Những người ủng hộ y học cổ truyền Trung Quốc đã gặp Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để trình bày báo cáo về việc sử dụng nó trong cuộc chiến chống lại COVID-19.

Tổng giám đốc WHO nhận báo cáo từ Trung Quốc về dùng y học cổ truyền điều trị COVID-19

Sơn Vân | 21/01/2022, 09:45

Những người ủng hộ y học cổ truyền Trung Quốc đã gặp Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để trình bày báo cáo về việc sử dụng nó trong cuộc chiến chống lại COVID-19.

Phái đoàn do Huang Luqi, Phó ủy viên Cục Quản lý Y học cổ truyền Trung Quốc dẫn đầu, vừa gặp ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ).

Hôm 20.1.2021, phái đoàn của Huang Luqi công bố cho biết báo cáo từ Chinese Centre for Evidence-Based Medicine (Trung tâm Y học dựa trên bằng chứng của người Trung Quốc) đánh giá có hệ thống tính hiệu quả và an toàn của y học cổ truyền Trung Quốc bằng các phương pháp khoa học, đồng thời đề cập rằng ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận báo cáo “một cách vui vẻ”.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã viết trên Twitter rằng đã gặp Huang Luqi để “thảo luận về vai trò của y học cổ truyền Trung Quốc trong việc cải thiện sức khỏe của người dân”.

Huang Luqi cho biết Trung Quốc đã làm việc với WHO và đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của y học cổ truyền toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã ủng hộ mạnh mẽ y học cổ truyền và các hướng dẫn quốc gia về chống lại COVID-19, gồm cả một số phương pháp điều trị truyền thống.

Các phương pháp điều trị COVID-19 theo quy định bao gồm một loạt các triệu chứng từ nhẹ nhất đến bệnh nghiêm trọng. Một số bệnh nhân COVID-19 có thể uống thuốc, trong khi những người khác được tiêm tĩnh mạch.

tong-giam-doc-who-nhan-bao-cao-ve-dung-y-hoc-co-truyen-chong-va-dieu-tri-covid-19.jpg
Huang Luqi, Phó ủy viên Cục Quản lý Quốc gia về Y học cổ truyền Trung Quốc, trình bày báo cáo với ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO - Ảnh: Handout

Hôm 20.1.2022, thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) đã công bố hướng dẫn đầu tiên về cách điều trị COVID-19 bằng y học cổ truyền cho trẻ em với sự hỗ trợ của Ủy ban Y tế quốc gia và Zhang Boli - Chủ tịch Đại học Trung Y dược Thiên Tân. Động thái này diễn ra sau khi Thiên Tân phải đối mặt với hàng trăm ca nhiễm Omicron, trong đó nhiều trường hợp liên quan đến học sinh.

Theo trang SCMP, y học cổ truyền đang gây tranh cãi ở Trung Quốc và các nhà phê bình cho rằng nó là phản khoa học với lý do thiếu các thử nghiệm lâm sàng. Năm 2020, trong số 1,67 triệu phản ứng có hại của thuốc trên cả nước, 13,4% được báo cáo có liên quan đến y học cổ truyền.

Y học cổ truyền còn lâu mới được sự chấp nhận trên toàn cầu. Thế nhưng, Liên hoa Thanh ôn, một thuốc điều trị các triệu chứng COVID-19, được khuyến nghị trong hướng dẫn quốc gia của Trung Quốc. Liên hoa Thanh ôn đã được cấp phép đăng ký và giấy phép nhập khẩu ở gần 30 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Các nhà khoa học cho biết Liên hoa Thanh ôn (thành phần có hoa kim ngân, hoa chuông vàng Nhật Bản và một số loại thực vật khác) giúp giảm bớt các triệu chứng ở người nhiễm SARS-CoV-2.

Hôm 17.1.2022, các cơ quan y tế Pakistan thông báo đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng thành công Jinhua Qinggan Granules (thuốc thảo dược cổ truyền của Trung Quốc) để điều trị COVID-19 khi nước Nam Á này đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 5 do biến thể Omicron gây ra. Loại thuốc đông y này do Công ty TNHH dược phẩm Juxiechang (Bắc Kinh) sản xuất, từng được sử dụng để điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Trung Quốc trước đây.

"Vì Jinhua Qinggan Granules đã được thử trên những bệnh nhân nhiễm các biến thể SARS-CoV-2 khác nhau, chúng tôi hy vọng nó sẽ có hiệu quả trên cả Omicron", theo giáo sư Iqbal Chaudhry, Giám đốc Trung tâm Khoa học Hóa học và Sinh học quốc tế, nơi các thử nghiệm được tiến hành.

Phương pháp điều trị dùng Jinhua Qinggan Granules được thực hiện cho 300 bệnh nhân COVID-19 từ nhẹ đến trung bình. Các nhà khoa học từ Trung tâm Khoa học Sinh học và Hóa học quốc tế nhận thấy nó có tỷ lệ hiệu quả gần 82,7%, theo hãng tin Reuters.

Động thái này đánh dấu cột mốc quan trọng khác của Trung Quốc trong việc đạt được sự công nhận quốc tế. Vào tháng 5.2019, Hội đồng Y tế Thế giới thông qua một chương về y học cổ truyền trong phiên bản mới nhất của International Statistical Classification of Diseases and Related Health Problems (Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan), đặt ra tiêu chuẩn toàn cầu về thông tin chẩn đoán sức khỏe.

Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã kêu gọi kết hợp các phương pháp điều trị truyền thống và hiện đại để chống lại COVID-19 và thành lập các cơ sở nghiên cứu khoa học để phát triển y học cổ truyền nước này.

Tháng 5.2021, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc đã dựa vào y học cổ truyền hàng nghìn năm và các đại dịch như SARS, COVID-19 đã thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về phương pháp này. Ông nói thêm rằng Trung Quốc nên nhấn mạnh việc sử dụng khoa học hiện đại để giải thích y học cổ truyền.

Cẩn trọng với ‘Liên hoa Thanh ôn’ nhập lậu từ Trung Quốc

Lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua một số đối tượng đang tìm cách nhập lậu các loại thuốc điều trị COVID-19 từ nước ngoài vào Việt Nam. Đáng chú ý nhất là thuốc Liên hoa Thanh ôn (vỏ bao bì mang chữ Trung Quốc) được quảng cáo có thể chữa trị được bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 gây ra.

Tuy nhiên theo cơ quan chức năng, những loại thuốc này phần lớn mua bán trôi nổi, nhập lậu, chưa được ngành y tế kiểm định và xác nhận về chất lượng, công dụng chữa COVID-19.

Đường đi của các loại tân dược này được xác định là qua các cửa khẩu, đường mòn lối mở ở biên giới để vào Việt Nam. Nhiều vụ việc nhập lậu tân dược với số lượng lớn đã được cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ.

Ngày 11.8.2021, Cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp với lực lượng Công an TP.HCM phát hiện số lượng lớn thuốc tân dược nhập lậu sau khi kiểm tra căn nhà nằm trong hẻm đường An Dương Vương, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân.

Qua kiểm đếm ban đầu, lô thuốc có hơn 67.200 viên thuốc tân dược có dấu hiệu nhập lậu. Toàn bộ lô thuốc này có tên là Liên hoa Thanh ôn, bao bì toàn chữ Trung Quốc. Theo thông tin đăng trên mạng, người bán quảng cáo thuốc này có thể chữa trị các bệnh như ho, sốt, đau họng. Một số người còn đăng tải thông tin thuốc có thể điều trị COVID-19.

Qua đấu tranh, chủ lô hàng khai nhận mua thuốc từ một người phụ nữ ở thành phố Móng Cái, Quảng Ninh với giá 78.000 đồng/hộp, sau đó đem về rao bán trên mạng kiếm lời. Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ mua bán lô thuốc trên nên lực lượng quản lý thị trường tạm giữ lô thuốc để tiếp tục điều tra.

Đến 10.9.2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) cho biết đã thu giữ gần 10.000 hộp thuốc Liên hoa Thanh ôn nhập lậu về TP.HCM. Đây là loại thuốc được quảng cáo là "một phần liệu pháp điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung Quốc".

Trên thực tế, việc mua, bán thuốc Liên hoa Thanh ôn đang khá phổ biến trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, hay qua kênh thông tin của người bệnh và người nhà bệnh nhân. Sản phẩm này đang được rao bán 250.000đ/hộp.

Trước tình trạng nhập lậu, buôn bán các sản phẩm thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép, có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng người dùng, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán các thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, các trường hợp quảng cáo thuốc không đúng, quảng cáo thuốc quá công dụng, tăng giá thuốc không hợp lý, đầu cơ, găm hàng đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc sau mục đích.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị như Cục Quản lý dược, Thanh tra Bộ Y tế tăng cường quản lý việc kinh doanh, quảng cáo điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bài liên quan
WHO: Hơn 1/2 dân số châu Âu sẽ nhiễm Omicron trong 6-8 tuần tới, chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu
Hôm 11.1.2022, quan chức hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu dự báo hơn 1/2 dân số châu lục này sẽ nhiễm biến thể Omicron trong vòng 6 đến 8 tuần tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng giám đốc WHO nhận báo cáo từ Trung Quốc về dùng y học cổ truyền điều trị COVID-19