Đại diện tập đoàn NIKE nhấn mạnh không có khoản trợ cấp hoặc giảm thuế nào quan trọng bằng việc cho phép mở cửa trở lại rộng rãi, bền vững; đồng thời việc mở cửa cần được đơn giản hóa và hài hòa giữa các tỉnh và địa phương.

Không có khoản trợ cấp, giảm thuế nào quan trọng bằng việc mở cửa rộng rãi trở lại

Lam Thanh | 30/09/2021, 18:08

Đại diện tập đoàn NIKE nhấn mạnh không có khoản trợ cấp hoặc giảm thuế nào quan trọng bằng việc cho phép mở cửa trở lại rộng rãi, bền vững; đồng thời việc mở cửa cần được đơn giản hóa và hài hòa giữa các tỉnh và địa phương.

Ngày 30.9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc trực tuyến với Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC).

Chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ rất chia sẻ, cảm thông với những khó khăn của các doanh nghiệp Mỹ. Ông tin rằng khó khăn chỉ là trước mắt và tạm thời, hai bên vẫn có cơ sở, nền tảng tốt để tiếp tục hợp tác phát triển vì sự thịnh vượng chung.

“Việt Nam sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Mỹ đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam. Việt Nam cũng đang thúc đẩy việc tăng nhập khẩu từ Mỹ, kịp thời xử lý các vướng mắc trong quan hệ, hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Việt Nam đang chuyển hướng về chiến lược phòng chống dịch theo hướng sống chung, an toàn và thích ứng với dịch COVID-19.

qh-3.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp

Theo đó, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn tốt của thế giới để ứng phó với đại dịch. Theo đó vừa bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, cân bằng được các lợi ích về y tế với các lợi ích về kinh tế xã hội khác, vừa phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch.

Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng đang nghiên cứu xây dựng chiến lược, khung khổ chính sách thống nhất để áp dụng nhất quán từ Trung ương đến địa phương có tính đến sự linh hoạt điều chỉnh nhất định cho phù hợp với từng địa phương. Chủ tịch Quốc hội mong muốn các doanh nghiệp Mỹ đóng góp, hiến kế cho Việt Nam trong việc hoàn thiện khung khổ này.

“Chúng tôi xác định, dự thảo khung khổ này phải được thảo luận hết sức kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, nhưng phải quyết định một cách rất quyết đoán và tổ chức thực hiện một cách rất quyết liệt, thống nhất”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Điện ảnh phải là một ngành công nghiệp, kinh tế mới nổi

Đại diện tập đoàn NIKE nhấn mạnh không có khoản trợ cấp hoặc giảm thuế nào quan trọng bằng việc cho phép mở cửa trở lại rộng rãi, bền vững; đồng thời việc mở cửa trở lại này cần được đơn giản hóa và hài hòa giữa các tỉnh và địa phương.

Đại diện của Netflix đánh giá rất cao quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu ra khi thảo luận về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), rằng điện ảnh không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp mới nổi có thể có tác động giúp các ngành khác tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là du lịch.

Do đó, cần phải rà soát toàn diện và sửa đổi khung pháp lý để từ đó thể hiện rõ quan điểm coi điện ảnh là một sản phẩm văn hóa có giá trị cao, một ngành công nghiệp theo đúng nghĩa của nó với các chính sách kèm theo nhằm phát triển ngành như một lĩnh vực kinh tế.

qh-2.jpg
Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến

Chủ tịch Quốc hội cho rằng càng trong những lúc khó khăn chúng ta càng tìm ra nhiều cơ hội nhất. Khi kinh tế phục hồi, mọi thứ đã trở nên tốt đẹp thì những người đi sau chúng ta sẽ mất hết cơ hội. Đánh giá rất cao sự quan tâm của doanh nghiệp Mỹ dù hiện nay Việt Nam cũng đang còn nhiều khó khăn do tác động của đại dịch.

Về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), vừa qua, UBTVQH đã yêu cầu cơ quan soạn thảo phải đáp ứng được hai yêu cầu lớn.

Một là, quan điểm phát triển điện ảnh không chỉ là một loại hình văn hóa nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa, một ngành kinh tế mới nổi. Vì vậy, dự luật này phải tạo ra hành lang pháp lý để thúc đẩy điện ảnh phát triển với tư cách là một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật của một ngành kinh tế.

Hai là, ngành điện ảnh ngày nay phải đáp ứng được yêu cầu về sản xuất, lưu hành, phát hành trong môi trường số. Đây là vấn đề Quốc hội Việt Nam đặt yêu cầu khắt khe với Chính phủ phải đáp ứng được yêu cầu này. Quốc hội đang tiếp tục thảo luận về vấn đề này và cam kết sẽ bảo đảm tốt nhất theo các thông lệ và luật pháp quốc tế.

Tăng cường đối thoại chính sách theo hướng win-win

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thể chế của Việt Nam trong 5 năm tới quan tâm nhiều hơn đến thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả và đổi mới sáng tạo; quan tâm đến công tác giám sát coi đây là một trong những trọng tâm đổi mới hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các doanh nghiệp của Mỹ, Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN sẽ tăng cường hơn đối thoại chính sách theo hướng win-win (đôi bên đều có lợi) cho cả Chính phủ và doanh nghiệp.

Qua đó Chính phủ sẽ nâng cao năng lực quản trị quốc gia, doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và người dân, người lao động được hưởng lợi ích kinh tế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tích cực tăng cường góp ý cho hệ thống pháp luật, các chính sách theo tinh thần trách nhiệm, chia sẻ để hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu cuộc sống ở Việt Nam và dần hướng theo các chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế.

Bày tỏ Việt Nam trước mắt chưa thể bắt kịp trình độ lập pháp lâu đời hàng trăm năm của các nước phát triển, nhưng với vị thế ở nước đi sau, Việt Nam đẩy mạnh cải cách, đổi mới, dù đi sau nhưng đi nhanh hơn với bước đi và lộ trình phù hợp tình hình Việt Nam và xu hướng phát triển thế giới.

Mở ra chân trời mới cho hợp tác phát triển

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc USABC, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2017 Ted Osius cảm ơn những trao đổi, chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam; đặc biệt đánh giá cao sự tích cực, chủ động và thiện chí của lãnh đạo Quốc hội Việt Nam khi chấp thuận lời đề nghị tổ chức cuộc đối thoại hôm nay.

qh-4.jpeg
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC Ted Osius phát biểu tại buổi làm việc

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC Ted Osius hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để vượt qua khó khăn của đại dịch, thay đổi cách tiếp cận ứng phó với đại dịch. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, cộng động doanh nghiệp mong muốn hợp tác với Chính phủ để duy trì hoạt động, sản xuất, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Ông Ted Osius cho biết cộng động doanh nghiệp ủng hộ viêc thực hiện nhiệm vụ kép của Việt Nam và cam kết sẽ cùng Việt Nam để vượt qua đại dịch, trở lại trạng thái bình thường mới.

Phó chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành Khu vực của Hội đồng Michael Michalak cho biết, khẳng định cam kết của USABC sẵn sàng trao đổi, thảo luận, cử ra bộ phận thường trực trong hợp tác với Quốc hội Việt Nam, cho rằng cuộc đối thoại lần này đã mở ra chân trời mới trong hợp tác phát triển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không có khoản trợ cấp, giảm thuế nào quan trọng bằng việc mở cửa rộng rãi trở lại