Chiều qua, Bộ Tài chính phát đi một bản thông báo công bố số liệu hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm nay. Trong bản thông báo này, có một chi tiết rất đáng lưu ý là thu từ dầu thô trong 2 tháng qua chỉ đạt 5.700 tỉ đồng, chỉ bằng 43% cùng kỳ năm ngoái.
Đây là một chỉ số buồn cho ngành dầu khí, bởi mọi năm, khoảng thời gian này, nộp ngân sách của ngành dầu khí trong rất nhiều năm không dưới con số 10 ngàn tỉ đồng, một tháng ít nhất cũng phải đạt 5.000 tỉ đồng. Nhưng năm nay, những đợt giảm sút mạnh, liên tục của giá dầu thô trên thị trường thế giới đã khiến giá dầu thô xuất khẩu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giảm mạnh theo. Cùng với giá xăng, dầu thành phẩm nhập khẩu cũng giảm nên nguồn thu vào ngân sách đầu năm nay giảm mạnh cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng trái ngược với chuyện buồn của ngành dầu khí, có một tín hiệu rất đáng mừng là tổng thu ngân sách 2 tháng đầu năm nay lại tăng, dù là tăng nhẹ ở mức 2,4% với cùng kỳ. Số thu nộp ngân sách Nhà nước đã đạt hơn 160 ngàn tỉ đồng do thu nội địa tăng gần 13%.
Con số trên cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã không còn hoàn toàn lệ thuộc vào khai thác, xuất khẩu nguồn tài nguyên chính là dầu thô như nhiều năm trước đây, khi ngành dầu khí luôn đóng góp khoảng 30% GDP. Thậm chí, trong một số nhiệm kỳ của lãnh đạo Chính phủ, có thời điểm kinh tế khó khăn, một số chuyên gia kinh tế còn nhận xét rằng: Việc tăng cường múc dầu đem bán đã “cứu” tăng trưởng. Nhưng rõ ràng, từ năm 2015 khi giá dầu thô đã giảm hơn một nửa so với mức giá để xây dựng kế hoạch thu ngân sách thì nền kinh tế vẫn trên đà phục hồi, tăng trưởng tốt, thu ngân sách tuy có nhiều khó khăn nhưng vẫn vượt kế hoạch.
2 tháng đầu năm nay, như con số của Bộ Tài chính cho thấy, kết quả thu ngân sách vẫn khả quan, càng cho thấy, khai thác, xuất khẩu dầu thô, tuy vẫn có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế; nhưng nó đã không còn quan trọng đến mức mà nếu không có ngành đó, nền kinh tế sẽ đi xuống, giảm tăng trưởng.
Bởi có một lẽ rất đúng đắn là khi giá dầu và nhiều nguyên, nhiên liệu đi cùng với nó là chi phí đầu vào rất quan trọng của nhiều ngành kinh tế. Nên một khi, giá dầu thô và các sản phẩm: gas, xăng, dầu…giảm sẽ giúp giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, khiến lợi nhuận, doanh thu của nhiều ngành kinh tế, nhiều doanh nghiệp tăng cao hơn. Và cũng nhờ đó, nguồn thu nội địa cũng tăng lên rõ rệt.
Những tính toán trước đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của Tổ công tác liên ngành về điều hành kinh tế vĩ mô, theo các kịch bản giá dầu xuống thấp, có phương án giá dầu dưới 30 USD/thùng sẽ làm giảm trên 1,3% GDP đã không còn chính xác. Những số liệu gần nhất của Tổng cục Thống kê đã cho thấy nền kinh tế vẫn trên đà phục hồi, tăng trưởng ổn định mà không cần nhiều số thu từ dầu thô như trước.
Tất nhiên, số thu từ nội địa tăng từ việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang tốt lên không chỉ do chi phí đầu vào từ xăng, dầu giảm nhưng thực sự, đó là một yếu tố rất quan trọng. Nếu cùng thời điểm này, những hoạt động cải cách môi trường đầu tư, đẩy mạnh xây dựng một nền kinh tế thị trường cạnh tranh, bình đẳng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp làm ăn…thì trong tương lai, kể cả giá dầu thô sút giảm mạnh hơn nữa, ngân sách nhà nước vẫn tăng trưởng bền vững.
Và nếu ngành dầu khí có những cải cách mạnh mẽ, hạn chế tiến tới ngừng xuất khẩu dầu thô để giữ lại, chế biến sâu, phục vụ thị trường trong nước, nếu xuất khẩu, chỉ xuất khẩu thành phẩm thì ngành này vẫn đóng góp lớn cho nền kinh tế, ở đẳng cấp cao hơn.
Mạnh Quân - Dân Trí