Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng không thể mở cửa kinh tế, khôi phục sản xuất, kinh doanh nếu như không mở sự đi lại.
Bộ GTVT đã có hướng dẫn tạm thời hoạt động vận tải hành khách trong điều kiện tình hình dịch từng bước được khống chế, đảm bảo vận tải thuận lợi và an toàn, tạo đà hồi phục cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hướng dẫn này vẫn chưa đi vào thực tiễn bởi các địa phương vẫn chưa công bố phương án vận tải trong tình hình mới, vận tải liên tỉnh vẫn chưa thể khôi phục.
Chưa kể, hiện tại các tỉnh không thống nhất trong cách áp dụng, mỗi địa phương cấp một loại giấy phép lưu thông khiến vận tải khách khó hoạt động.
Mới đây nhất, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị xem xét, chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài, dừng vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội.
Hay như Thái Nguyên cũng yêu cầu người dù về từ "vùng xanh" hoặc các địa phương, khu vực đã qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ trước khi vào tỉnh. Trường hợp không có giấy xét nghiệm trên phải thực hiện cách ly tại nhà 3 ngày và lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 2 lần bằng phương pháp PCR, tự trả phí.
Ngoài ra, các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Kạn, Hải Dương… cũng có văn bản yêu cầu tất cả những người từ địa phương khác vào tỉnh này đều phải có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR, thậm chí phải cách ly tại nhà 7-14 ngày.
Đến trưa hôm nay (6.10), đã có 12 địa phương có văn bản góp ý gửi về Cục Hàng không Việt Nam. Trong đó, có 9 địa phương gồm Điện Biên, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Nghệ An. TP.HCM và Thừa Thiên-Huế đồng ý hoàn toàn hoặc một phần (có đề xuất giảm tần suất) với kế hoạch của Cục Hàng không. Còn lại, 3 địa phương chưa đồng ý mở lại đường bay nội địa là Hải Phòng, Hà Nội và Gia Lai.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng Bộ GTVT đã ban hành hướng dẫn tạm thời, chủ trương cho mở lại các tuyến vận tải liên tỉnh. Tuy nhiên, việc mở lại các tuyến vận tải vẫn chưa có tỉnh nào triển khai được.
“Theo hướng dẫn, các sở GTVT phải đề xuất lên UBND các tỉnh, rồi 2 địa phương nơi đến, nơi đi phải thống nhất với nhau mới tổ chức được. Việc thống nhất này cần phải có thời gian. Hiện nay theo tôi được biết thì chỉ có TP.HCM với một số tỉnh khu vực phía nam đang trao đối ý kiến và ban đầu đạt được sự thống nhất, còn các tỉnh khác thì chưa ở đâu mở lại hoạt động vận tải liên tỉnh”, ông Quyền nói.
Theo ông Quyền, các doanh nghiệp vận tải khách đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản và họ đang từng ngày ngóng chờ được hoạt động trở lại. Việc mở cửa của các địa phương sẽ giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động, vượt qua giai đoạn khủng hoảng này. Nhưng hiện nay, ở những địa phương có nguy cơ thấp thì các tuyến vận tải nội tỉnh hoạt động, số lượng phương tiện hoạt động ít ỏi, vì vận tải chủ yếu vẫn là liên tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Quyền, đây không phải chỉ là khó khăn riêng của các đơn vị vận tải mà còn là khó khăn khi đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Hiện Chính phủ cũng đang chỉ đạo khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, trong khi hoạt động vận tải có vai trò quan trọng trong việc này. Nếu địa phương vẫn cứ bó chặt, không sớm khôi phục lại hoạt động vận tải liên tỉnh thì doanh nghiệp vận tải cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan khác sẽ gặp nhiều khó khăn, mục tiêu khôi phục sản xuất cũng bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, theo ông Quyền, nên tổ chức các tuyến vận tải khách bằng xe khách, có đầu mối xét nghiệm, kết nối với các địa phương nơi đến sẽ vừa đáp ứng được việc đi lại của những người dân, vừa đảm bảo được việc phòng chống dịch, nhất là người dân khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…
“Không thể mở cửa kinh tế, khôi phục sản xuất, kinh doanh nếu như không mở sự đi lại”, ông Quyền nói.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng Thủ tướng đã nói về chuyển đổi mô hình chống dịch. Thủ tướng nói là sống chung, an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Do vậy, điều quan trọng nhất để phục hồi kinh tế là chuyển đổi mô hình chống dịch. Tuy nhiên, ông Dũng vẫn lo ngại ở mỗi địa phương vẫn còn có cách làm khác nhau.
"Chúng ta phải chuyển đổi mô hình chống dịch như thế nào? Muốn làm được theo hệ thống thì phải có mệnh lệnh từ trung ương, chứ còn mỗi tỉnh một kiểu, như tỉnh đòi loại giấy này, tỉnh đòi loại giấy khác; tỉnh cho qua, tỉnh không cho qua… thì làm sao lưu thông được hàng hóa", ông Dũng lo ngại.
Ông Dũng ví von rằng có một "vòng kim cô rất lớn” cho các lãnh đạo đứng đầu địa phương. “Chúng ta đặt ra nếu để bùng phát dịch bệnh, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Nhưng như vậy, người ta khóa cứng địa phương thôi. Địa phương nào chỉ cần có 1 - 2 ca nhiễm dịch là người ta “khóa cứng”. Điều này sẽ dẫn đến đổ vỡ toàn bộ chuỗi lưu thông của đất nước”.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”