Việc thiếu nguồn cung vốn trung và dài hạn, do áp lực điều chỉnh tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trong năm 2017 giảm mạnh, đang khiến một số ngân hàng rục rịch tăng lãi suất tiền gửi.

Ngân hàng lại 'rục rịch' tăng lãi suất tiền gửi

Phan Diệu | 15/05/2017, 14:08

Việc thiếu nguồn cung vốn trung và dài hạn, do áp lực điều chỉnh tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trong năm 2017 giảm mạnh, đang khiến một số ngân hàng rục rịch tăng lãi suất tiền gửi.

Nhiều ngân hàng điều chỉnhlãi suất

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng quyết định điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng. Động thái này đã gây ra nhiều bất ngờ do Chính phủ đang yêu cầu toàn bộ hệ thống ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Cụ thể, từ ngày 11.5, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) chính thức áp dụng chương trình gửi tiết kiệm trực tuyến với lãi suất lên 8% đối với kỳ hạn 36 tháng. Điểm đặc biệt của sản phẩm này là lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy 0,1%/năm.

Từ ngày 9.5, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cũng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm trên toàn hệ thống.

Theo đó, với các khoản tiền gửi từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, khách hàng được hưởng mức lãi suất tăng thêm 0,1%/năm so với mức lãi suất niêm yết. Với các khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, lãi suất được cộng thêm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết. Với các khoản từ 500 triệu đồng trở lên, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn 0,3%/năm so với mức lãi suất niêm yết.

Tuy nhiên, theo lưu ý của PVcomBank, chương trình tặng thêm lãi suất chỉ áp dụng với các khách hàng mở mới sổ tiết kiệm có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên và không áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.

Tương tự, ngày 8.5, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) quyết định tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài, trong đó mức lãi suất cao nhất lên tới 8,2% một năm cho kỳ hạn 18 tháng, tăng khoảng 0,3% một năm. Ở các kỳ hạn khác, mức lãi suất tương đối cao khi khách hàng gửi kỳ hạn 15 tháng được hưởng 7,9%/năm.

Đầu tháng 5, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) cũng gia nhập "cuộc đua" lãi suất khi đẩy lãi suất huy động lên 8,2%/năm.

Như vậy, đây là đợt tăng lãi suất đầu tiên sau khi một loạt ngân hàng bất ngờ giảm lãi suất huy động vào đầu tháng 4 vừa qua. Đơn cử như VPBank đãgiảm 0,3%/năm kỳ hạn gửi 15 tháng xuống còn 7,3%/năm, các kỳ hạn 7-12 tháng giảm 0,1% về tương ứng 6,9% và 7,1%/năm.

Hay Viet Capital Bank đưa ra thông báo giảm 0,1% ở kỳ hạn tiền gửi 18-60 tháng, xuống còn 7,8%/năm; MaritimeBank lại giảm 0,2% mức lãi đầu vào kỳ hạn 18-36 tháng, từ 7,4% về còn 7,2%/năm...

Áp lực nguồn cung vốn trung và dài hạn

Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, động thái tăng giảm lãi suất là bình thường. Hiện tại, do nhu cầu vốn tại một thời điểm nhất định, một số ngân hàng thương mại cổ phần có thể tăng lãi suất cục bộ và tạm thời, nhưng sau đó lại điều chỉnh giảm phù hợp với cung cầu thị trường.

Trên thực tế, thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào, thị trường không có áp lực tăng lãi suất. Do đó, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn giữ ổn định.

TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng lại cho rằng động thái tăng trưởng tín dụng là một trong những nguyên nhân khiến lãi suất huy động thời gian này rục rịch tăng. Theo ông, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm tới nay tăng 4% nên đã gây áp lực cho huy động vốn. Thời điểm này, để cạnh tranh huy động vốn thì điều dễ làm nhất là tăng lãi suất.

Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát năm nay đang cao hơn năm ngoái nên lãi suất khó xuống thấp được. Việctrái phiếu chính phủ vẫn có lãi suất cao cũngảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất. Do đó, khả năng giảm lãi suất thấp hơn khả năng tăng lãi suất.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) dự báo lãi suất của khối ngân hàng thương mại khả năng sẽ tăng nhẹ trong tháng 5.

“Mặc dù yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là không tăng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, tuy nhiên khả năng Fed tăng lãi suất cơ bản trong tháng 5, cùng với việc thiếu nguồn cung vốn trung và dài hạn do áp lực điều chỉnh tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm xuống trong năm 2017 còn 50%, sẽ tạo ra áp lực tăng lãi suất trong thời gian tới”, BSC nhận định.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng lại 'rục rịch' tăng lãi suất tiền gửi