Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng sau khi Việt Nam hoàn thành ký kết hàng loạt FTA, điều quan trọng nhất bây giờ là làm sao để các hiệp định phát huy hiệu quả cao nhất.
Tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương ngày 7.1, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng trong khi hầu hết các thị trường, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam đều giảm xuất khẩu và các thị trường chính của Việt Nam đều giảm nhập khẩu thì Việt Nam vẫn tăng trưởng xuất khẩu, thậm chí là xuất siêu trong bối cảnh khó khăn.
Đạt được kết quả trên, theo ông Lộc, là do Việt Nam đã xây dựng vững chắc được nền tảng các hiệp định thương mại tự do (FTA). Bộ Công Thương đóng vai trò "nhạc trưởng" trong hội nhập kinh tế, và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một minh chứng điển hình.
Khi Ấn Độ tuyên bố rút khỏi hiệp định này, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và các nước đối tác để tìm kiếm giải pháp xử lý những vấn đề vướng mắc để kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP sau 8 năm, đồng thời hoàn tất rà soát pháp lý nội dung của hiệp định.
Hay với CPTPP trên bờ vực bất thành khi Mỹ rút khỏi hiệp định này khiến nhiều nước băn khoăn, Anh rời khỏi EU trong bối cảnh EVFTA đã hoàn thành ký kết... thì Việt Nam đã tái kết nối được các hiệp định và hoàn thành ký kết.
Ông Vũ Tiến Lộc ghi nhận công sức Chính phủ và Bộ Công Thương bỏ ra thời gian qua là vô cùng lớn. Vì vậy, ông cho biết cộng đồng doanh nghiệp hiện đang mong chờ làm thế nào để trong thời gian tới các FTA được thực thi với hiệu quả cao nhất.
"Không phải ký FTA xong rồi bó tay, không dám làm gì cả vì sợ vi phạm quy định. Nỗ lực rất lớn để ký kết mà thực hiện không hiệu quả thì rất lãng phí", ông Lộc nhấn mạnh.
Theo đó, Chủ tịch VCCI đưa ra 2 kiến nghị với Bộ Công Thương liên quan đến việc thực thi các FTA thời gian tới. Thứ nhất, hiện nay Cổng thông tin điện tử về các FTA đã ra đời, ông cho rằng hãy để cổng thông tin FTA không chỉ của riêng Bộ Công Thương, mà là của liên ngành, liên bộ, liên địa phương và Bộ Công Thương đóng vai trò là người điều phối, dẫn dắt.
Vì vậy, các doanh nghiệp có thể đến một địa chỉ và nắm bắt được thông tin của các bộ ngành. Doanh nghiệp mong muốn Bộ Công Thương thể hiện vai trò "nhạc trưởng" trong việc thực thi hiệp định, chứ không chỉ trong quá trình đàm phán.
Thứ hai, ông Lộc cho rằng bên cạnh những thể chế chính sách, thủ tục hành chính... điều cần thiết nhất bây giờ là chính sách công nghiệp để phát triển những ngành công nghiệp còn non trẻ. Do vậy, ông đề nghị Bộ Công Thương xây dựng Luật về ngành công nghiệp hỗ trợ để trình Quốc hội. Chính sách này sẽ tăng cường kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với các FTA.
Trước những kiến nghị của Chủ tịch VCCI, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ lấy phát triển của doanh nghiệp làm mục tiêu và là trọng tâm cho hoạt động của ngành Công Thương. Đồng thời sẽ lấy hiệu quả và sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo của quá trình đổi mới và tái cơ cấu.
Sang năm 2021, Bộ trưởng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương, lắng nghe doanh nghiệp, tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Mặc dù năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 nhưng chưa bao giờ, chỉ trong vòng một năm, Việt Nam tham gia liền 3 Hiệp định thương mại tự do, đó là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA). Tới nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó 13 hiệp định đã chính thức đi vào thực thi.