Hai vợ chồng Davon và Soonton Chanthabouly sống đơn giản trong căn lều dựng bằng gỗ và rơm bên bờ sông Mekong, nơi họ vừa trồng xong một đám lạc khi nước sông cạn trong mùa khô.

Khủng hoảng sông Mekong: Đập dựng lên, cá tôm biến mất

Một Thế Giới | 11/03/2016, 17:54

Hai vợ chồng Davon và Soonton Chanthabouly sống đơn giản trong căn lều dựng bằng gỗ và rơm bên bờ sông Mekong, nơi họ vừa trồng xong một đám lạc khi nước sông cạn trong mùa khô.

Chị Davon bảo chưa từng thấy những gì vừa xảy ra: giữa mùa cạn, sông bỗng đột ngột dâng cao cuốn đi tất cả.

Tại trụ sở Ủy hội sông Mekong, Hans Guttman, chuyên gia phát triển cộng đồng người Thụy Điển, lãnh đạo Ủy hội từ năm 2011, cũng ngơ ngác như vợ chồng Chanthabouly về những gì vừa xảy ra.

“Tôi đến văn phòng và tự hỏi sao trước văn phòng giờ lại có cái hồ”, ông nói khi cùng phóng viên Financial Times ngồi trong trụ sở Ủy hội, hướng ra sông Mekong.

Simon Krohn, cố vấn kỹ thuật quốc tế của Ủy hội bảo: “Cứ như một cơn lũ quét”.

Bất thường

Cơn lũ quét như thế chưa từng xảy ra trong vòng 50 năm qua và như những dân làng ở phía bắc Thái Lan, Guttman nghĩ ngay đến những con đập ở Trung Quốc.

“Chúng tôi cố gắng tìm hiểu đó có phải là do các đập Trung Quốc xả lũ không”, ông nói.

Các hình ảnh được chụp từ vệ tinh cho thấy đã có mưa lớn ở Nam Trung Quốc và Bắc Lào, có nơi đạt tới hơn 120mm chỉ trong 2 ngày. Do vậy Ủy hội kết luận rằng lũ là do mưa lớn, không phải do đập xả lũ.

Nhưng họ cũng muốn biết những gì đã xảy ra tại các con đập của Trung Quốc, tuy nhiên những gì họ thu thập được còn rất xa mới thỏa mãn yêu cầu ban đầu.

Việc tìm kiếm thông tin cực kỳ khó khăn. Các nhân viên Ủy hội sông Mekong không thể đơn giản là cầm điện thoại lên và gọi tới những người điều hành các con đập ở Vân Nam, Trung Quốc.

Họ có thể lượm lặt tin tức tại các cuộc gặp không chính thức với các quan chức Trung Quốc. Các phương thức liên lạc chính thức buộc họ phải có đề nghị chính thức gửi tới Bắc Kinh thông qua đại diện Trung Quốc ở một cơ quan đóng tại Bangkok là UNESCAP (cơ quan của Liên Hợp Quốc chuyên hoạt động trong lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương).

Sẽ khác nếu Trung Quốc là thành viên Ủy hội sông Mekong bởi 44% chiều dài con sông nằm trên đất Trung Quốc. Nhưng chỉ có Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam là thành viên đầy đủ.

Nếu Trung Quốc tham gia Ủy hội, họ sẽ phải chia sẻ thông tin về việc quản lý, sử dụng dòng sông. Thay vào đó, Trung Quốc là “bên đối thoại” (dialogue partner), cung cấp thông tin trong mùa mưa để giúp các nước vùng hạ du kiểm soát lũ lụt, nhưng trong mùa khô, họ không cung cấp số liệu, trừ “trong trường hợp cá biệt”, ví dụ đợt hạn hán năm 2010 dẫn đến cáo buộc rằng Trung Quốc tích nước để trữ trong hồ chứa của đập Tiểu Loan vừa hoàn thành.

Cuối cùng, Bắc Kinh cũng cung cấp các số liệu của năm đó cho thấy tỉnh Vân Nam cũng bị hạn hán, để rồi Ủy hội sông Mekong phải kết luận các con đập (ở Trung Quốc) không làm tình hình tồi tệ thêm.

Nhưng lũ quét trong mùa khô là hiện tượng mới và là hiện tượng mà một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể trở thành “bình thường” đối với dòng Mekong, có vẻ như có mực nước thấp hơn trước đây trong mùa mưa nhưng mực nước trong mùa khô lại cao hơn trước khi Trung Quốc tích và xả nước qua các con đập.

Guttman nói ông đang cố tìm hiểu một hiện tượng lạ của dòng sông. Một số nơi mực nước bất thình lình giảm 1m mà không có dấu hiệu gì báo trước và rồi lại tăng lên mức cao bất thường. Trong khi đó trời không có mưa và Ủy hội kết luận các con đập có thể là thủ phạm.

“Chúng tôi đoán rằng có thể do người ta ngừng sản xuất điện ở một vài thời điểm, hoặc tạm đóng cửa đập vì một số lý do nào đó”, Guttman nói.

“Có một số người nói trên Facebook rằng đã có sửa chữa chỗ này chỗ kia nhưng chúng tôi rất khó khăn xác minh thông tin”. Một đoàn quan chức Trung Quốc đã tới thăm văn phòng của Ủy hội sông Mekong ở Phnom Penh (Campuchia), cung cấp các số liệu cho thấy không có đợt xả lũ bất thường nào từ các con đập của Trung Quốc trong tháng 12 và việc lũ lụt là do mưa rất lớn.

Nhưng họ không đưa ra giải thích nào cho việc lên xuống bất thường của dòng sông diễn ra tháng 2 sau đó. Phó giám đốc Cơ quan Quản lý nguồn nước Thái Lan Chaiporn Siripornpibul cung cấp các số liệu cho thấy đã có mưa rất lớn trước khi xuất hiện lũ trên sông hồi tháng 12 năm trước.

Nhưng mưa lớn có đủ khiến nước sông dâng bất ngờ và lớn đến vậy? “Không thể”, ông nói, nhưng vẫn chưa kết luận về các con đập. Ông có thể gọi điện cho phía Trung Quốc để tìm hiểu thông tin không? “À, không dễ đâu”, ông trả lời với nụ cười gượng gạo.

Theo giáo sư Ấn Độ Brahma Chellaney, người viết nhiều về mối đe dọa ổn định khu vực mà ông gọi là “thế bề trên của Trung Quốc về nguồn nước”, quan chức các nước hạ du Mekong đôi khi “ngại” chỉ trích các con đập Trung Quốc.

“Các nước Đông Nam Á là nước nhỏ. Họ quá sợ hãi khi nói về Trung Quốc”, ông nói.

09-45-57_dnh-c-tren-song-mekong

Nghề cá trên lưu vực sông Mekong đang bị đe dọa nghiêm trọng. Ảnh: Wikipedia.

Cá tôm biến mất

Trong khi quan chức Trung Quốc phủ nhận mối liên quan giữa các con đập và những hiện tượng bất thường của sông Mekong, các ngư dân Thái nói chính các con đập ở Trung Quốc và Lào đang khiến cá tôm sụt giảm thê thảm, sinh kế của nhiều gia đình bị đe dọa, nhiều ngư dân phải bỏ nghề….

Báo The Nation của Thái Lan nói nhiều ngư dân ở vùng Đông Bắc (Thái Lan), Tây Nam Bộ (Việt Nam) phải bỏ nghề vì cá tôm ngày càng khan hiếm. Thongbi Pongthin, ngư dân ở tỉnh Ubon Ratchathani cho hay ngày càng khó đánh bắt cá bởi mực nước sông nay rất không ổn định.

“Đôi khi nước dâng rất nhanh rồi sau đó lại xuống rất nhanh. Hiện tượng đó đã đuổi cá đi”, anh nói. Theo nhận định của ngư dân, các con đập trên thượng nguồn đã khiến dòng chảy biến đổi rất bất thường.

Khi Thongbi còn ít tuổi, cá nhiều hơn bây giờ rất nhiều. “Nhiều ngư dân ở tỉnh tôi phải bỏ nghề lên Bangkok làm công nhân vì giờ còn ít cá quá. Tôi cũng không thể chỉ trông mỗi vào nghề đánh cá nữa. May mà nhà tôi còn có nghề trồng rau. Tôi nghĩ tôi cũng sẽ bỏ đánh cá sớm”, anh nói.

Nguyễn Hữu Thiên, một nhà nghiên cứu của Việt Nam nói xây đập trên sông Mekong là nguyên nhân nguồn lợi thủy sản sụt giảm nghiêm trọng.

“Có hai loại cá trên sông Mekong. Một loại sinh sống ở một khu vực nhất định nên không cần di cư. Loại thứ hai cần di cư lên thượng nguồn để sinh sản. Các con đập đã chắn đường nên chúng không thể tới được khu vực sinh sản ở thượng nguồn”. Theo nhà nghiên cứu này, các con đập đã khiến lượng cá sông Mekong sụt giảm 220.000 tấn/năm….

Theo Tiepthithegioi.vn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khủng hoảng sông Mekong: Đập dựng lên, cá tôm biến mất