Ngày 6.6, báo The Wall Street Journal (WSJ) bình luận dấu ấn kiềm chế Trung Quốc hung hăng trên Biển Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa rõ nét. Một Thế Giới xin lược dịch
WSJ nêu chính phủ Mỹ bắt đầu chú ý việc Trung Quốc đòi độc chiếm gần như toàn bộ Biển Đông, bắt nạt Việt Nam, Philippines cùng các nước khác trong khu vực này.
Dù Mỹ nối lại tuần tra thực thi quyền tự do hàng hải...
Đầu tháng 5, Lầu Năm Góc thông qua “Kế hoạch ổn định châu Á-Thái Bình Dương”, tăng chi 7,5 tỉ USD để tăng cường sự hiện diện quân sự Mỹ tại Biển Đông.
Sáng 25.5, khu trục hạm Dewey của hải quân Mỹ tiến hành tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP), đi vào khu vực 6 hải lý xung quanh Đá Vành Khăn, một trong 7 thực thể địa lý bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và xây thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cuộc tuần tra của tàu chiến Mỹ đánh dấu lần đầu tiên một chiến dịch FONOP được triển khai ở Biển Đông, dưới thời Tổng thống Trump.
Thời cựu Tổng thống Barack Obama, hải quân Mỹ đã 3 lần đưa tàu chiến áp sát các thực thể mà Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông, nhưng đều chỉ thực hiện nguyên tắc “đi qua không gây hại” trong vùng nước xung quanh các thực thể nhân tạo trái phép này.
Nhưng với chuyến tuần tra của chiếc Dewey cùng một cuộc diễn tập cứu người rơi xuống biển, rõ ràng đó là tín hiệu Mỹ xem khu vực trên là hải phận quốc tế. Bắc Kinh lên án hành động của Mỹ là khiêu khích, thề tăng khả năng quân sự “bảo vệ chủ quyền”.
Nhưng tiến hành FONOP không hề là sự khiêu khích, mà là một hành động biểu tượng tuân thủ luật quốc tế để bảo vệ quyền tự do đi lại.
Nếu các nước không thách thức tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Bắc Kinh bằng những cách cụ thể, Bắc Kinh có thể cãi ở một phiên tòa tương lai rằng các nước đó đã hủy bỏ sự phản đối của họ.
Trung Quốc vẫn quên phắt lời hứa không quân sự hóa Biển Đông
Các cuộc tuần tra FONOP có thể nguy hiểm hơn, nếu quân đội Trung Quốc tiếp tục vũ trang ở các đảo nhân tạo mà họ xây trái phép.
Hồi tháng 12.2016, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã dàn các ụ phòng không ở những căn cứ này.
Tháng 5, Tân Hoa Xã đưa tin đã triển khai dàn phóng tên lửa ở Đá Chữ Thập, dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng hứa nước ông sẽ không quân sự hóa Biển Đông, nhân chuyến thăm Nhà Trắng tháng 9.2015.
Ngày 17.5, hai chiến đấu cơ Su-30 của Trung Quốc vờn chiếc máy bay chuyên dò phóng xạ W-135 của không quân Mỹ trên không phận quốc tế ở biển Hoàng Hải.
Một tuần sau, cùng ngày khu trục hạm Dewey áp sát Đá Vành Khăn, 2 chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc “bay biểu diễn rất nghiệp dư”, gây nguy hiểm cho máy bay tuần tra biển săn ngầm P-3 Orion của không quân Mỹ trên không phận quốc tế ở Biển Đông, .
Lầu Năm Góc xác nhận các máy bay Trung Quốc "bay không chuyên nghiệp và thiếu an toàn”.
Những vụ bay không chuyên nghiệp này có thể gây ra tai nạn, như hồi tháng 4.2011, một chiến đấu cơ J-8 của Trung Quốc đã đâm sầm vào chiếc máy bay tuần tra EP-3 của Mỹ ngay trên không phận quốc tế.
Chiến đấu cơ Trung Quốc chuẩn bị cất cánh, bị Mỹ trách bay thiếu chuyên nghiệp
Dấu ấn Mỹ bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông vẫn chưa rõ nét
Tại cuộc Đối thoại Shangri-la 2017, một hội nghị an ninh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đề cập những hành xử hung hăng của Trung Quốc: “Xây đảo nhân tạo và quân sự hóa các cơ sở trên những thực thể thuộc hải phận quốc tế là gây bất ổn cho khu vực”.
Ông Mattis cũng nói Trung Quốc “công khai phớt lờ luật pháp quốc tế, khinh thường quyền lợi của các nước khác”.
Dĩ nhiên Bắc Kinh phản ứng phẫn nộ. Ngày 5.6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói phát biểu của Bộ trưởng Mattis là “vô trách nhiệm”, đồng thời phàn nàn “một số nước ngoài khu vực có những động cơ riêng đã đưa ra những phát biểu sai lạc”.
Theo WSJ, chính phủ Tổng thống Trump từng ngưng tuần tra FONOP cho đến tháng 5, có lẽ vì hy vọng Trung Quốc sẽ ép CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á lại thắc mắc: liệu Mỹ vẫn xem sự ổn định và quyền tự do hàng hải trên Biển Đông là những nguyên tắc đáng bảo vệ?
Việc Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng khiến Mỹ bị giảm uy tín ở khu vực này.
WSJ nêu tại Hội nghị Shangri-La 2017, Bộ trưởng Mattis dẫn lời của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill: “Một khi chúng ta đã cạn tất cả các giải pháp, Mỹ sẽ làm điều đúng đắn. Nên chúng tôi vẫn ở đó và sẽ ở bên cạnh các bạn”.
Nhưng tờ báo nhắc: chắc chắn một vài cử tọa vẫn còn nhớ việc Mỹ đứng bên ngoài hồi năm 2012, khi Trung Quốc phá vỡ một thỏa thuận và chiếm Bãi Scarborough của Philippines.
Và WSJ kết luận: “Vấn đề ở chỗ ngày nay, Mỹ sẽ làm gì để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng” trên Biển Đông...
Trung Trực (theo Wall Street Journal)