Đó là tuyên bố của Angela Rasmussen, nhà vi rút học tại Tổ chức Vắc xin và Bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Saskatchewan (Canada).

‘Không thể loại bỏ SARS-CoV-2 dù mọi người trên Trái đất đều tiêm vắc xin’

Sơn Vân | 21/01/2022, 23:56

Đó là tuyên bố của Angela Rasmussen, nhà vi rút học tại Tổ chức Vắc xin và Bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Saskatchewan (Canada).

Angela Rasmussen nói với Yahoo Finance Live rằng đại dịch COVID-19 không có khả năng kết thúc sớm. "Tính đặc hữu là những gì chúng ta đang thực sự nói đến", bà cho hay.

Một lý do khiến COVID-19 có thể ở lại đây là vì vi rút có khả năng lây nhiễm sang các loài động vật khác nhau. "Tôi không nghĩ rằng việc loại bỏ vi rút này sẽ có thể thực hiện được. Loại vi rút này lây nhiễm sang một số loài động vật khác nhau và ngay cả khi mọi người trên hành tinh đã được tiêm vắc xin, vẫn có những vật chủ như các loài động vật khác nhau mà vi rút này có thể xâm nhập”, Angela Rasmussen nói.

khong-the-loai-bo-sars-cov-2-du-moi-nguoi-tren-hanh-tinh-deu-tiem-vac-xin.jpg
Bà Angela Rasmussen nói không thể loại bỏ SARS-CoV-2 dù mọi người trên hành tinh đều tiêm vắc xin - Ảnh: Internet

Mối đe dọa của các biến thể mới sau Omicron, gồm cả những chủng tránh được vắc xin, vẫn tồn tại trên khắp thế giới. Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã nói như vậy tại sự kiện trực tuyến Davos của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay.

Mike Ryan cho biết: "Chúng ta sẽ không chấm dứt đại dịch trong năm nay. Chúng ta có thể không bao giờ loại bỏ được vi rút SARS-CoV-2. Những vi rút trong đại dịch này sẽ trở thành một phần của hệ sinh thái".

"Nhiều người nói về đại dịch và bệnh đặc hữu. Về từ 'đặc hữu' này, bệnh sốt rét đặc hữu giết chết hàng trăm nghìn người, bệnh HIV đặc hữu, bạo lực đặc hữu ở các thành phố của chúng ta. Bản thân 'đặc hữu' không có nghĩa là tốt. 'Đặc hữu' chỉ có nghĩa là nó ở đây mãi mãi", ông nói thêm.

Mike Ryan lưu ý rằng cột mốc quan trọng duy nhất mà thế giới có thể đạt được là khôi phục tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng.

khong-the-loai-bo-sars-cov-2-du-moi-nguoi-tren-hanh-tinh-deu-tiem-vac-xin2.jpg
Ông Mike Ryan nói COVID-19 chuyển sang giai đoạn đặc hữu không phải tốt vì nó sẽ tồn tại mãi mãi - Ảnh: Internet

Tiến sĩ Anthony Fauci gần đây cho biết trường hợp tốt nhất cho năm 2022 là số ca COVID-19 ở Mỹ giảm xuống mức dễ quản lý hơn. Trong trường hợp xấu nhất, Mỹ có thể bị tấn công bởi một biến thể khác đáng sợ hơn - giống như Omicron xuất hiện khi biến thể Delta đang lắng xuống.

Angela Rasmussen lưu ý rằng ngay cả khi Omicron đã phát triển mạnh, lây lan nhanh hơn các biến thể trước và gây ra các triệu chứng nhẹ hơn, điều đó không có nghĩa là chủng SARS-Cov-2 tiếp theo sẽ tầm thường.

"Chúng ta có thể không may mắn như vậy vào lần tới. Nếu nó khác biệt đáng kể so với Omicron hoặc bất kỳ biến thể nào khác đã lưu hành trước đây, chắc chắn có nhiều khả năng nhiễm đột phá hơn và gây bệnh nhiều hơn”, Angela Rasmussen nhận định.

Mũi vắc xin tăng cường hiệu quả cao ngăn nhập viện do nhiễm Omicron

Dữ liệu thực tế từ Mỹ và Anh cho thấy mũi vắc xin tăng cường bảo vệ mạnh mẽ ngăn nhập viện do nhiễm Omicron.

Dữ liệu chính thức cho thấy hiện chỉ có khoảng một nửa số người Mỹ tiêm vắc xin đầy đủ đã nhận mũi tăng cường và 20% dân nước này vẫn chưa chích ngừa COVID-19.

Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố hôm 20.1.2022, những người Mỹ từ 50 tuổi trở lên chưa tiêm vắc xin COVID-19 có nguy cơ nhập viện cao hơn 17 lần so với người đã hoàn thành 2 liều ban đầu mà chưa nhận mũi tăng cường.

Trong khi những người Mỹ chưa tiêm vắc xin từ 50 đến 64 tuổi có nguy cơ phải nhập viện vì COVID-19 cao hơn 44 lần so với những người trong cùng độ tuổi đã nhận mũi tăng cường.

Sự khác biệt thậm chí còn rõ ràng hơn với đối tượng từ 65 tuổi: Những người chưa tiêm vắc xin COVID-19 có nguy cơ nhập viện cao hơn 49 lần so với những ai đã nhận mũi tăng cường.

Dữ liệu này đến từ 250 bệnh viện trên 14 bang.

Một nghiên cứu sơ bộ khác từ các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Kaiser Permanente thuộc bang Nam California (Mỹ) cho thấy ba mũi vắc xin Pfizer có hiệu quả chống nhập viện khoảng 89% và được duy trì ít nhất 3 tháng.

Độ bền trong bảo vệ sau 3 tháng từ mũi vắc xin Pfizer tăng cường vẫn chưa được biết đến.

Các tác giả nghiên cứu nói khả năng bảo vệ chống lại nhập viện do nhiễm Omicron với hai liều vắc xin Pfizer là 68% trong vòng 6 tuần sau khi tiêm.

Các phát hiện dựa trên 8.694 trường hợp nhập viện ở Kaiser Permanente từ ngày 1.12.2021 đến ngày 11.1.2022.

Các tác giả nghiên cứu cho biết hai liều vắc xin Pfizer là không đủ và cần tiêm mũi tăng cường. Họ nói: “Đạt được mức độ bao phủ mũi vắc xin tăng cường cao là ưu tiên cấp bách về sức khỏe cộng đồng toàn cầu”.

Nghiên cứu này do Pfizer tài trợ và vẫn chưa được các chuyên gia khác xem xét kỹ lưỡng nhưng cũng phản ánh dữ liệu từ Anh.

Theo Cơ quan An ninh và Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), từ 2 tuần sau khi tiêm mũi vắc xin Pfizer tăng cường, khả năng bảo vệ chống lại nhập viện do Omicron là khoảng 89%, giảm nhẹ xuống còn 83% sau 10 tuần. Để so sánh, từ 2 đến 25 tuần sau liều vắc xin thứ hai, khả năng bảo vệ tránh nhập viện do Omicron là 64%, theo UKHSA.

Dữ liệu từ Mỹ và Anh cho thấy sức mạnh của vắc xin, đặc biệt là mũi tăng cường, trong việc ngăn nhiều người bị bệnh nặng khi hệ thống y tế căng thẳng và số ca nhiễm Omicron ở mọi lứa tuổi tăng vọt. Các bác sĩ ở Mỹ đã kêu gọi mọi người nên tiêm vắc xin và nhận mũi tăng cường.

Dữ liệu cũng gợi ý rằng hầu hết mọi người sẽ không cần thêm liều vắc xin thứ tư vì Omicron. Dù không ngăn nhiễm Omicron, các loại vắc xin hiện tại như AstraZeneca, Pfizer, Moderna vẫn đang hoạt động chống lại bệnh nặng do biến thể này gây ra nếu đã tiêm mũi tăng cường.

Bài liên quan
Biến thể Omicron làm xói mòn hy vọng đạt được miễn dịch cộng đồng
Với tốc độ lây lan cực nhanh và tránh được kháng thể từ các loại vắc xin hiện tại, biến thể Omicron làm mờ nhạt hy vọng về khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng của nhiều quốc gia, theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
11 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Không thể loại bỏ SARS-CoV-2 dù mọi người trên Trái đất đều tiêm vắc xin’