Từ góc nhìn của một tác giả trẻ, sân khấu về sử Việt có nhiều hy vọng tồn tại trong bối cảnh khó khăn chung.
Văn hóa

Kịch sử Việt: Lặng lẽ mà bền bỉ

Nguyễn Huy 22/04/2024 14:50

Từ góc nhìn của một tác giả trẻ, sân khấu về sử Việt có nhiều hy vọng tồn tại trong bối cảnh khó khăn chung.

Làm mới kịch sử Việt bằng bước đi mới mẻ

Sau thời gian âm thầm chuẩn bị, vở nhạc kịch sử Việt Lá cờ thêu sáu chữ vàng (tác giả Nguyên Phương, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt) sẽ ra mắt vào tháng 5 tại rạp Hưng Đạo (TP.HCM).

NSƯT Lê Nguyên Đạt là ông bầu sân khấu Sen Việt chuyên về cải lương, thế nhưng lần này anh đầu tư cho nhạc kịch. Đây là một bước đi mới mẻ.

“Nhà nước có chủ trương dùng nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng để lồng ghép những bài học lịch sử cho các cháu thiếu nhi, thiếu niên, kể cả các học sinh trung học và sinh viên. Kỳ này, đối tượng mà tôi nhắm đến là các cháu nhi đồng và thiếu niên vì sân chơi nghệ thuật dành cho các cháu còn quá thiếu thốn. Tôi là dân cải lương nhưng làm nhạc kịch vì lý do tôi muốn sự trẻ trung và hiện đại của loại hình này, hơn nữa nó dễ tiếp cận với khán giả trẻ. Trong nhạc kịch, chúng tôi lồng ghép câu hò, điệu lý và cả vọng cổ của cải lương để các em làm quen dần. Sau đó, chúng tôi sẽ đưa cải lương thuần túy đến với các em. Điều quan trọng là các em tiếp nhận được tinh thần yêu nước của anh hùng Trần Quốc Toản”, NSƯT Lê Nguyên Đạt cho biết.

6x3x2137.png
Poster vở nhạc kịch sử Việt "Lá cờ thêu sáu chữ vàng"

Được biết, sau khi ra mắt vở diễn tại TP.HCM, ông bầu Lê Nguyên Đạt sẽ mang tác phẩm dự thi tại Liên hoan sân khấu đề tài thiếu niên và nhi đồng toàn quốc tại Hải Phòng. Liên hoan diễn ra từ ngày 13 - 20.5. Kết thúc liên hoan, ông bầu Lê Nguyên Đạt sẽ trình diễn phục vụ thiếu nhi trong suốt tháng 6. Như vậy vào mùa hè này, các bạn nhỏ có thêm một lựa chọn giải trí lành mạnh mà ở đây, các bạn xem nghệ thuật nhưng học được những bài học lịch sử quý của dân tộc.

Trước đó, vở kịch lịch sử tựa đề Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử (tác giả Phạm Văn Quý, chỉnh lý Võ Tử Uyên, đạo diễn Hoàng Duẩn) ra mắt tại Nhà hát Thanh Niên đã “cháy vé” trong nhiều suất. Thành công bất ngờ này khiến nhiều người nhận ra rằng nghệ thuật với chủ đề lịch sử dân tộc vẫn có sức hút đặc biệt đối với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

Vở diễn tái hiện một lát cắt trong cuộc đời của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt, người trải qua đời binh nghiệp rất huy hoàng, nhưng khoảng sau cuộc đời ông cũng lắm đắng cay. Mộ phần của ông được đặt ở một nơi rất quen thuộc với người Sài Gòn - TP.HCM, đó là Lăng Ông Bà Chiểu. Tuy nhiên, không nhiều người biết rõ về việc này trừ một ít người có đam mê nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Vì vậy, việc các nghệ sĩ kể về câu chuyện lịch sử liên quan đến Tả quân Lê Văn Duyệt bằng ngôn ngữ sân khấu là điều cần thiết và hữu ích.

437607150_441228428274454_2418332926501244677_n.jpg
Đại Nghĩa xuất sắc trong vai Huỳnh Công Lý trong vở kịch "Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử"

Nói về dùng nghệ thuật kể chuyện lịch sử phải nhắc đến cải lương. Từ trước đến nay, Hồ Quảng vẫn là thể loại được ưa chuộng, còn đề tài lịch sử dân tộc vẫn kén người xem. Dù vậy, đã từng có một thời cải lương sử Việt rất ăn khách và trở thành kinh điển với một loạt tác phẩm lớn như: Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Câu thơ yên ngựa, Bức ngôn đồ Đại Việt, Tô Hiến Thành xử án. Thế nhưng về sau này, cùng sự suy yếu của cải lương thì mảng đề tài sử Việt cũng thưa thớt dần, dù các đơn vị công lập và tư nhân đều cố gắng duy trì.

Bên phía kịch nói, chủ đề lịch sử dân tộc cũng khan hiếm. Ngày xưa, sân khấu Idecaf từng dựng các vở Bí mật vườn lệ chi, Ngàn năm tình sử, Vua thành triều Lê... nhưng đã gián đoạn lâu và phải mất hơn 10 năm, sân khấu Idecaf của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn mới trở lại với vở Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử.

Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, ban đầu ông không dám tự tin rằng vở diễn sẽ thu hút đông đảo người xem. Ông quyết định đầu tư cho vở diễn bởi đơn giản vì yêu lịch sử dân tộc và chấp nhận thua lỗ. Do đó, thành công của vở diễn là món quà tinh thần vô giá và nó đã thúc đẩy ông đầu tư thêm hai vở kịch lịch sử dân tộc khác. Thông tin về hai vở diễn này chưa được tiết lộ vì còn trong giai đoạn chỉnh sửa kịch bản.

Ít ai biết rằng, trong vai trò ông bầu, ông Tuấn cũng đã tạo điều kiện cho nghệ sĩ Bạch Long cống hiến cho cải lương tại Nhà hát Nón Lá. Trước Tết Nguyên đán 2024, nghệ sĩ Bạch Long đã dựng vở Xuân về trên đất Thăng Long (tác giả và đạo diễn Bạch Long) cũng bán vé rất tốt.

435123130_947385257173958_6891275546818595242_n.jpg
Hình ảnh trong vở cải lương "Khúc tráng ca thành Gia Định"

Cải lương, kịch nói giúp thế hệ trẻ hiểu lịch sử dễ dàng hơn

Gần như trong cùng thời gian này, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang công diễn vở Khúc tráng ca thành Gia Định (tác giả Phạm Văn Đằng, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ). Suất hát đầu tiên bán hết vé. Điều này cho thấy rằng chủ đề lịch sử dân tộc không phải là mảng đề tài khô khan, kém hấp dẫn người xem. Đến suất thứ hai, lượng vé bán ra 2/3, nên nhà hát đã chấp thuận đề xuất tạo điều kiện cho sinh viên vào xem để lấp đầy rạp. Nhiều bạn xem mà xúc động vô cùng vì không ngờ lịch sử được kể bằng ngôn ngữ sân khấu hay và đẹp đến vậy.

Bản thân các bạn sinh viên rất muốn xem cải lương tuồng sử nhưng giá vé khá cao với khả năng tài chính của họ. Nói về điều này, tác giả Phạm Văn Đằng chia sẻ: “Ngoài vai trò tác giả, tôi còn là nhân viên của nhà hát Trần Hữu Trang. Ở góc nhìn của cá nhân tôi, tuồng sử vẫn hấp dẫn công chúng. Việc các nhà hát đầu tư vào tuồng sử còn thể hiện trách nhiệm công dân là giúp thế hệ sau hiểu về tiền nhân. Tôi chắc chắn, thế hệ trẻ hiểu sử bằng cải lương, kịch nói dễ dàng hơn các bài học sử trên lớp”.

Tác giả Phạm Văn Đằng cũng là một người trẻ. Giờ đây, anh cũng đã dành trọn niềm đam mê cho nghệ thuật cải lương, đặc biệt là chủ đề lịch sử. Như vậy, vẫn còn ít nhiều người trẻ mê cải lương sử Việt. Theo Đằng, ngoài những sự kiện chính sử thì vở diễn cần tôn trọng tuyệt đối tính chính xác. Ngoài ra, tác giả đã phóng bút, sáng tạo những tình tiết ly kỳ hấp dẫn cho câu chuyện. Hình thức này đã giúp cho cải lương tuồng sử mềm mại và hấp dẫn hơn trong mắt khán giả trẻ.

Nhận định về sân khấu kịch tư nhân, Đằng thấy rằng chiến dịch quảng bá thông tin cũng được thực hiện bài bản và chuyên nghiệp. Cụ thể là thông tin vở diễn phủ sóng trên website sân khấu, fanpage, các trang cá nhân của nghệ sĩ. Việc mỗi nghệ sĩ góp sức quảng bá vở diễn bên cạnh thông tin của báo giới góp phần đánh động sự quan tâm của công chúng.

Từ góc nhìn của một tác giả trẻ, sân khấu về sử Việt có nhiều hy vọng tồn tại trong bối cảnh khó khăn chung. Đối với đoàn công lập có nguồn kinh phí được cấp định kỳ bởi nhà nước, việc vừa bán vé vừa tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận vở diễn là một giải pháp hợp lý. Đoàn tư nhân xã hội hóa thì bấy lâu nay luôn biết cách tồn tại. Và hiện nay, hầu như các sân khấu đều có chương trình trình diễn tại các trường đại học với giá vé ưu đãi. Đây là cách để ông bầu có nguồn thu dẫu không nhiều nhưng vẫn đủ để duy trì, nghệ sĩ có cơ hội trình diễn, còn các bạn trẻ hiểu thêm về lịch sử dân tộc bằng bài học vô cùng sống động.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ
một phút trước Theo dòng thời sự
Quốc hội đã bỏ phiếu kín, thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ tại kỳ họp bất thường thứ 7 Quốc hội khóa 1 chiều 2.5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kịch sử Việt: Lặng lẽ mà bền bỉ