Tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tổng cục Thống kê: Bình quân mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Lam Thanh | 29/09/2021, 11:26

Tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp phá sản tăng, thành lập mới giảm

Tổng cục Thống kê cho biết dịch COVID-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 9 có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký.

Trong tháng 9.2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỉ đồng, giảm 69,3%.

Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỉ đồng, giảm 3,1%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 4/2021 với 73,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 79,4% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 4/2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 3/2021; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 71,8% và 68,8%.

Cũng trong tháng 9, có 2.240 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 28,2% so với tháng trước và giảm 31,5% so với cùng kỳ năm 2020; có 2.509 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 0,1% và giảm 38,8%; có 606 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 25,4% và giảm 65,1%.

dn.jpeg
Doanh nghiệp phá sản tăng mạnh

Tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Khách quốc tế đến Việt Nam giảm 97%

Trong tháng 9, nhiều địa phương nới lỏng dần giãn cách xã nên hoạt động thương mại trong nước và vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng so với tháng trước nhưng giảm so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hành khách tháng 9 ước tính đạt 80,9 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 70,7% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 2,4 tỉ lượt khách/km, giảm 79,2%.

Tính chung 9 tháng năm 2021, vận tải hành khách đạt 2.018,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 29,6%) và luân chuyển 82,7 tỉ lượt khách.km, giảm 30,9% (cùng kỳ năm trước giảm 35,2%).

Vận tải hàng hóa 9 tháng năm 2021 1,195 tỉ tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,3%) và luân chuyển 242,8 tỉ tấn/km, giảm 0,3% (cùng kỳ năm trước giảm 8,2%).

Khách quốc tế đến nước ta trong 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tăng trưởng tín dụng đạt 7,17%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021.

Kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng khá, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2021 tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán cho nền kinh tế tăng 12%.

Chi ngân sách tập trung cho phòng chống dịch

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước do nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng của hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20.9.2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số dự án đầu tư nước ngoài tính đến 20.9.2021 đăng ký cấp mới giảm 37,8% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng số vốn đăng ký tăng 20,6%.

Vốn đăng ký cấp mới bình quân 1 dự án trong 9 tháng năm 2021 đạt 10,3 triệu USD/dự án (cùng kỳ năm 2020 đạt 5,3 triệu USD/dự án).

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và kết quả thu ngân sách Nhà nước trong 9 tháng năm 2021.

Trong khi đó, chi ngân sách Nhà nước tập trung ưu tiên cho công tác phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15.9.2021 ước tính đạt hơn 1 triệu tỉ đồng, bằng 77% dự toán năm.

Tổng chi ngân sách Nhà nước ước tính đạt đạt 975,6 nghìn tỉ đồng, bằng 57,8% dự toán năm, trong đó, chi thường xuyên đạt 689,3 nghìn tỉ đồng, bằng 66,5%; chi đầu tư phát triển 202,2 nghìn tỉ đồng, bằng 42,4%; chi trả nợ lãi 77,7 nghìn tỉ đồng, bằng 70,6%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chung cư Hà Nội 'ngáo giá' và cảnh báo nguy cơ vỡ 'bong bóng'
Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong nhiều năm gần đây.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng cục Thống kê: Bình quân mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường