Chiều 31.8, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phối hợp với UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ khởi công 3 gói thầu thuộc 2 dự án lớn nhất của ACV hiện nay.

Khởi công nhà ga sân bay Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Đình Mười - Hoàng Phúc | 31/08/2023, 18:20

Chiều 31.8, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phối hợp với UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ khởi công 3 gói thầu thuộc 2 dự án lớn nhất của ACV hiện nay.

Sự kiện được diễn ra tại 2 địa điểm: Long Thành, tỉnh Đồng Nai và Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Tham dự lễ khởi công tại 2 địa điểm trên có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo nhiều Bộ, ngành, TP.HCM, tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu…

Các gói thầu gồm: Gói thầu số 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách” và Gói thầu số 4.6 “Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác” thuộc Dự án thành phần 3 – Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1; Gói thầu số 12 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3” thuộc dự án “Xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất”, với tổng mức đầu tư lên đến trên 53 nghìn tỉ đồng.

Theo ACV, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành có tổng kinh phí đầu tư là 35.000 tỉ đồng. Công trình xây trên khu đất rộng 150ha, thiết kế hai luồng đi và đến tách biệt, gồm một tầng trệt và 3 lầu, đỉnh mái cao gần 46m, bố trí 40 vị trí đỗ máy bay, dự kiến hoàn thành và khai thác trong năm 2026.

c756c099ab5324ac387ef4b4057c7f56.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự lễ khởi công

Đây được xem như “trái tim” của sân bay Long Thành giai đoạn 1 vì giá trị lớn và tính phức tạp về mặt kỹ thuật nhất hiện nay. Trước đó, ngày 24.8, ACV đã xác nhận nhà thầu cho công trình này là Liên danh Vietur.

Với hình ảnh cách điệu bông hoa sen làm ý tưởng và được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục, được bố trí theo dạng tập trung gồm khu vực trung tâm và 3 cánh. Điểm đặc biệt của công trình là tại khu vực làm thủ tục hàng không được bố trí các ô lấy ánh sáng trung tâm. Ngoài ra, từ tầng 3 xuống tầng 1 cũng được thiết kế bố trí thác nước nhân tạo và cảnh quan khu vực kết hợp với ánh sáng tán xạ khu vực bên trên các ô kính tạo cảm giác mát mẻ và hòa mình vào thiên nhiên.

c20b21b76838e1b1ea00a93f360c4d05.jpeg
Phối cảnh bên trong nhà ga sân bay Long Thành

Với thiết kế 1 triệt và 3 tầng lầu, tổng diện tích sàn hơn 376 nghìn m2, chiều cao đỉnh mái 45,55m, bố trí 40 vị trí đỗ gần cho các máy bay code C, E, F.

Gói thầu 4.6 “Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác” của Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành bao gồm: 

+ Các hạng mục sân đường khu bay với đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000m, chiều rộng 75m (bao gồm 45m lòng đường+ 2x15m lề); Hệ thống 02 đường lăn song song, 06 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối, diện tích khoảng 69,3 ha; 04 sân đỗ tàu bay và các sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất với diện tích khoảng 12,4 ha.

+ Các hạng mục hạ tầng giao thông đi kèm như: Hệ thống đường công vụ khu bay (bao gồm đường kết nối khu bay, đường công vụ sân đỗ nhà ga hàng hóa, hangar, đường vành đai, đường bảo trì, đường tiếp cận khẩn cấp) có tổng chiều dài 29,67 km; hệ thống thoát nước mưa khu bay; Hệ thống đèn hiệu sân bay (AGL); Hệ thống chiếu sáng sân đỗ tàu bay (AFL), Hệ thống thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác – ILS/DME đạt tiêu chuẩn CAT II. 

+ Ngoài ra, gói thầu 4.6 còn bao gồm các hạng mục công trình phụ trợ như: hệ thống hàng rào an ninh khu bay, bốt gác để đảm bảo công tác an ninh, ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài.

Gói thầu số 4.6 có dự toán được phê duyệt hơn 7.308 tỉ đồng, với thời gian thi công 700 ngày – là gói thầu lớn thứ 2 thuộc Dự án thành phần 3 – Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1. Đây là gói thầu quan trọng của Dự án, liên quan trực tiếp tới hoạt động bay an toàn, hiệu quả nên yếu tố tỉ mỉ, chính xác về mặt kỹ thuật được đặt lên hàng đầu. Các công nghệ tiên tiến, trang thiết bị tối tân nhất hiện nay cũng được áp dụng vào dự án để xây dựng Cảng HKQT Long Thành hiện đại, thông minh, sánh ngang với các sân bay lớn cùng quy mô trên thế giới.

Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 là dự án quan trọng quốc gia, công trình cấp đặc biệt, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với quy mô đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Nếu hoàn thành tất cả các giai đoạn, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai và hướng tới trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực.

68d6ec95a4eb2c1808aace3aadc296d1.jpeg
Hình ảnh khởi công nhà ga sân bay Long Thành và nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất tại đầu cầu TP.HCM

Cùng thời điểm trên, tại TP.HCM, nhà ga T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cũng được lệnh khởi công với tổng vốn đầu tư 10.990 tỉ đồng. Đây là 1 trong 3 cửa ngõ hàng không quốc tế (HKQT) lớn nhất, có vai trò quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không toàn quốc. Với vai trò là cảng hàng không trung tâm, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM và khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Nhà ga có hình tuyến tính tương đồng với nhà ga hiện hữu, được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục truyền thống, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động và 42 kiosk check-in, 27 cửa ra tàu bay (13 cửa bằng ống lồng), 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách. Đặc biệt, nhà ga T3 được thiết kế 8 cửa kiểm soát an ninh và 1 khu riêng biệt phục vụ khách VIP, hạng thương gia và khách ưu tiên. 

7691cf413d239e89d08539d240181830.jpeg
Phối cảnh nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất

Hạng mục nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không là tổ hợp gồm 2 tầng hầm, 2 tầng hầm chung, 2 khối phức hợp thương mại văn phòng 4 tầng nổi và khối nhà để xe máy 3 tầng nổi được kết nối với nhau bằng hành lang cầu, tổng diện tích sàn xây dựng là 130.000m2. Trong khi đó, hệ thống đường tầng trên cao ở hai cao trình nhà ga gồm: Tầng 2 có quy mô từ 2-3 làn xe, chiều rộng mỗi làn 3,5m; Tầng 3 có quy mô từ 2-5 làn xe, chiều rộng mỗi làn 3,5m.

Hiện nay, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang khai thác với một nhà ga hành khách quốc tế và một nhà ga hành khách quốc nội. Sau nhiều lần cải tạo, nhà ga hành khách quốc nội mở rộng có công suất thiết kế là 15 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, sản lượng hành khách quốc nội hiện đang khai thác là hơn 26 triệu hành khách/năm, quá tải hơn 1,7 lần so với công suất thiết kế. Vì vậy, tình trạng ùn tắc trong nhà ga và hệ thống đường giao thông kết nối thường xuyên xảy ra, gây bức xúc cho hành khách và người dân, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội, du lịch của TP.HCM và các tỉnh lân cận. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khởi công nhà ga sân bay Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất