truyền thống Việt Nam được, vì con trai sẽ gọi 119 và cảnh sát Mỹ sẽ còng tay anh bạn tôi vì tội hành hung trẻ em.
Nói chi ở Mỹ, ở Pháp, ngay trong nước, tôi cũng có anh bạn từng than thở con cái bây giờ quá xa cách với cha mẹ, con trai anh 16-17 tuổi, thương con, sợ con chạy xe ra đường không an toàn, đi học cũng phải đón đưa. Con trai anh hẹn với bạn tại quán cà phê anh không thể vào ngồi cùng bàn với con mình hoặc bàn bên cạnh để chờ mà phải dừng xe bên ngoài cửa quán để chờ. Thấy quá lâu, anh nhắn tin vào máy di động, không thấy con trả lời, anh sốt ruột vào quán kêu con về thì bị con chất vấn: Sao ba không chờ ngoài quán mà vào đây làm gì, con đang nói chuyện với bạn con mà?
Anh bạn mất tiếng và đứng hình luôn. Trên đây là những khoảng cách, khoảng cách của thế hệ và khoảng cách của không gian văn hóa. Nếu đạo đức là chuẩn mực để rèn luyện nhân cách con người thì do môi trường xã hội tác động đã không có nhịp cầu nối giữa hai thế hệ (hoặc nhiều thế hệ tiếp theo). Đây chính là vấn đề của giáo dục.
Còn khoảng cách không gian văn hóa thì rõ ràng đạo đức truyền thống đã mất dần tác dụng ngay trong nước chứ đừng nói chi ở nước ngoài. Khoảng cách này thật sự đáng báo động, dù muốn hay không cũng phải chấp nhận vì thế hệ ngày nay đã khác thế hệ ngày xưa. Nhưng chấp nhận thật không hề nhẹ nhàng, thậm chí phải nói chữ “đắng lòng”.
Từ Kế Tường
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khoảng cách không nhẹ nhàng