Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 3% cả năm thì quý 4 phải đạt 7,06% trở lên; đạt 3,5% thì GDP quý 4 phải đạt 8,84% trở lên.

Để tăng trưởng cả năm đạt 3,5% thì quý 4 phải đạt 8,84% trở lên

Lam Thanh | 03/10/2021, 08:45

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 3% cả năm thì quý 4 phải đạt 7,06% trở lên; đạt 3,5% thì GDP quý 4 phải đạt 8,84% trở lên.

Trao đổi tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, cơ quan này đã trình 2 phương án kịch bản tăng trưởng quý 4/2021 trên cơ sở kết quả tăng trưởng kinh tế 9 tháng và mục tiêu cả năm cùng một số điều kiện đặt ra.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ, trên cơ sở đánh giá ước thực hiện tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 3 đến 3,5%, với kết quả của 9 tháng, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 3% cả năm thì quý 4 phải đạt 7,06% trở lên. Trong khi đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 3,5% thì GDP quý 4 phải đạt 8,84% trở lên.

Ông Phương cũng cho biết đã từng có quý đạt tăng trưởng 7%, tuy nhiên quý 4/2021 có nhiều điểm đặc biệt, phụ thuộc rất nhiều vào Đề án thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Để đạt mục tiêu này, đặt ra mấy yêu cầu.

Thứ nhất là đối với doanh nghiệp phải được hoạt động, không bị đóng băng, đóng cửa.

Thứ hai, đối với lao động phải được dịch chuyển. Ông Phương nêu tình trạng, các khu công nghiệp, khu kinh tế lớn đang thiếu lao động tức thời và hy vọng tới đây với các quy định mới của ngành y tế, các lao động đc di chuyển an toàn.

Thứ ba là hàng hoá phải lưu thông, bao gồm cả hàng hoá đầu vào và đầu ra.

"Trong bối cảnh vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất từ nay đến cuối năm, chúng ta đang thực hiện lộ trình mới để phục hồi kinh tế, thì các doanh nghiệp, khu vực đạt khoảng 80% công suất là thành công lớn trong phục hồi kinh tế", ông phân tích.

Thứ trưởng Phương cũng hy vọng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp, tăng trưởng quý 4 sẽ đạt được mục tiêu trên 7% để hoàn thành kế hoạch đề ra.

sx.jpg
Tăng trưởng phụ thuộc vào đề án kiểm soát COVID-19

Đề cập đến các giải pháp, chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng cần đẩy nhanh việc thực hiện gói chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng gặp khó khăn do COVID-19.

Đồng thời, nghiên cứu, rà soát giảm một số loại phí, lệ phí; chi phí đầu vào sản xuất: chi phí lãi vay, giảm chi phí logistics (giãn, miễn phí BOT tại các vùng động lực trong khoảng thời gian nhất định); sớm công bố gói hỗ trợ với khu vực doanh nghiệp cho năm 2021 và có thể kéo dài đến nửa năm 2022 để tạo kỳ vọng cho đầu tư từ khu vực doanh nghiệp; ngân sách các địa phương có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong chi phí xét nghiệm; nghiên cứu giảm kinh phí công đoàn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và lớn.

NCIF cũng cho rằng cần theo dõi và kiểm soát lạm phát, tập trung tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng; điều chỉnh sớm kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; thúc đẩy xuất nhập khẩu, thực thi hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách cùng với đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu.

Trung tâm này cũng nhấn mạnh cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở tận dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số.

Để tận dụng và khai thác các cơ hội từ các FTA, Chính phủ cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt về công nghệ, vốn, thông tin và khả năng kết nối với các doanh nghiệp FDI trong sản xuất và cạnh tranh quốc tế; tăng mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ.

Hiện nay, các tập đoàn, công ty lớn hoạt động ở Việt Nam đều có chuỗi cung ứng riêng (chủ yếu là doanh nghiệp FDI) cung cấp sản phẩm linh kiện. Tỷ lệ doanh nghiệp trong nước tham gia các chuỗi cung ứng đó còn khiêm tốn do khả năng đáp ứng về yêu cầu chất lượng kém; doanh nghiệp nước ngoài e ngại khi ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ Việt Nam do môi trường pháp lý chưa thực sự thuận lợi và nỗi lo bị phá vỡ hợp đồng.

“Công nghiệp phụ trợ yếu không chỉ hạn chế cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong nước mà còn làm giảm tính hấp dẫn trong thu hút vốn FDI”, NCIF nêu.

Song song với đó là đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Đây được xem là yếu tố cốt lõi và quan trọng nhất tạo động lực mới cho kinh tế nền tăng trưởng.

"Cải cách thể chế, môi trường kinh doanh là động lực mang tính nền móng, căn bản cho phát triển, nền móng tốt, tăng trưởng mới có thể bứt phá và bền vững”, theo NCIF.

NCIF cũng cho rằng cần thực hiện tái cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng tương đối cân bằng giữ các khu vực thị trường nhằm giảm bớt rủi ro so với việc quá tập trung vào một khu vực thị trường xuất khẩu nào đó; đa dạng hóa sản phẩm theo cả chiều rộng và chiều sâu.

Đặc biệt, NCIF cho rằng cần hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đẩy mạnh phát triển nền tảng công nghệ. Vai trò của công nghệ ngày càng quan trọng, do đó cần có những giải pháp triệt để hơn trong việc hỗ trợ những doanh nghiệp phát triển nền tảng công nghệ, đặc biệt tập trung vào nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ngoài ra, cần hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ trong sản xuất.

Một nội dung nữa là thúc đẩy tiêu dùng nội địa như ổn định tâm lý người dân, kiểm soát dịch bệnh nhanh để dần đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Điều này đòi hỏi các giải pháp phòng chống dịch bệnh cần được thực hiện chặt chẽ, đồng thời cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trước các hoạt động bảo vệ cộng đồng; triển khai nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin trong những tháng cuối năm. Chính phủ thực thi các biện pháp trợ cấp, hỗ trợ thu nhập như giảm thuế thu nhập tạm thời, hoãn hoặc giảm thuế doanh nghiệp…

Bài liên quan
Nhu cầu chip AI của Nvidia vẫn bùng nổ nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại khiến nhà đầu tư lo ngại
Nvidia hôm 20.11 dự báo mức tăng trưởng doanh thu chậm nhất trong 7 quý, không đáp ứng được kỳ vọng cao của một số nhà đầu tư đã biến hãng chip trí tuệ nhân tạo (AI) Mỹ này thành công ty có giá trị nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để tăng trưởng cả năm đạt 3,5% thì quý 4 phải đạt 8,84% trở lên